Nữ sinh Hải Dương 18 tuổi bỏ học kiếm tiền, 24 tuổi giành 3 học bổng trường top đầu
Có nhiều ước mơ tưởng xa vời nhưng sẽ có lúc trở thành sự thật, quan trọng là mình có từ bỏ giữa chừng hay không mà thôi.
Ở cột mốc 18 tuổi, bạn ra sao? Có lẽ, một "công thức" chung của nhiều bạn trẻ ở giai đoạn này chính là tất bật luyện thi, háo hức vào đại học hoặc theo đuổi một ngành học nào đó mình yêu thích và luôn ấp ủ. Nhưng trước ngả rẽ cuộc đời, cũng có những người tìm cho mình một lối đi khác. Có những lựa chọn vốn gập ghềnh vì phải theo đường vòng, nhưng đích đến cuối cùng vẫn trải đầy hoa hồng, nếu trên hành trình đó chúng ta không ngừng cố gắng.
Nghiêm Thị Linh sinh năm 1998 trong một gia đình thuần nông ở Hải Dương, là con gái lớn trong một gia đình gồm 3 chị em. Năm Linh tốt nghiệp cấp 3, nhà nghèo, không có khả năng theo học đại học, cô chọn con đường sang Nhật xuất khẩu lao động.
Có công việc, có thu nhập, những tưởng cuộc sống của Linh cứ thế "an phận" trôi qua. Nhưng 6 năm sau, cô gái này đã đạt được thành quả khiến ai nấy bất ngờ: Giành học bổng của 3 trường đại học top đầu Trung Quốc, trong đó có 2 học bổng toàn phần và một học bổng được trợ cấp học phí chỉ bằng cách tự học.
Ở tuổi 24, Linh "làm lại từ đầu" khi trở thành cô sinh viên ở một đất nước mới. Nhưng như cô gái này tâm sự: "Mình biết ở độ tuổi của mình có rất nhiều bạn ái ngại với việc bắt đầu học đại học, sợ rằng bản thân không đủ mạnh mẽ để có thể đối mặt với dư luận, không theo kịp với các em sinh viên trẻ và vô số những lý do khác nữa. Nhưng mình tin rằng, theo đuổi ước mơ và thực hiện ước mơ chẳng bao giờ là trễ cả. Quan trọng mình có quyết tâm không mà thôi".
Hành trình của Linh vì thế, dù bắt đầu hơi muộn nhưng chắc chắn sẽ đầy những trải nghiệm thú vị và đầy hào hứng.
Hai lần "kỳ tích"
Linh hay đùa, cuộc đời mình có hai lần kỳ tích. Một là 16 năm mới "chịu" ra đời, hai là hành trình giành học bổng mới đây.
"Có một lần đi học bạn bè gọi mình là kỳ tích vì bố mẹ kết hôn năm 18 tuổi nhưng hiếm muộn nên 16 năm sau mới sinh ra mình. Có một lần khác mình vẫn nhớ, bản tin thời sự lúc 7h tối của VTV3 6 năm trước, có chiếu câu chuyện của một cặp vợ chồng hiếm muộn 17 năm mới sinh được con mang tên: "Kỳ tích giữa đời thường". Khi ấy mình còn trêu mẹ là để thêm một năm nữa mới đẻ là cũng được lên ti vi rồi. Mình được sinh ra bởi tình yêu thương và sự kiên trì nỗ lực của bố mẹ", Linh tâm sự về tuổi thơ mình như thế.
Nhưng từ nhỏ, Linh cũng lớn lên trong sự dị nghị điều tiếng chỉ vì nhà toàn con gái, lại nghèo. Không ít lần mắt thấy tai nghe bố mẹ bị coi thường, Linh luôn tự trách bản thân còn quá nhỏ không có năng lực kiếm tiền để bảo vệ gia đình. "Mình đã tự nhủ sau này lớn lên nhất định phải thoát khỏi lũy tre làng, phấn đấu học giỏi và cố gắng kiếm tiền để có thể giúp đỡ và khiến bố mẹ tự hào", cô gái Hải Dương tâm sự.
