Phải cơ giới hóa cho sản xuất nông sản

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất

Tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến nay phần lớn vẫn dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường năng suất sử dụng đất. Cùng với đó, việc sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất đã gây tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến tiến trình đưa nông sản gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu với những tiêu chuẩn ngặt nghèo của các thị trường lớn.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất. Nhưng hiện nay, phần lớn máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp đều phải nhập khẩu do ngành chế tạo máy phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu; ít DN đầu tàu, nhân lực còn thiếu và yếu, năng lực thấp, giá thành cao, tổ chức thị trường chưa xứng tầm với quy mô nền nông nghiệp quốc gia.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất

“Tại ĐBSCL, việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do các chuỗi giá trị nông sản chưa hình thành, chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, thị trường tiêu thụ quốc tế; đất sản xuất còn phân bổ manh mún. Trong khi đó quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đồng bộ về thủ tục pháp lý”, TS. Đạt nói.

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP.HCM, với lĩnh vực thế mạnh là lúa gạo, hiện nay sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bước đầu đã được cơ giới hóa các khâu làm đất và thu hoạch. Tuy nhiên, ở các khâu còn lại, mức độ ứng dụng máy móc vào sản xuất còn thấp. Thêm vào đó, do máy mới nhập ngoại có giá thành cao, hầu hết người dân chấp nhận dùng các loại máy nông nghiệp cũ đã qua sử dụng. Các thiết bị này tiêu tốn nhiên liệu nhiều, hoạt động thiếu ổn định, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Chính vì vậy, tổn thất sau thu hoạch lúa hiện nay tại ĐBSCL vẫn còn ở mức 13% đến 14% về số lượng và hơn 12% về giá trị.

Cũng như vậy, với sản xuất trái cây, công nghệ chế biến lạc hậu cũng ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng. Các dây chuyền chế biến hoạt động chưa đồng bộ, có khâu được tự động hóa song vẫn tồn tại nhiều khâu thao tác thủ công như ngâm rửa, gọt vỏ, phân loại và đóng bao bì; cùng với đó là khả năng truy xuất nguồn gốc thấp.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng có diện tích nuôi trồng thủy sản rất lớn nhưng hiện trình độ, trang thiết bị sản xuất còn nhiều hạn chế ở cả khâu nuôi, thu hoạch, chế biến và xử lý môi trường, khiến chất lượng thủy sản không được như kỳ vọng.

Cùng với đó, lao động thủ công cũng khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường và sức khỏe người nông dân. Việc bón phân thủ công quá mức, thiếu kiểm soát đã tạo ra dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép.

Chính từ những thực tế trên, các chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho rằng, cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất chính là chìa khóa giúp nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng phát triển vững chắc. Do đó, để đáp ứng phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp cho ĐBSCL, rất cần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà cơ bản nhất là cơ giới hóa quá trình sản xuất, tăng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sự đa dạng về chủng loại, mặt hàng sản phẩm; tận dụng và chuyển đổi tối đa nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Để cơ giới hóa cho ĐBSCL, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho việc nghiên cứu, phát triển thiết bị, máy móc, công nghệ mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giảm bớt những thủ tục hành chính trong việc xét hỗ trợ nghiên cứu. Và phải có trung tâm đầu tàu phát triển ngành cơ khí để phục vụ cho việc này.

Ông Nguyễn Thể Hà - Giám đốc đầu tư Công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ cho rằng, muốn làm nông nghiệp thông minh thì phải phát triển được ngành cơ khí để từ đó cơ giới hóa sản xuất. Tuy là trung tâm của ngành cơ khí cả nước, nhưng hiện TP.HCM chưa phát huy hết nội lực để phát triển ngành cơ khí trong nông nghiệp. Các chuyên gia về kỹ thuật nông nghiệp cho rằng, TP.HCM cần cơ chế hỗ trợ để phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu trong việc cơ khí hóa nông nghiệp tại thành phố và các tỉnh ĐBSCL.

Về câu chuyện này, TS. Đạt cho biết, trong thời gian tới, rất cần có sự kết nối nhiều mặt giữa TP.HCM và ĐBSCL.Với lợi thế tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, với rất nhiều trường đại học, cao đẳng, TP.HCM rất phù hợp để trở thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ, cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng máy móc thiết bị và khoa học công nghệ cả vùng ĐBSCL.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/phai-co-gioi-hoa-cho-san-xuat-nong-san-92936.html