Nơi chứng kiến lễ lên ngôi của 13 vị vua Nguyễn
Trong các cung điện thuộc khu vực Hoàng thành Huế, điện Thái Hòa là ngôi điện lớn nhất, đẹp nhất, chiếm vị trí trang trọng nhất.
Điện là nơi chứng kiến lễ lên ngôi của 13 vị vua triều Nguyễn và những thăng trầm của vương triều này.
Theo chính sử Đại Nam thực lục, đầu năm 1805, vua Gia Long cho dựng điện Thái Hòa. Sách viết: “Ngày Đinh Mùi, dựng điện Thái Hòa, thưởng cho lính và thợ hơn 1.400 xâu quan tiền”. Cuối năm đó, “điện Thái Hòa làm xong, thưởng cho lính và thợ làm việc 1.000 xâu quan tiền”.
Công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế
Điện Thái Hòa tuy chỉ xây dựng trong gần 1 năm nhưng mất khá nhiều công sức. Theo Châu bản triều Nguyễn, khi chuẩn bị dựng điện Thái Hòa, triều đình đã truyền cho trấn Thanh Hoa [Thanh Hóa], trấn Nghệ An chuẩn bị đá, gỗ đưa về Kinh để xây dựng. Tháng 2 năm Gia Long thứ 4 (1805), Thống chế Nhượng Hòa hầu đem 21 quân sở bộ, 372 quân Thần sách, 25 quân của 3 thuyền Tân Hưng, Tân Thái, Tân An ra trấn Nghệ An chở gỗ về xây điện Thái Hòa.
Cũng theo Đại Nam thực lục, ban đầu, điện Thái Hòa được dựng ở chính giữa, mặt trước cung thành. Năm Minh Mạng 14 (1833), nhà vua cho xây dựng cửa Đại Cung, cửa Ngọ Môn và dời điện Thái Hòa về phía Nam với quy mô đồ sộ và rộng lớn hơn.
Đại Nam thực lục viết: “Ngày Canh Dần xây dựng điện Thái Hòa, cửa Đại Cung và cửa Ngọ Môn, điều 1 vạn Kinh binh làm việc. Sai Thự Hiệp biện Đại học sĩ Lê Đăng Doanh, Thống chế Nguyễn Tăng Minh, Thự Thống chế Hồ Văn khuê, Thự Thượng thư Lê Văn Đức chia coi mọi việc, Thị lang Bộ Công là Nguyễn Trung Mậu và Đoàn Văn Phú theo giúp việc”.
Điện Thái Hòa là công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế với kiểu thức “trùng thiềm điệp ốc”, trang trí pháp lam, trên lợp gói hoàng lưu ly. Điện được chống đỡ bằng hệ thống 80 cột gỗ lim, sơn son thếp vàng, trang trí hoa văn rồng, mây. Nhà trước và nhà sau của điện nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng thừa lưu. Kiểu kiến trúc này tạo cho điện một không gian liên tục, thống nhất, rộng rãi, uy nghi và phù hợp với khí hậu miền Trung.
Nơi làm lễ lên ngôi vua
Trong hơn 200 năm tồn tại, điện Thái Hòa đã nhiều lần xuống cấp và được trùng tu. Những lần trùng tu này đều được sử sách ghi chép. Tuy nhiên, chưa có sách nào ghi được những con số đầy đủ, cụ thể, chi tiết đến từng hạng mục, vật liệu, tiền công.
Theo Châu bản triều Nguyễn, năm Minh Mệnh 21 (1832), sơn vẽ lại cửa cung (5). Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), thay vỏ bọc cho long kỷ. Năm Tự Đức 21 (1868), dùng đồng đỏ để đúc chiếc bầu trên nóc điện Thái Hòa. Chiếc bầu này dùng 2 lạng rưỡi vàng mười, 15 lạng thủy ngân. Năm Tự Đức 31 (1878), các gỗ ván, rui mè, kèo cột ở điện Thái Hòa bị hỏng, rơi rụng, sơn son thiếp vàng phai màu nên đã cho đại trùng tu nhưng xin để đến tháng giêng năm Tự Đức 32 bắt đầu làm.