Năm 18 tuổi, mang trong mình quyết tâm tự lập mãnh liệt đó, Linh sang Nhật theo diện xuất khẩu lao động. Trải qua 4 năm ở Nhật Bản, vừa làm ở công ty mỗi ngày 10-11 tiếng, cộng thêm về nhà tự học tiếng Nhật, cô đã trở thành người Việt Nam đầu tiên ở công ty trong gần 20 năm đỗ JLPT N1 (Kỳ thi JLPT – Japanese Language Proficiency Test là một kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Nhật rất uy tín hiện nay và chứng nhận JLPT được phân theo cấp độ mà bạn đã thi đỗ. Trong đó, N5 là trình độ thấp nhất và N1 là trình độ cao nhất).
Làm việc như một con ong chăm chỉ, cuối cùng Linh đã có thể sống tự lập, tự đi du lịch bằng tiền mình kiếm được, trải nghiệm làm biên phiên dịch, trợ giảng tiếng Nhật cho cô giáo người Nhật, dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài, đồng thời khám phá những thứ chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể thực hiện được. Cô còn có cơ hội tham gia các hoạt động như Hội nghị thanh niên trẻ tiêu biểu, các diễn đàn tự học..., vinh dự được đại diện cho thanh niên trẻ Việt Nam phát biểu ở đây.
Học bổng từ 3 trường đại học và tinh thần tự học đáng ngưỡng mộ
Trong quá trình trò chuyện, Linh nhắc nhiều đến hai chữ "cơ duyên". Cơ duyên đã khiến cô chọn nước Nhật, cơ duyên vì trong quá trình học tiếng Nhật tại trung tâm tình nguyện, Linh quen được một anh bạn người Trung Quốc tên là Chu Dương. Đây chính là người truyền cảm hứng và động lực, cũng như giúp đỡ tận tình để Linh bắt đầu chinh phục một ngôn ngữ mới.
Linh còn nhớ, nhờ sự hỗ trợ của anh Dương, ngày đó cô đã mạnh dạn đi mượn bạn 3 quyển sách Hán ngữ cơ bản và bắt đầu tự học.
"Trong tuần thì hôm nào mình cũng tự học ở ký túc xá, cuối tuần lại hẹn anh Chu Dương ở trung tâm tình nguyện tiếng Nhật để nhờ anh chỉnh phát âm, chữa bài tập. Sau 5 tháng học tiếng Trung, mình mạnh dạn đăng kí thi HSK5 tại Nhật nhưng khi ấy chỉ được 170 điểm, điểm đỗ là 180 điểm.
Sau đó, vì muốn tiếp tục học lên đại học, mình đã quyết định trở về Việt Nam, học thêm tiếng Trung, tham gia các hoạt động ngoại khóa và chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học Trung Quốc. Trong khoảng hơn một năm, mình đã thi đỗ được chứng chỉ HSK6 và khẩu ngữ cao cấp mà chưa từng tham gia bất kì một khóa học tiếng Trung nào ở trung tâm", Linh kể.
Trời không phụ lòng người, mùa học bổng vừa qua, cô đã đỗ 3 học bổng trong đó bao gồm: CSC Đại học Ngoại Ngữ Bắc Kinh - chuyên ngành Hán ngữ Biên phiên dịch; CIS Đại học Ký Nam (Top 3 Quảng Châu) - ngành Giáo dục hán ngữ; Học bổng trường Đại học Thiên Tân ( Top 1 Thiên Tân) - chuyên ngành Hán ngữ thương mại.
Nữ sinh quyết định sẽ theo học tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh vì đam mê ngoại ngữ. Với học bổng toàn phần, cô được miễn học phí - miễn kí túc xá - miễn bảo hiểm và hỗ trợ sinh hoạt phí 2.500 tệ mỗi tháng (tương đương 9,5 triệu đồng).
Ngoài tiếng Nhật và tiếng Trung, Linh cũng đang học tiếng Anh và đặt mục tiêu đạt IELTS 7.0 trước khi tốt nghiệp đại học. Tiếp theo cô sẽ chinh phục tiếng Đức hoặc Pháp. Hiện tại Linh đã bắt đầu học tại Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh theo hình thức học online, dự định trong 1-2 tháng tới sẽ bay sang Trung Quốc để học trực tiếp. Cô cũng đang lập một kênh tiktok nhỏ để chia sẻ về cách học ngoại ngữ cũng như apply học bổng.
