Nỗ lực để sản phẩm đến tay người tiêu dùng luôn đảm bảo an toàn thực phẩm
Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức đồng loạt các biện pháp để thực hiện các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của UBND tỉnh Quảng Trị về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Để đưa các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đến tay người tiêu dùng thì việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản là rất quan trọng.
Trước nhu cầu sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng và ATTP ngày càng cao thì vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh hết sức quan trọng, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với những sản phẩm ngon, chất lượng, đảm bảo ATTP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thời gian vừa qua, song song với việc thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý giúp người sản xuất, kinh doanh phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm đảm bảo chất lượng, ATTP, phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, ngành nông nghiệp đã tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 32/2019/ QĐ-UBND ngày 29/7/2019 (Quyết định 32) quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Qua đó, để nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp gữa các cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT với UBND cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp xã, phường, đảm bảo sự thống nhất phù hợp với quy định của pháp luật.
Đến nay, công tác quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản đã đạt được kết quả tích cực. 100% các cơ sở chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản được thẩm định, đạt xếp loại A, B về đủ điều kiện ATTP trong chế biến sản phẩm, đã có 398/411 (tỉ lệ 97%) cơ sở chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, có 21.653/26.027 (83,2%) cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc diện ký cam kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn đã thực hiện ký cam kết. Kết quả lấy mẫu giám sát ATTP đối với các sản phẩm rau, củ quả, thịt, sản phẩm từ thịt và thủy sản lưu thông trên thị trường hằng năm có tỉ lệ các mẫu vi phạm ATTP giảm dần qua từng năm (năm 2017, 2018, 2019: 0,46%, năm 2020: 0,34%; năm 2021: 0,17%).
Ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Hiện nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã coi trọng việc cải tiến mẫu mã sản phẩm, ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, an toàn, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để nâng cao vai trò người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chi cục đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh như: Phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản; động viên các cơ sở sản xuất sản phẩm mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương.
Trong thời gian tới, để duy trì vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý về ATTP, tăng cường công tác hậu kiểm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm đảm bảo ATTP, các địa phương xây dựng phát triển sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú về chủng loại để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.