Nửa thế kỷ đánh thức Khe Sanh

Gần nửa thế kỷ trước, vào tháng 9-1975, 13.000 người dân Triệu Phong theo tiếng gọi của Đảng di cư lên vùng đất mới Khe Sanh-Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây một thời từng làm rúng động địa cầu bởi sự khốc liệt của chiến tranh xâm lược. Trong vòng 3 tháng của năm 1968, quân đội Mỹ đã rải xuống mảnh đất chưa đầy 10km2 này hơn 100.000 tấn bom đạn. Nhưng với Chiến thắng Khe Sanh, huyện Hướng Hóa là địa phương đầu tiên ở miền Nam được giải phóng.

Trong chiến tranh, sự khốc liệt của Đường 9-Khe Sanh đã vượt qua những giới hạn địa lý, trở thành một từ khóa của sự chết chóc, hủy diệt.

Nhưng thế giới ít biết đến một Khe Sanh đã hồi sinh từ sau chiến tranh, sau khi có “cuộc di dân vĩ đại” từ miền xuôi lên miền núi. Vùng đất dọc Đường 9 từ Rào Quán lên Lao Bảo là "túi bom" ngày ấy, giờ là chốn dừng chân của hàng vạn đồng bào, với bao hoài bão sẽ là miền đất hứa, mang lại sự đổi đời, thịnh vượng.

Bên ly trà ấm vào một ngày mùa đông ở hồ Tâm Thủy, Công viên Văn hóa Lao Bảo, tôi ngồi cùng ông Nguyễn Vũ Ái (sinh năm 1955) là cán bộ hưu trí, nghe ông kể về những ngày đầu lên vùng đất biên giới này. Với ông, 50 năm đã qua như cái chớp mắt. Trước cứ nhắm mắt và mở ra là hình ảnh những hố bom, núi rừng hoang vu, giờ đã là nơi đô hội với nhà cao tầng, đường phố sầm uất. Ngày ấy, chàng trai chưa vợ Nguyễn Vũ Ái trở về từ Mặt trận Thừa Thiên Huế sau khi đất nước im tiếng súng.

20 tuổi, ông là Bí thư Đoàn xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), chuẩn bị được điều động lên làm cán bộ huyện thì một đêm, bố của ông là Bí thư Chi bộ thôn An Hà, xã Triệu Phước thủ thỉ: "Con còn trẻ, sức dài vai rộng. Tỉnh ủy đang có chủ trương di dân đi kinh tế ở Hướng Hóa, con nên vì chí lớn mà theo"...

 Ông Nguyễn Vũ Ái, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phước (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Ông Nguyễn Vũ Ái, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phước (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Thế là gia đình ông khăn gói từ biệt quê hương để bước vào một cuộc sống gian khổ nhưng đầy hy vọng phía trước. Lúc này, gia đình ông có 3/6 đảng viên trong hơn 1.700 người di dân từ xã Triệu Phước lên vùng đất mới. Họ mang theo hành trang là những chiếc cày, lưỡi cuốc và những hạt giống với tâm thế của người đi tìm tương lai trên vùng đất đầy những hố bom. Trong hành trang ấy, linh vị, lư hương của ông bà, tổ tiên được gói ghém để đợi lúc an cư thờ phụng.

Mảnh đất ông Ái đặt chân lên là vùng cực Tây của tỉnh Quảng Trị, giáp nước bạn Lào. Đó là vùng đất rộng lớn sát sông Sê Pôn với núi cao bao bọc và hàng hàng lớp lớp hố bom sâu. Ngay sau khi được giao đất, người dân Triệu Phước đã khai hoang vỡ đất, trồng sắn, khoai. Những luống cày của họ đầy rẫy vật liệu nổ còn sót lại. Rừng thiêng nước độc và bom mìn trên những luống cày vẫn không khiến họ lùi bước.

Theo ông Nguyễn Vũ Ái, với lương thực Nhà nước trợ cấp trong hai năm đầu, người dân nhanh chóng bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Những con đường mới trổ ra phía rừng, những mái nhà tranh nằm khiêm tốn giữa các lùm cây. Sốt rét, muỗi rừng và hung thú luôn rình rập người dân.

 Ông Lê Đình Thy, nguyên Bí thư Đảng ủy Thường trực Ban chỉ đạo kinh tế mới Đường 9 - Khe Sanh, kể về những ngày đầu đưa dân lên vùng kinh tế mới.

Ông Lê Đình Thy, nguyên Bí thư Đảng ủy Thường trực Ban chỉ đạo kinh tế mới Đường 9 - Khe Sanh, kể về những ngày đầu đưa dân lên vùng kinh tế mới.

