Ô tô Trung Quốc loay hoay tại thị trường Việt Nam

Từ năm 2024 đến nay, có tới hơn 10 thương hiệu ô tô Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết đều chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Tham vọng nhiều, thành công chưa bao nhiêu

Hiện, có tới hơn chục thương hiệu ô tô Trung Quốc đang kinh doanh tại Việt Nam. Phần lớn ra mắt trong khoảng vài năm gần đây, gồm MG, Omoda & Jaecoo, Dongfeng, Hongqi và Beijing, AION, BYD, Wuling, Haima, Haval, Lynk & Co, GAC và mới nhất là Geely.

Đại lý Haima tại số 3 Duy Tân (Hà Nội) sáng 1/4 vắng bóng khách hàng dù kết hợp cả dịch vụ ăn uống.

Đại lý Haima tại số 3 Duy Tân (Hà Nội) sáng 1/4 vắng bóng khách hàng dù kết hợp cả dịch vụ ăn uống.

Nhanh chóng vượt trội về số lượng so với các hãng ô tô Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ, tiếp cận thị trường bằng cả xe động cơ đốt trong, xe hybrid và thuần điện thuộc nhiều khoảng giá cùng những màn ra mắt rầm rộ, song đến nay ô tô Trung Quốc vẫn chưa để lại dấu ấn.

Ghi nhận của PV tại một số đại lý xe Trung Quốc như: Haima, Omoda & Jaecoo, BYD... trên địa bàn Hà Nội đầu tháng 4, đa số đều trong tình trạng vắng khách, lượng người đến xem xe thưa thớt.

Đơn cử showroom Haima tại số 3 Duy Tân (quận Cầu Giấy), đại lý trực thuộc chính hãng duy nhất của thương hiệu này ở Hà Nội, gần như không có khách trong sáng 1/4, dù kết hợp cả trưng bày xe cùng kinh doanh cà phê và cơm văn phòng.

Ra mắt từ cuối năm 2023 với mẫu Haima 7X chạy xăng có giá bán 865 triệu đồng và 7X-E thuần điện có giá bán từ 1,11 - 1,23 tỷ đồng, đến nay hãng vẫn chỉ có những cái tên này trong dải sản phẩm. Vỏn vẹn 2 xe được trưng bày ở showroom, trong đó một chiếc đã ra biển số, nhiều khả năng là xe lái thử.

Hay như AION gia nhập thị trường tháng 10/2024 với 2 mẫu xe thuần điện là ES (788 triệu đồng) và Y Plus (888 triệu đồng). Đại diện hãng công bố doanh số dự báo năm 2024 là 600 xe và có thể tăng lên hàng nghìn chiếc trong năm 2025.

Tuy nhiên chỉ nửa năm sau khi ra mắt, AION hiện không còn đại lý nào tại Việt Nam. Showroom lớn nhất của hãng tại quận 7 (TP.HCM) đã chuyển sang kinh doanh xe của thương hiệu "đồng hương" là BYD.

Haval gia nhập thị trường Việt từ tháng 8/2023 nhưng đến nay cũng mới chỉ có 2 mẫu xe. Wuling cũng ra mắt giữa năm 2023, tính đến hết 2024 mới ghi nhận khoảng gần 1.400 xe đăng kiểm lần đầu.

Trong khi đó, Hongqi và Beijing sau thời gian ngắn tạo được sự chú ý, đến hiện tại cũng gần như biến mất trên thị trường.

Sản phẩm lỗi thời, mất giá nhanh

Anh T. Hiếu, giám đốc kinh doanh một đại lý ô tô tại Hà Nội nhận định, dù mới được giới thiệu tới người tiêu dùng Việt thời gian gần đây, không ít mẫu ô tô Trung Quốc trong số này thuộc đời cũ, đã ra mắt thị trường quốc tế nhiều năm.

Hạn chế về hạ tầng trạm sạc khiến ô tô điện Trung Quốc khó tiếp cận đông đảo khách hàng.

Hạn chế về hạ tầng trạm sạc khiến ô tô điện Trung Quốc khó tiếp cận đông đảo khách hàng.

Như New MG5 ra mắt cuối năm 2023, được nhà phân phối gắn từ New (mới) trong tên gọi, nhưng thực tế lại là mẫu Roewe i5 đã bán ở Trung Quốc từ năm 2017, trải qua 2 lần nâng cấp.

