Những người thầy đi qua chiến tranh
Những tháng ngày ở chiến trường gian khổ mà hào hùng, được tôi luyện, thử thách qua sinh tử, mất mát, là ký ức không thể nào quên với những người lính, người thầy xứ Nghệ.
Khi trở về với bục giảng, họ tiếp tục sống và cống hiến cho cả phần của đồng đội đã để lại tuổi 20 ở chiến trường.
Tạm biệt giảng đường vào quân ngũ
Năm 1971, Hoàng Khắc Huệ, sinh viên năm thứ 3 khoa Toán (Trường ĐH Sư phạm Vinh) được lệnh tổng động viên. Yêu cầu phải có mặt gấp tại nơi tập kết ở xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu), chàng sinh viên vội vã lên đường. Ngày nhập ngũ, "bố đang công tác tại hợp tác xã, em trai còn nhỏ, mẹ nấu cho bữa cơm, ăn xong là đi", ông Huệ nhớ. Xe chở bộ đội ở đầu làng, người mẹ dúi vội nắm tiền lẻ vào tay cậu con trai, rồi khóc. Chàng sinh viên hơn 20 tuổi vụng về, lộc ngộc, chỉ biết nói cứng: "Mẹ yên tâm, con đi không chết đâu" rồi khoác ba lô quay lưng chạy.
Nhập ngũ, Hoàng Khắc Huệ thuộc quân số Trung đoàn 66 – bộ binh, Sư đoàn 304. Sau gần 2 tháng huấn luyện tân binh, anh chuyển sang học Trường Hạ sỹ quan Quân đoàn 2 ở Quân khu 4. Tiếp tục rèn quân 4 tháng, chàng sinh viên khoa Toán chính thức trở thành người lính, cùng với đồng đội tiến vào Quảng Trị tham gia bảo vệ Thành cổ.
Mùa thu năm 1971, Nguyễn Quốc Khánh nhận được giấy tuyển quân khi đang sơ tán dạy học ở huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). Về nhà ở thị xã Vinh (bây giờ là TP Vinh), thầy giáo trẻ thấy anh trai công tác tại Nam Định và em trai đang là sinh viên khoa Toán (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã có mặt. "Tôi vẫn nhớ như in ngày đoàn tụ đặc biệt đó, mẹ nói "các con đi bộ đội mẹ không giữ.
Nhưng đi một lúc cả 3 đứa như vậy mẹ không biết có chịu được không"? Mẹ tôi sinh được 6 anh em, chỉ có một con gái thì mất sớm, còn 5 anh em trai. Thời điểm đó, người em trai kế tôi đã đi bộ đội rồi. Có lẽ xét thấy hoàn cảnh gia đình như vậy, địa phương chỉ cho em trai tôi là Nguyễn Quốc Phú nhập ngũ. Còn tôi và anh trai cả quay lại nơi làm việc", ông Nguyễn Quốc Khánh kể lại.
Chàng sinh viên Nguyễn Quốc Phú, khoa Toán (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) ngày ấy có mặt trong danh sách đi học chuyên tu ở Liên Xô. Nhưng khi đất nước cần, ông xếp lại bút nghiên, ước mơ lại, và sẵn sàng ra trận. Tuổi trẻ sục sôi, chỉ chờ có lệnh là đi. Giảng đường đại học vắng hẳn sinh viên nam. Ngày rời Thủ đô, ông khắc sâu hình ảnh mình đứng trên xe cùng 600 nam sinh viên được chở 3 vòng quanh trường đại học để tạm biệt bạn bè, thầy cô. Các bạn sinh viên nữ ở phía dưới vẫy tay, chúc lên đường may mắn, và ôm nhau khóc. Chiến tranh, chẳng ai dám hứa hẹn điều gì.
Tố chất thông minh, cùng với tính cách kiên cường, không quản ngại khó khăn của người xứ Nghệ, Nguyễn Quốc Phú hoàn thành xuất sắc các khóa huấn luyện. Ông được cử đi học làm tiểu đội trưởng, rồi trung đội phó để dẫn quân đi B năm 1972. Đơn vị của Nguyễn Quốc Phú là Tiểu đoàn tên lửa mặt đất, thuộc Trung đoàn đặc công, vào thẳng chiến trường ở Đồng Nai.
Cũng năm 1972, ở Trường THPT Tân Kỳ (Nghệ An) thầy Nguyễn Quốc Khánh lần thứ 2 nhận lệnh tổng động viên. Lần nhập ngũ ấy, Nguyễn Quốc Khánh không kịp về nhà chào mẹ. Suốt những năm tháng gian khổ, ác liệt ấy, ông chỉ biết đi, chiến đấu với hi vọng ngày hòa bình sẽ đến. Sau này, ông mới biết người em trai út cũng vào bộ đội. Cả 5 anh em trai, chỉ người anh cả làm ngành vận tải không nhập ngũ, còn lại đều đi B, có người tham gia chiến trường Campuchia.
Những ngả đường tiến về Sài Gòn
"Khi cả nước cùng hướng về miền Nam, thanh niên ai cũng ra trận, sinh viên chúng tôi sao thể ngồi yên ở giảng đường", ông Nguyễn Quốc Phú nói. Những kiến thức của sinh viên khoa Toán không hề lãng phí ở chiến trường. Đặc biệt giúp ích nhiều trong việc đọc, sử dụng bản đồ, xác định được tỉ lệ trên bản đồ ứng với vị trí trên thực địa. Từ đó biết điểm đứng của mình ở đâu, cách mục tiêu bao xa để bắn trúng.
