Niềm tin là yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế tư nhân
Để kinh tế tư nhân thực sự cất cánh, đã đến lúc phải định vị lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước, ưu tiên phát triển doanh nghiệp tư nhân, cắt giảm rào cản hành chính. Đặc biệt, niềm tin chính là nền tảng cốt lõi, là chất xúc tác để kinh tế tư nhân bứt phá.

Kinh tế tư nhân đang đứng trước cơ hội và thách thức để vươn mình xứng tầm
Doanh nhân Việt cần có năng lực mới
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, kinh tế tư nhân vẫn chưa phát triển tương xứng với vai trò được khẳng định. Đến nay, kinh tế tư nhân đóng góp 50,6% GDP (trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 25%), 25-26% kim ngạch xuất nhập khẩu, 30% ngân sách nhà nước và 83% việc làm.
Tuy nhiên, thực lực của kinh tế tư nhân còn yếu, manh mún, nhỏ lẻ, ít sáng tạo và chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt khoa học công nghệ, định hình chuỗi toàn cầu hay đóng vai trò trụ cột cạnh tranh quốc tế. Điều này dẫn đến nguy cơ bẫy thu nhập trung bình và lãng phí tiềm năng, lợi thế của quốc gia.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, một trong những căn nguyên chính của những hạn chế này là tư duy và nhận thức ban đầu coi kinh tế tư nhân là "phi xã hội chủ nghĩa", có vai trò và giá trị phát triển hạn chế. Điều này khiến nền kinh tế Việt Nam bị phân mảng, chia cắt, và các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, dù "năng động, chống chịu giỏi, sống dai", nhưng vẫn manh mún, yếu kém, thiếu cộng hưởng sức mạnh và lệ thuộc. Lực lượng doanh nhân Việt Nam chậm hình thành, chậm trưởng thành, thiếu năng lực sáng tạo và sức cạnh tranh yếu, khó hội nhập quốc tế tầm cao.
Trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn và biến động, Việt Nam đặt mục tiêu tiến vượt, sánh vai và thịnh vượng. Điều này đòi hỏi sự "trông cậy" chủ yếu vào lực lượng doanh nhân Việt, trong đó kinh tế tư nhân là nền tảng, và các tập đoàn kinh tế tư nhân là trụ cột, dẫn dắt các chuỗi sản xuất toàn cầu của Việt Nam.
Để thực hiện sứ mệnh này, lực lượng doanh nhân Việt cần có năng lực mới và những điều kiện nền tảng mới. Việc tạo lập cái mới bao gồm "thay máu" lực lượng doanh nhân Việt bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp hiện đại, cấu trúc doanh nghiệp mới. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống thể chế tương thích với thời đại kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, và tạo ra các điều kiện đảm bảo đua tranh, năng lực cạnh tranh quốc gia mới như hạ tầng số, hạ tầng năng lượng, nhân lực và liên kết quốc tế.
PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Nghị quyết 68 được xem là một bước ngoặt lịch sử, là một trong "bộ tứ chiến lược" cùng với các Nghị quyết của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ (57), hội nhập quốc tế (59), cải cách thể chế (66). Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân là "một động lực tăng trưởng quan trọng nhất" và là "lực lượng tiên phong phát triển".
Trong vòng một tháng sau Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 198 và Chính phủ có Chương trình hành động. Điều này cho thấy quyết tâm "cởi trói và phát triển". Thay vì chủ yếu ưu đãi, điều quan trọng nhất là không phân biệt đối xử, đảm bảo tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Các hành động cụ thể bao gồm không hình sự hóa, giảm tối đa thanh tra, kiểm tra, không hồi tố gây bất lợi cho doanh nghiệp. Chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", tạo thuận lợi hóa việc tiếp cận nguồn lực (đất, vốn), thúc đẩy "thay máu" lực lượng doanh nghiệp và hỗ trợ hình thành, phát triển các doanh nghiệp tiên phong.
Niềm tin để doanh nghiệp an tâm đầu tư
Để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam xứng tầm, cần định vị chức năng của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong quan hệ với khu vực kinh tế tư nhân là hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy và lan tỏa. Trong kinh tế tư nhân, ưu tiên phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và cắt giảm thủ tục hành chính. Đồng thời, xây dựng và hỗ trợ phát triển các chuỗi sản xuất Việt Nam do các tập đoàn kinh tế Việt dẫn dắt và doanh nghiệp Việt tham gia.
Còn theo GS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore, việc khôi phục và bảo vệ niềm tin là yếu tố then chốt cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Niềm tin chính là nền tảng để doanh nghiệp an tâm đầu tư, đổi mới và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
"Việc đầu tiên là khôi phục và bảo vệ niềm tin với việc xây dựng một môi trường minh bạch, trong sáng, có sự cam kết toàn tâm toàn ý. Sự minh bạch không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn mà còn thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế", GS.TS. Vũ Minh Khương chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Khương đề xuất, những người làm tổn hại đến niềm tin ấy phải được đưa ra ánh sáng và xử lý một cách công khai, minh định, việc xử lý nghiêm minh sẽ tạo ra một tiền lệ quan trọng, răn đe các hành vi tiêu cực và củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp.
GS.TS. Vũ Minh Khương cũng không ngần ngại chỉ ra rằng những cá nhân không xứng đáng mang danh doanh nhân tư nhân chân chính thì không thể tiếp tục tồn tại như thể họ đại diện cho một lực lượng kiến tạo tương lai. Điều này cho thấy sự quyết tâm trong việc thanh lọc môi trường kinh doanh, đảm bảo rằng chỉ những doanh nghiệp hoạt động minh bạch, đúng pháp luật mới có thể phát triển và đóng góp vào sự thịnh vượng.
Theo GS.TS Vũ Minh Khương, thay vì chỉ tập trung vào việc gỡ bỏ các rào cản hay giải quyết từng vướng mắc phát sinh, bộ máy nhà nước cần chuyển mình mạnh mẽ hơn, chủ động hơn trong việc tạo đà phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi tư duy căn bản, từ vai trò quản lý hành chính sang vai trò kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành.
"Chúng ta cần có những chính sách đột phá, những cơ chế khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa để khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp. Đó có thể là việc rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đầu tư vào hạ tầng số và logistics, hay phát triển các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hơn thế, việc xây dựng một hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch và ổn định cũng là yếu tố then chốt để doanh nghiệp an tâm đầu tư và phát triển dài hạn", GS.TS. Vũ Minh Khương cho biết.