Nỗ lực hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

Ngày 28-5, Báo Lao động tổ chức Hội thảo 'Giải pháp tăng tốc làm nhà ở xã hội'.

Đây là diễn đàn để các cơ quan quản lý, chuyên gia, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội và người lao động thảo luận các giải pháp nhằm tăng tốc hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội trên cả nước.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn

Tiến độ chậm, nhiều rào cản

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội được triển khai, đã hoàn thành được 103 dự án. Tuy nhiên, số căn hộ đến nay mới đạt 15,6 % mục tiêu của Đề án phát triển nhà ở xã hội.

“Một số địa phương tích cực triển khai khởi công, hoàn thành các dự án, đạt tỉ lệ cao so với chỉ tiêu đề ra của Đề án đến năm 2025. Tuy vậy, nhiều địa phương thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại đề án, thậm chí một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay. Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm” - ông Phan Văn Anh thông tin.

Phản ánh tại hội nghị cho thấy, có 3 “nút thắt” hiện nay là pháp lý, nguồn vốn, quỹ đất.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu. Ảnh: Hải Nguyễn

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu. Ảnh: Hải Nguyễn

Chia sẻ về quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội thuộc khu thiết chế công đoàn tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, ông Phạm Công Doan - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Arita thông tin: Dự án nhà ở xã hội tại khu thiết chế công đoàn Đồng Văn được đầu tư bài bản, quy mô gồm 4 tòa chung cư cao 14 tầng với 906 căn hộ, diện tích linh hoạt từ 36-62 m², phù hợp với nhu cầu của người lao động thu nhập thấp.

Dù triển khai thuận lợi về hạ tầng và pháp lý, song ông Phạm Công Doan thẳng thắn chỉ ra nhiều vướng mắc Đó là, quy trình xét duyệt còn phức tạp, gây khó cho người lao động. Đơn cử, người dân phải chứng minh nhiều điều kiện (chưa có nhà ở, thu nhập thấp, cư trú ổn định, làm việc tại địa phương…). Đặc biệt, lao động tự do khó xin xác nhận thu nhập theo mẫu Thông tư 05/2021/BXD; nhiều UBND xã/phường từ chối xác nhận hoặc không trả lời bằng văn bản.

Người lao động tham dự hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn

Người lao động tham dự hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn

Chưa hết, Sở Xây dựng yêu cầu xác nhận từ địa phương nhiều lần, gây trùng lặp, kéo dài thời gian. Đặc biệt, việc xác nhận tài sản gắn liền với đất còn bất cập: Nhiều hồ sơ bị loại vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi là đất nông nghiệp, hoặc do bố mẹ người mua có sở hữu đất - điều chưa phù hợp với tinh thần Nghị định 49/2021/NĐ-CP.

Thủ tục phức tạp khiến nhiều người e ngại, không mạnh dạn nộp hồ sơ hoặc bỏ dở giữa chừng, dẫn đến số lượng hồ sơ hợp lệ ít, ảnh hưởng đến tiến độ phân phối căn hộ. Cũng chưa có cơ chế liên thông rõ ràng trong xác minh điều kiện thụ hưởng của người mua, nhất là với người lao động ngoại tỉnh. Nhiều địa phương còn lúng túng, xử lý hồ sơ chậm trễ, ảnh hưởng quyền lợi người dân và tiến độ dự án.

Cần những đột phá mới

Trước thực trạng nói trên, ông Phạm Công Doan kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc đầu tiên, là cần rà soát, ban hành quy trình xét duyệt gọn nhẹ, loại bỏ các bước trùng lặp; ưu tiên số hóa, ứng dụng công nghệ trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ; thành lập tổ công tác liên ngành tại địa phương (tổ công tác có chức năng hỗ trợ người dân làm hồ sơ, xác minh điều kiện thụ hưởng, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành).

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách nhà ở xã hội để người lao động hiểu rõ quyền lợi, chủ động tham gia.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý để chính sách nhà ở xã hội thực sự đến được với người cần, đúng thời điểm, đúng đối tượng” - ông Doan nói.

Nhà ở xã hội là mong ước của nhiều công nhân lao động. Ảnh: BTC

Nhà ở xã hội là mong ước của nhiều công nhân lao động. Ảnh: BTC

Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo ra đột phá thực chất trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Bộ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để hoàn thiện, thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù; xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, dự kiến ban hành trong tháng 7-2025; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến chính sách đến các địa phương, doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ những điểm nghẽn trong thực tiễn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo các địa phương hoàn thành đúng, đủ các chỉ tiêu đã được giao.

“Phát triển nhà ở xã hội không chỉ là bài toán xây dựng cơ bản, mà còn là một nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm an sinh xã hội và là cam kết của Chính phủ đối với người dân. Với quyết tâm chính trị cao, sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, cùng sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 là khả thi”, ông Hà Quang Hưng nói.

Theo Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1-8-2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức được xác định là cơ quan chủ quản, có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê, bằng nguồn tài chính công đoàn.

Trên cơ sở đó, ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban Quản lý thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, để mở rộng nguồn cung, Tổng Liên đoàn đã giao Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn làm chủ đầu tư, triển khai kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân trên toàn quốc, theo lộ trình ba giai đoạn.

“Trên cơ sở Luật Nhà ở, trong giai đoạn đầu tiên (2024 - 2025), chúng tôi dự kiến triển khai đầu tư khu nhà ở tại Tiền Giang, Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang. Dự kiến vào cuối tháng 7-2025 sẽ khởi công dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Tiền Giang. Dự án có quy mô 450 căn hộ. Tại Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang, hiện các dự án đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Chúng tôi đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, đang trình UBND cấp tỉnh. Dự kiến tháng 6-2025 sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến cuối tháng 10, đầu tháng 11 chúng tôi sẽ xây dựng tại 3 tỉnh, thành này với khoảng 1.800 căn” - ông Lê Văn Nghĩa cho biết.

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Ảnh: Hải Nguyễn

Trong giai đoạn 2026-2030, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát tại các tỉnh, thành - nơi có đông công nhân, người lao động và phối hợp với các địa phương để có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Trưởng ban Quản lý thiết chế Công đoàn cũng cho hay, trong quá trình Bộ Xây dựng xây dựng Dự thảo Nghị quyết thí điểm về chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội có sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Với hướng đi hiện nay, nghị quyết này sẽ giúp rút ngắn tối thiểu khoảng 4 - 6 tháng về công tác đấu thầu.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/no-luc-hoan-thanh-muc-tieu-1-trieu-can-nha-o-xa-hoi-703823.html