Nhìn chung, Châu bản triều Nguyễn ghi chép khá đầy đủ, chi tiết về thời gian, số liệu và hạng mục sửa chữa trong lần đại trùng tu này. Tháng 3, Bộ Công lĩnh nhận 71.670 viên ngói quán dược, 72.500 viên ngói thổ bản; tháng 4, lại xin cung cấp hơn 30 vạn viên ngói thổ bản; tháng 7, nhận 16.000 lá vàng để trang sức tôn điện, sau đó xin thêm 4.500 lá vàng. Lần sửa chữa này huy động đến 3 viên quản vệ, 12 viên suất đội, 600 biền binh.
Tháng 8, nhà vua lại cho sửa chữa nóc chính, nóc trước điện Thái Hòa hợp nhất làm một tòa. Đổng lí công sở điện Thái Hòa Nguyễn Thịnh lĩnh nhận số vật liệu gồm: 1.672 cây, hộp, tấm, kiện gỗ; 450 lá đồng tây nặng 3.296 cân 2 lạng; các hạng đinh sắt là 39.250 kiện (nặng 7.453 cân), đá vôi 30.0000 cân…
Đến triều vua Thành Thái (1889-1907), điện Thái Hòa được lợp lại ngói, sửa hình rồng chầu ngọc trên nóc, trang sức lại hình nghê vàng, tu bổ mái đình. Năm Duy Tân 8 (1914), sơn son thếp vàng các cột đại trụ. Năm Khải Định 7 (1922), điện Thái Hòa tiếp tục được trùng tu, kinh phí hết đến 6 vạn đồng.
Tuy điện Thái Hòa đã qua nhiều lần sửa chữa nhưng vẫn giữ được không gian kiến trúc ban đầu. Đồng thời, vai trò, chức năng của điện vẫn luôn được giữ nguyên trong suốt thời kì vương triều Nguyễn tồn tại.
Điện là nơi làm lễ lên ngôi vua. Năm 1805, vua Gia Long đã làm lễ lên ngôi tại điện này. Đại Nam thực lục ghi: “Bính Dần, Gia Long năm thứ 5 (1806), mùa hạ, tháng 5, ngày Kỉ Mùi, vua lên ngôi Hoàng đế ở điện Thái Hòa. Lấy hành thổ tượng trưng cho đức vua nên chuộng sắc vàng. Trước 6 ngày là ngày Giáp Dần kính cáo trời đất. Ngày Bính Thìn kính cáo các miếu. Đúng ngày, đặt nghi vệ tại điện Thái Hòa”. Sau đó, vua định triều nghi, mỗi tháng lấy ngày mồng 1 và 15 thiết đại triều ở điện Thái Hòa.
Ngoài ra, đối với những lễ tiết lớn như tiết Nguyên đán, nhà vua ngự điện Thái Hòa cho các hoàng thân và bách quan chúc mừng; lễ xướng danh truyền lô ở sân điện Thái Hòa đối với chế khoa để tỏ rõ sự phân biệt; lễ mừng sinh nhật vua và những buổi tiếp đón sứ thần…
Tóm lại, điện Thái Hòa là nơi đặt ngai vàng của vua - biểu trưng cho quyền lực vương triều phong kiến, là nơi ban hành những chính sách quan trọng, cũng là nơi chứng kiến sự hưng vong của vương triều Nguyễn. Đến nay, Vương triều phong kiến cuối cùng đã lùi xa nhưng những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử vẫn còn vương mãi nơi cung điện một thuở vàng son này và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trong quần thể di tích Cố đô Huế.
Nguồn Znews: https://znews.vn/noi-chung-kien-le-len-ngoi-cua-13-vi-vua-nguyen-post1527454.html