Theo ông Lê Đình Thy, nguyên Bí thư Đảng ủy Thường trực Ban chỉ đạo kinh tế mới Đường 9-Khe Sanh, tháng 9-1975, sau khi đoàn khảo sát huyện Triệu Phong đi lại nhiều lần trên tuyến Đường 9 từ đèo Rào Quán lên biên giới Lao Bảo, họ đã chọn những rẻo đất dọc hai bên đường với chiều dài gần 25km để làm nơi định cư lâu dài cho người dân kinh tế mới. Từ Rào Quán trở lên, người dân 3 xã Triệu Lương, Triệu Lễ, Triệu Trạch hợp thành xã Tân Hợp; người dân xã Triệu Độ thành xã Tân Độ (sau sáp nhập vào thị trấn Khe Sanh); người dân 2 xã Triệu Hòa, Triệu Đại thành xã Tân Liên; người dân 4 xã Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Thuận hợp thành xã Tân Lập; người dân xã Triệu Long thành lập xã Tân Long; người dân xã Triệu Thành thành xã Tân Thành và người dân xã Triệu Phước thành xã Tân Phước (nay là thị trấn Lao Bảo). Họ dìu nhau đi, mang theo tên làng, tên xã, mang theo khát vọng đổi đời...

 Một góc thị trấn Khe Sanh - huyện lỵ Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Một góc thị trấn Khe Sanh - huyện lỵ Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Lúc này, huyện Hướng Hóa gồm hai huyện Bắc Hướng Hóa và Nam Hướng Hóa với số dân khoảng 20.000 người. Sau khi di dân vùng Triệu Phong lên thêm 13.000 người, vùng đất này trở nên sôi động, bời bời khí thế xây dựng, sản xuất. Tháng 4-1976, các huyện Bắc Hướng Hóa, Nam Hướng Hóa và 7 xã kinh tế mới dọc Đường 9 sáp nhập thành huyện Hướng Hóa cho đến ngày nay. Đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương và người Kinh anh em dưới xuôi lên sống hòa thuận, đùm bọc nhau trong khó khăn, gian khổ.

Sau gần nửa thế kỷ, vùng đất hoang sơ Đường 9-Khe Sanh trở thành vùng động lực kinh tế của miền Tây Quảng Trị. 50 năm trước, để đi từ Đông Hà lên Khe Sanh, Lao Bảo phải mất nửa ngày đường thì giờ chỉ cần chưa đầy hai giờ đồng hồ là đến. Đường 9 vốn hẹp, quanh co, nay thênh thang, xe cộ ngược xuôi. Những hố bom, hầm hào, công sự, nay thành những nương cà phê, hồ tiêu, mắc ca xanh mướt.

Thị trấn Lao Bảo, đô thị được xây dựng trên nền... nhà tù đế quốc, nay là "đô thị vàng" với cửa khẩu quốc tế, điểm đầu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) phía Việt Nam.

Một góc “đô thị vàng” Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Một góc “đô thị vàng” Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Người dân vùng kinh tế mới đã góp phần rất lớn trong sự phát triển của huyện Hướng Hóa. Đến năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn huyện Hướng Hóa đạt 22.523 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản đạt 1.323 tỷ đồng (chiếm 5,87%); công nghiệp-xây dựng đạt 10.707 tỷ đồng (chiếm 47,54%); thương mại-dịch vụ đạt 10.493 tỷ đồng (chiếm 46,59%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 40,85 triệu đồng/năm.

Trong niềm phấn khích của quê hương đổi mới, phát triển, ông Nguyễn Vũ Ái nhớ lại thời cam khổ: Ngày xưa, câu nói khái quát sự khó khăn của vùng đất kinh tế mới là “khoai phi dê, sắn tứ bề mối cắn”. Nhưng nay thì khoai, sắn trở thành món ăn giải trí. Người dân hướng đến cái ngon, cái đẹp và an toàn vệ sinh. Năm 1998, khi Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được hình thành đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, hoạt động mua bán, trao đổi hàng qua lại biên giới, thương mại, dịch vụ trên địa bàn sôi động. Một điều may mắn là 7 xã kinh tế mới khi xưa giờ là “cột sống” của khu kinh tế này.

Ông Nguyễn Phi Bảo, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Lao Bảo, sinh năm 1975, là công dân được khai sinh đầu tiên sau ngày miền Nam giải phóng tại vùng đất từng là chiến địa ác liệt này, cho biết: “Tôi may mắn khi sinh ra ở nơi đây đã hòa bình, không còn chiến tranh. Cha tôi ra UBND xã Tân Phước làm giấy khai sinh, định đặt tên tôi là Nguyễn Phi Đình. Đình trong chữ “đình chiến" với ý nghĩa đất nước hết chiến tranh. Lúc đó, ông Nguyễn Vũ Ái là Phó chủ tịch UBND xã khuyên rằng: Mình là con dân quê Triệu Phong, mới lên lập nghiệp ở Lao Bảo. Vậy nên đặt cháu tên Phi Bảo thì hay hơn".

Sự thịnh vượng của vùng chiến địa khốc liệt Khe Sanh-Hướng Hóa năm xưa là minh chứng cho quyết sách sáng suốt của Đảng khi đưa hàng vạn người miền xuôi lên biên cương xây dựng kinh tế mới gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Bài và ảnh: YÊN MÃ SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/nua-the-ky-danh-thuc-khe-sanh-813015