Nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngày càng khó
Bộ Công Thương đang tính đến phương án sẽ dừng xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc kể từ thời điểm đầu năm 2028, có nghĩa những yêu cầu để xuất khẩu sang thị trường này sẽ bị siết chặt hơn và nông sản Việt chuẩn bị bước vào giai đoạn mới khi làm ăn với thị trường Trung Quốc.
Thực tế, xuất tiểu ngạch hay chính ngạch chỉ là phương thức trong hoạt động giao thương, còn nguyên nhân sâu xa thì vẫn nằm ở câu chuyện thị trường Trung Quốc không còn dễ tính. Ngay cuối tuần qua, Bộ NN&PTNT đã phát đi cảnh báo về việc siết chặt quản lý đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường này.
Siết chặt về chất lượng
Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã nhận được thông báo của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu kiểm tra theo hình thức trực tuyến 5 doanh nghiệp (DN) chế biến nước ép trái cây đông lạnh có lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm trong số 12 DN mà phía Trung Quốc đưa ra.
“Qua rà soát 12 DN cho thấy một số đơn vị có thông tin đăng ký với phía Trung Quốc không chính xác (một số DN chỉ có hoạt động thương mại không có hoạt động sản xuất, một số DN có lô hàng bị cảnh bảo vi phạm về an toàn thực phẩm...)”, Bộ NN&PTNT cho biết.
Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định của Việt Nam và các yêu cầu tại các Lệnh 248, 249 trong xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Trung Quốc.
“Giám sát, kiểm tra, thanh tra chặt chẽ (hậu kiểm) đối với các DN trong việc tuân thủ và duy trì đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm của Việt Nam và Trung Quốc; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành”, Bộ NN&PTNT yêu cầu.
Dù có kinh nghiệm làm ăn buôn bán với thị trường Trung Quốc 5 năm nay, nhưng đại diện Công ty CP xuất nhập khẩu Toàn Cầu chia sẻ khá loay hoay trước việc Trung Quốc liên tục sửa đổi Luật an toàn thực phẩm, khiến DN gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty phản ánh, phía Trung Quốc thường đưa ra những thông báo thay đổi khá đột ngột khiến cho nhiều DN bị động trong khâu chuẩn bị, đặc biệt với DN mới làm ăn với Trung Quốc khi họ có yêu cầu cao về tiêu chuẩn và quy trình thường khiến DN không kịp trở tay.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP thủy sản Phương Anh (TP. Móng Cái, Quảng Ninh), cho hay đã hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy hải sản sang thị trường Trung Quốc hơn 20 năm. Hiện, công ty đã, đang triển khai kinh doanh thêm mặt hàng trái cây và rau củ quả để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tiến tới "nói không" với xuất tiểu ngạch
Tuy nhiên, Công ty Phương Anh cũng phản ánh một số khó khăn để tiến tới xuất hải sản chính ngạch sang Trung Quốc. Đơn cử, với hàu sống nguyên con: “Năm 2022, mặt hàng này đã được giao thương nhưng không hiểu sao từ đầu năm 2023 lại không được giao thương nữa. DN mong cơ quan chức năng liên quan quản lý nhà nước hai nước có hướng dẫn cụ thể hơn cho các DN xuất nhập khẩu được biết các quy trình, quy định và điều kiện để được giao thương mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc”, đại diện Công ty bày tỏ.
Với ngành sắn, ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam, cho biết hằng năm Việt Nam xuất khẩu hơn 3 triệu tấn mặt hàng tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc, trong đó khoảng 40% xuất khẩu chính ngạch, 60% xuất khẩu theo tiểu ngạch.
Để việc xuất khẩu thuận tiện và giảm thiểu rủi ro, chi phí của DN hai nước, ông Tiến đưa ra kiến nghị: “Đối với chính sách biên mậu cần được ổn định, không nên thay đổi quá nhiều. Nếu có thay đổi cũng cần thời gian điều chỉnh hợp lý để các DN có sự chuẩn bị, tránh việc thay đổi đột ngột gây tổn thất lớn tới việc sản xuất, kinh doanh của các DN”.
Đồng thời, ông Tiến cho rằng mẫu mã bao bì, thông tin sản phẩm cần được thống nhất theo thông lệ quốc tế hoặc theo quy định của nước sở tại, tránh mỗi địa phương, mỗi cửa khẩu có quy định, thông tin khác nhau dẫn đến khó khăn trong tổ chức sản xuất của DN Việt Nam.
Dẫn những câu chuyện trên để thấy rằng rõ ràng thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó tính, điều này đòi hỏi các mặt hàng nông sản Việt Nam cần phải chuẩn chỉnh, chuyển dần từ con đường tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây cũng là lý do mà Bộ Công Thương cho biết sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch để khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại cửa khẩu khi vào thời điểm thu hoạch chính vụ hoặc các dịp lễ Tết.
Theo đó, sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới, Bộ Công Thương đề xuất từ thời điểm 1/1/2025, chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2028, Bộ Công Thương đề xuất tất cả cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép, xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, điều đó đồng nghĩa - nông sản sẽ chính thức nói không với xuất khẩu tiểu ngạch.
Ông Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Ngày nay, chúng ta không chỉ còn tầm nhìn buôn bán trong làng, trong xã nữa mà phải bán ra thế giới, trong đó có Trung Quốc. Theo đó, các hiệp hội ngành hàng có thể ngồi lại với nhau để xem ngành hàng của mình phát triển mạnh hơn ở thị trường Trung Quốc thì cần làm gì. Có thể thấy quan điểm Trung Quốc là thị trường dễ tính đã thay đổi hoàn toàn, đến nay tiêu chuẩn của thị trường này ngày càng cao để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, trong khi mức sống cũng ngày càng tăng. Do đó, chúng ta không thể áp dụng cách sản xuất cũ, cách buôn bán cũ đối với một thị trường đã gần như thay đổi toàn bộ.
Bà Trần Thị Bích Ngọc
Trưởng Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, DN cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập". DN không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu, đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Chủ động, tăng cường liên kết giữa DN sản xuất với DN xuất khẩu trên nguyên tắc cùng nắm bắt, cùng khai thác thị trường theo câu châm ngôn “Muốn đi nhanh hãy đi một mình; muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực
Chủ tịch Công ty Cổ phần Bagico (tỉnh Bắc Giang)
Muốn tiến sâu vào thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam phải vượt qua được những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Đơn cử như mặt hàng sầu riêng không chỉ phải cạnh tranh với Thái Lan, mà còn với chính hàng nội địa Trung Quốc. Trước đây, chúng ta cạnh tranh với những người buôn bán tiểu ngạch biên giới. Bây giờ, nông sản Việt sẽ phải cạnh tranh trực diện với những nhà nhập khẩu chính ngạch, với những tập đoàn rất nhiều tiền. Ví dụ, bên Trung Quốc bây giờ đầu tư vào nông nghiệp không phải là nông dân, DN nhỏ nữa mà là những tập đoàn lớn.