Có một kỷ niệm mà ông Phú nhớ mãi, khi đơn vị được giao nhiệm vụ đánh sân bay Long Thành (Đồng Nai), mục đích không cho máy bay cất cánh, hạ cánh. "Một buổi chiều, tôi đang dạo quanh khu vực đóng quân, thì bị bắt về, yêu cầu khai rõ ở đơn vị nào. Thì ra, tôi đi lạc vào nơi giấu xe tăng của quân ta. Chính tôi cũng không biết bằng cách nào, từ bao giờ mà chúng ta đã đưa được xe tăng tiến sát vào Sài Gòn như vậy. Trong chiến trường, chúng tôi chỉ nhìn được cái trước mắt, trận địa cụ thể. Còn các tướng chỉ huy của ta có tầm nhìn chiến lược và mưu trí vô cùng", ông Nguyễn Quốc Phú kể lại.
Cuối năm 1974 – đầu 1975, các cánh quân từ nhiều mặt trận tiến dần về Sài Gòn. Với vai trò là trợ lý tác chiến Trung đoàn 66, đơn vị ông Huệ trực tiếp chiến đấu giải phóng Đà Nẵng, tiến về Bình Thuận để đập tan các cứ điểm phòng thủ khác của địch ở Phan Rang, Hàm Tân. Ngày 29/4/1975, sau khi tham gia đánh chiếm căn cứ Nước Trong – Long Thành, Quân đoàn 2 của ông được lệnh tiến vào Sài Gòn theo hướng Đông – Đông Nam.
Ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 của ông Huệ là đơn vị bộ binh đầu tiên có mặt ở Dinh Độc Lập. Ông và các đồng đội chứng kiến giây phút lịch sử khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng. "Giây phút ấy đối với tôi thật sự không thể tin nổi và cũng là hạnh phúc nhất của một người lính. Chúng ta chiếm được Dinh Độc Lập, đã toàn thắng", ông Hoàng Khắc Huệ xúc động kể.
13 giờ 30 phút chiều 30/4, đơn vị của ông Nguyễn Quốc Khánh cũng về đến Dinh Độc Lập. "Ngày đi, chúng tôi lên đường mang tâm trạng náo nức, hướng về miền Nam ruột thịt. Giờ phút ấy, chúng tôi chỉ biết ôm nhau cười rồi khóc. Sẽ không còn bom đạn, và có thể trở về quê hương", ông Nguyễn Quốc Khánh hồi tưởng.
Thời khắc lịch sử năm 1975, cả 2 anh em Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Quốc Phú cùng ở lại tiếp quản Sài Gòn một thời gian, nhưng không hề hay biết. Kể từ ngày ra trận, anh em bặt tin nhau, cũng không biết ở đơn vị nào, chiến đấu ra sao, có bị thương không, còn hay mất? Người mẹ ở nhà cũng chẳng nhận được bất cứ lá thư nào từ các con trai của mình.
Trở về với trường lớp, học trò
Trong ngôi nhà ở phường Lê Mao, TP Vinh, hai anh em ông Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Quốc Phú cùng ôn lại chuyện chiến tranh, chuyện đời, chuyện người. “Chúng tôi cùng thời với anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thùy Trâm… nhưng may mắn hơn đồng đội khác được trở về nguyên vẹn. Đó là điều chúng tôi không được phép quên, và luôn trân trọng. Để những năm sau này, tiếp tục cống hiến hết mình ở một cương vị khác”, hai cựu nhà giáo, cựu chiến binh tâm sự.
Thống nhất đất nước, cựu sinh viên sư phạm Toán - Hoàng Khắc Huệ tiếp tục tại ngũ. Những tưởng gắn đời mình với con đường binh nghiệp nhưng nghề giáo quay lại với ông bằng một cách khác, khi ông trở thành giảng viên Trường Quân sự Quân đoàn 2 (Bắc Giang). Nghỉ hưu theo chế độ, ông trở về quê hương và trú ở khối Tân Tiến, phường Hưng Bình, thành phố Vinh, Nghệ An.
Còn Nguyễn Quốc Phú học nối tiếp tại Trường Đại học Sư phạm Vinh. Sau khi tốt nghiệp, ông công tác qua nhiều nơi rồi cuối cùng chuyển về Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh), cùng trường với anh trai Nguyễn Quốc Khánh. Hai anh em, sau nhiều năm trở thành đồng nghiệp, công tác tại một nơi và cùng để lại những dấu ấn tốt đẹp với nhiều thế hệ học trò. Trong những bài giảng của người thầy trở về từ cuộc chiến, các thế hệ học sinh được thấy một nhân chứng sống, được truyền lý tưởng, nhân cách của một người lính, người thầy.
"Đi dạy trở lại, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn, vì những gì gian khổ, ác liệt nhất đã trải qua rồi. Một giáo viên dạy Văn như tôi, lại càng có lợi thế hơn, khi mình có vốn sống, trải nghiệm phong phú, và trực tiếp trở về từ chiến trường", nhà giáo Nguyễn Quốc Khánh tâm sự.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-thay-di-qua-chien-tranh-1595816414404.html