Nóng trong tuần: Cả nước xây dựng xã hội học tập; thi vào lớp 10

Thủ tướng phát động phong trào thi đua về học tập, thi vào lớp 10, kiểm tra chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT... là tin tức giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Phong trào Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Phong trào Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030.

Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời

Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” do Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động ngày 10/6 là hoạt động giáo dục nổi bật trong tuần qua. Buổi lễ do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức

Cùng dự lễ phát động có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là phong trào quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng đề nghị, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội và của từng người dân về vai trò của xã hội học tập và phong trào học tập suốt đời. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập theo hướng đa dạng hóa, gắn học với hành, tài với đức, phù hợp với các đối tượng, từng địa phương thông qua các mô hình mới, cách làm hay.

Hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những ai có nhu cầu học tập đều được thỏa mãn. Hỗ trợ những người yếu thế, hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời. Huy động sự chung tay đóng góp toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực, về vật chất, ý chí và quyết tâm, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Để xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 theo các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình triển khai Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”, để tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Bằng mọi biện pháp để Đề án này đi vào thực tế, đem lại hiệu quả thiết thực.

Với chức năng, nhiệm vụ các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố sẽ chủ động xây dựng Kế hoạch thống nhất hành động hưởng ứng tích cực phong trào thi đua bằng những nội dung công việc cụ thể, thiết thực phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương.

Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã trình bày báo cáo đề dẫn của Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam để gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Anh Đức; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An; Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Phú Thọ đã có bài phát biểu hướng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".

 Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội động viên thí sinh trước giờ thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Vân Anh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội động viên thí sinh trước giờ thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Vân Anh.

Nhiều địa phương hoàn tất thi vào lớp 10

Tuần qua, nhiều địa phương đã tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024; trong đó có Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh - hai địa phương có sức cạnh tranh gay gắt nhất.

Hàng loạt địa phương khác cũng hoàn tất kỳ thi vào lớp 10 trong tuần qua như: Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bình Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Sơn La, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang, Quảng Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Bắc Giang, Thái Nguyên...

Tại Hà Nội, sáng 11/6, thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Toán, môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thi và tuyển sinh năm học 2023-2024 thành phố Hà Nội, trong buổi thi môn Toán sáng 11/6/2023, các điểm thi trên địa bàn Thành phố diễn ra an toàn, nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế thi. Có 1 thí sinh vi phạm Quy chế thi do mang điện thoại vào phòng thi.

Nhìn chung, công tác tổ chức kỳ thi, kỷ cương trường thi được giữ vững, các thành viên tại các điểm thi đều thực hiện đúng quy chế thi. Các điểm thi đều nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay có ý kiến cho rằng, nội dung bài 5 trong đề thi môn Toán có sai sót về kiến thức vật lí. Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh đã có phản hồi về phản ánh này.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra địa điểm dự kiến sẽ tổ chức chấm thi tự luận tại Trường THPT Bạc Liêu.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra địa điểm dự kiến sẽ tổ chức chấm thi tự luận tại Trường THPT Bạc Liêu.

Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm việc với địa phương

Tuần qua, các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã làm việc trực tiếp tại một số địa phương về công tác chuẩn bị Kỳ thi.

Theo đó, Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm trưởng đoàn đã làm việc tại Bạc Liêu, Cà Mau.

Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn đã làm việc với các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm tới công tác nâng cao nhận thức về kỳ thi; làm tốt công tác tập huấn; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực; mọi công đoạn của kỳ thi đều phải được kiểm tra, thanh tra, giám sát.

Thứ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác ôn tập cho học sinh, quan tâm tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xa xôi, tạo điều kiện tốt nhất để các em đến được trường thi; có phương án khắc phục bão lũ, thiên tai…

Địa phương thực hiện đầy đủ 4 đúng - 3 không trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. 4 đúng là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng/đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường. 3 không là: Không lơ là, chủ quan (biết rồi, hiểu rồi); không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực thái quá.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng Đoàn công tác số 3 kiểm tra cơ sở vật chất tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng Đoàn công tác số 3 kiểm tra cơ sở vật chất tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Làm việc với địa phương, Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi, đảm bảo tất cả lực lượng tham gia vào các khâu của Kỳ thi được tập huấn, nắm chắc Quy chế. Việc tập huấn cần đảm bảo chất lượng, có sự tương tác, kiểm tra sự nắm bắt của người tham gia tập huấn. Thí sinh tham gia thi cũng cần phải được phổ biến Quy chế thi một cách kỹ lưỡng, từ đó các em thấy được trách nhiệm và chủ động không vi phạm Quy chế thi.

Công tác an ninh, an toàn cho kỳ thi được Thứ trưởng Ngô Thị Minh hết sức lưu ý. Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành về đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ… “Không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là ở bất kỳ một khâu nào trong quá trình tổ chức kỳ thi”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cũng đề nghị tỉnh quan tâm tới công tác truyền thông về Kỳ thi.

Hải Bình t/h

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-ca-nuoc-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-thi-vao-lop-10-post642631.html