Oản nghệ thuật hút khách
Từ lâu, oản đường không chỉ là món ăn truyền thống mà còn là vật lễ không thể thiếu trong phong tục thờ cúng của người Việt. Bằng bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, những tác phẩm oản nghệ thuật ra đời đã làm tăng giá trị, thẩm mỹ cho những mâm lễ thờ cúng tổ tiên.
Có mặt trên thị trường Phú Thọ khoảng một năm trở lại đây, oản nghệ thuật trở thành sản phẩm mới được nhiều người đón nhận, tìm mua trong những ngày lễ, Tết và dịp đầu năm. Bà Nguyễn Thanh Tĩnh (phường Gia Cẩm, TP Việt Trì) cho biết: “Vào những ngày lễ, Tết, Rằm tháng Giêng hay lễ Vu Lan, gia đình tôi thường sửa soạn mâm lễ dâng cúng gia tiên và lễ Phật đầu năm. Ngoài chuẩn bị các lễ vật như hương, hoa, ngũ quả,... thì còn chuẩn bị những mâm oản. Những mẫu oản được tạo hình hoa sen, quả đào được trang trí rất đẹp, giá thành cũng không quá cao nên tôi đã đặt mua để thể hiện lòng thành kính tri ân tổ tiên”.
Oản được làm chủ yếu từ đường và gạo nếp cái hoa vàng. Gạo nếp được rang vàng, xay mịn, trộn với đường kính tinh luyện, thêm các loại màu thực phẩm và tinh dầu hoa bưởi, sau đó đóng thành khuôn, cuối cùng là trang trí. Khác với oản truyền thống, oản nghệ thuật có mẫu mã đa dạng, phong phú, màu sắc đẹp mắt được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ, tạo hình công, phượng, tháp hoa sen, quả đào, hũ tiền... biểu trưng cho sự sung túc, may mắn, thịnh vượng. Vật liệu trang trí cho oản nghệ thuật rất đa dạng từ hoa tươi tới hoa lụa, đính kết các loại lá cây, hạt ngọc, kim tuyến... So với oản truyền thống, loại oản này có thể bảo quản trong điều kiện nhiệt độ khô thoáng được tới 12 tháng. Giá thành mỗi mâm oản nghệ thuật trung bình dao động từ 300 nghìn đến 1,5 triệu đồng, cũng có những mâm trang trí cầu kỳ lên đến vài triệu đồng tùy theo nhu cầu và điều kiện kinh tế của khách hàng.
Là thành viên Hội oản nghệ thuật tài lộc toàn quốc, chị Trần Thị Thanh (khu Mai Sơn I, phường Tiên Cát, TP Việt Trì) bắt đầu học, sản xuất và kinh doanh oản nghệ thuật từ năm 2023. Chị chia sẻ: “Cùng với mâm ngũ quả, hoa tươi, thì oản là lễ vật không thể thiếu. Mỗi tác phẩm thể hiện tay nghề và thẩm mỹ của người chế tác. Các sản phẩm không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn có tính nghệ thuật thẩm mỹ cao nên thu hút được khách hàng chỉ trong tỉnh mà còn ở các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lào Cai... đặt mua".
Nếu như nén hương thắp lên tượng trưng cho nghi lễ, hoa mang đến vẻ đẹp thiên nhiên, quả là đại diện của sản vật quê hương, thì oản đường thanh khiết, trắng trong, làm từ gạo nếp cái hoa vàng, đường trắng tinh luyện tinh hoa là kết tinh từ sức sáng tạo từ bàn tay lao động của con người. Bằng sự sáng tạo của mình, những người chế tác oản nghệ thuật đã khoác tấm áo mới cho món ăn truyền thống, góp phần lan tỏa những nét đẹp của nghệ thuật ẩm thực và phong tục thờ cúng của người Việt, qua đó gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Việt...
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/oan-nghe-thuat-hut-khach/208163.htm