Mẫu SUV cỡ nhỏ Omoda C5 trình làng thị trường Việt tháng 11/2024 được giới thiệu lần đầu tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2021, bắt đầu sản xuất hàng loạt từ tháng 2/2022 và bán ra cho khách hàng Trung Quốc vào quý II cùng năm.

Trong khi đó, Geely Coolray vừa ra mắt khách Việt cuối tháng 3 đã xuất hiện tại Trung Quốc từ 2018. Bản nâng cấp giữa vòng đời cũng được giới thiệu ở nhiều thị trường vào năm ngoái.

Điều này cũng làm dấy lên câu hỏi, liệu Việt Nam có đang trở thành nơi tiêu thụ những sản phẩm ô tô tồn kho?

"Ô tô Trung Quốc nhanh xuống giá, không ít mẫu khi ra mắt có giá niêm yết cao, một số mẫu thậm chí ngang xe sang như Mercedes-Benz hay BMW, nhưng chỉ vài tháng sau đã giảm hàng trăm triệu đồng. Chưa kể giá xe Nhật, Hàn ngày càng rẻ còn trang bị, tính năng đầy đủ hơn trước rất nhiều", anh Hiếu cho biết.

Đơn cử Haval H6 mới đây giảm giá 196 triệu đồng cho xe sản xuất năm 2023 còn tồn kho. Giá mới còn 790 triệu đồng, mất khoảng gần 30% giá trị so với mức niêm yết 1,096 tỷ đồng khi ra mắt.

Ví dụ khác là Hongqi E-HS9 có giá niêm yết gần 3 - 3,7 tỷ đồng, nhưng sau 1 năm mở bán tại Việt Nam đã giảm từ 310 - 530 triệu đồng.

Ô tô điện và bài toán trạm sạc

Ông Nguyễn Cường (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, với nhóm khách hàng trong độ tuổi ngoài 50, quan niệm ô tô Trung Quốc là những sản phẩm kém chất lượng: "Xe Trung Quốc trước kia bị xem là loại xe rẻ tiền, chất lượng thấp, nhái mẫu mã nên không mang lại được sự hãnh diện của việc sở hữu".

Trong khi đó, chị Thùy Trang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người đang tìm mua xe điện, cho biết: "Chưa bàn đến độ bền nhưng về hạ tầng trạm sạc, xe Trung Quốc đang gặp bất lợi lớn. Không nhiều chung cư có sẵn sạc ở hầm, còn tìm trạm sạc bên thứ ba thì bất tiện và giá lại cao".

Theo các chuyên gia, thể hiện sự cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam thông qua việc phát triển mạng lưới đại lý rộng với nguồn cung linh kiện đầy đủ, hay xây dựng nhà máy lắp ráp trong nước là những cách để xe Trung Quốc có thể thuyết phục khách hàng, xóa bỏ lo ngại về vấn đề bảo hành, sửa chữa.

Đây cũng là hướng đi được nhiều hãng ô tô Trung Quốc lựa chọn. Như MG hiện đã có 41 đại lý trên toàn quốc. Tổng số showroom Omoda & Jaecoo tại Việt Nam đang đạt gần 20 và đặt mục tiêu đến cuối 2025 sẽ đưa vào hoạt động 39 đại lý. Geely ngay khi ra mắt công bố đã thiết lập 15 đại lý, dự kiến mở rộng lên 50 đại lý vào năm 2025.

Tasco Auto và tập đoàn Geely đã ký hợp đồng liên doanh xây dựng nhà máy lắp ráp xe Geely và Lynk & Co tại Thái Bình. Tập đoàn Geleximco và Chery cũng công bố sẽ xây dựng nhà máy ô tô tại Thái Bình để sản xuất các mẫu xe Omoda & Jaecoo. Điều này giúp giảm đáng kể giá thành sản phẩm.

Tổng số ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2024 đạt 31.112 xe, tăng gần 183% so với năm 2023 và chỉ xếp sau Indonesia (70.728 xe) và Thái Lan (63.769 xe).

Tổng giá trị ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 999 triệu USD, tăng 130% so với 2023.

Tứ Đức

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/o-to-trung-quoc-loay-hoay-tai-thi-truong-viet-nam-192250403225014674.htm