Để săn học bổng, kế hoạch học tập là một yếu tố quyết định
Để bắt đầu hành trình săn học bổng du học, đầu tiên Linh tham gia và các hội nhóm chia sẻ kiến thức về du học Trung Quốc trên facebook. Sau đó tìm hiểu thêm về các hoạt động ngoại khóa. Cô đã tham gia tổng cộng 5 trại Đông của 4 trường đại học khác nhau vào mùa đông 2021, trong đó có một giấy chứng nhận ưu tú.
"Mình xác định muốn đi vùng nào, sau đó tìm học bổng của những trường đại học ở các vùng đó, cụ thể như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thiên Tân, Thượng Hải, Giang Tô... Sau khi đã tìm được trường có học bổng, mình sẽ chọn những trường có rank (xếp hạng) cao và những trường có rank thấp hơn để dự bị.
Thông tin mình thu thập bằng cách lên web trường tìm hoặc lên Baidu, wechat để tìm kiếm. Sau khi đã có các thông tin cần thiết để apply thì mình bắt đầu chuẩn bị các bước tiếp theo như đi khám sức khỏe, thi tiếng Trung HSK, xin giấy lí lịch tư pháp, giấy giới thiệu", Linh nói.
Linh apply hai loại học bổng nên mỗi học bổng sẽ có các bước khác nhau. Học bổng giáo viên tiếng Trung quốc tế (CIS) cần giấy giới thiệu tại điểm thi là trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Còn học bổng chính phủ Trung Quốc thì cần giấy giới thiệu của các thầy cô cấp ba như thầy hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm. Tất cả các hồ sơ giấy tờ trên đều cần dịch thuật công chứng sang tiếng Trung.
Hồ sơ của cô apply đều trải qua vòng thẩm định xét duyệt của nhà trường trước, nếu đủ điều kiện thì sẽ được gửi lên trên để xét duyệt tiếp. Chỉ có duy nhất học bổng trường Đại Học Thiên Tân là trường tự tuyển nên tự xét duyệt. Còn hai trường còn lại phải đợi kết quả rất lâu.
Nói về những điều kiện cần để có thể săn được học bổng, Linh cho rằng, theo cô yếu tố quan trọng nhất là phải trau chuốt làm sao để có một bộ hồ sơ đẹp và ấn tượng, ngoài các giấy chứng nhận và các chứng chỉ ngoại ngữ ra thì kế hoạch học tập cũng là một yếu tố quyết định để gây ấn tượng với hội đồng thẩm định.
"Bố mẹ lúc đầu muốn mình đi làm vì mình đã nhận được một số lời mời làm phiên dịch và trợ lí với mức lương khá ổn trước đó. Nhưng sau khi nghe con giải thích và nêu nguyện vọng muốn tiếp tục đi học để trở thành một phiên dịch viên đa ngôn ngữ, bố mẹ đã ủng hộ. Khi nhận được tin đỗ ba học bổng, bố mẹ mình rất vui mừng và tự hào.
Mình muốn gửi tới những bạn chưa tìm được phương hướng, những bạn đã và đang đi nhầm hướng, những bạn đang loay hoay trên con đường đi tìm kiếm và thực hiện ước mơ của mình: Hãy kiên trì thực hiện và theo đuổi ước mơ, chỉ cần bạn tin bạn làm được thì bạn sẽ làm được. Mình tin rằng tuy rằng quá khứ không thể thay đổi được nhưng hiện tại và tương lai thì có thể, vậy nên bạn muốn bạn trở nên như thế nào đều nằm ở quyết định của bạn. Đừng bỏ cuộc nhé", cô gái 24 tuổi nhắn nhủ.
Linh chia sẻ bí quyết học tiếng Trung: Nghe nhiều tiếng Trung vào thời gian rảnh rỗi như thường xuyên nghe podcast. Cô cũng hay tìm cơ hội để giao tiếp với các bạn người Trung, ví dụ như lên app Tandem để luyện khẩu ngữ với người bản địa. Linh luyện viết nhiều và đọc nhiều sách cũng như tài liệu tiếng Trung. Cố gắng duy trì tiếp xúc với tiếng Trung hàng ngày để tạo môi trường học tập tốt nhất.