Phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn khi tăng lương

Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến công thức tính lương; tăng lương nhưng giá có thể đã tăng trước...

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phải đưa ra công thức tính và căn cứ GDP hàng năm

Đề cập về cách thức trả lương, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, Nghị quyết 27 của Trung ương có nêu, chúng ta đã cải cách tiền lương 4 lần, mà lần gần nhất là năm 2003. Đại biểu dẫn chứng, nếu so sánh nền kinh tế, GDP năm 2003 chỉ khoảng 45 tỉ USD thì hiện nay hơn 450 tỉ USD, nghĩa là tăng khoảng 10 lần. Như vậy, theo đại biểu, việc cải cách tiền lương là cần thiết.

Tuy nhiên, theo đại biểu, vấn đề là cải cách như thế nào? Báo cáo Chính phủ nêu, chúng ta chỉ tích trữ 913.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương. Đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế như thế này, nhưng nếu chúng ta có cách nào đó quy tiền lương của khu vực công như các doanh nghiệp Nhà nước, theo tỷ lệ GDP, lập công thức, sau đó cứ GDP tăng tới chừng nào thì chúng ta tăng lương.

 Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu, việc cán bộ công chức quản lý nền kinh tế 45 tỉ USD và 450 tỉ USD là rất khác nhau. Đại biểu cho rằng, nếu tiền lương chỉ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc để đảm bảo đời sống, đại biểu thấy sẽ không khuyến khích được cán bộ, công nhân, viên chức, không khuyến khích được những người làm ở khu vực công.

“Vì khi làm khu vực công, ngoài tự hào vị trí xã hội thì người ta phải yên tâm thu nhập thì mới cống hiến và đó cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu. Khi đó lương đủ lớn, đủ để trang trải, nuôi gia đình, xứng đáng với đóng góp, GDP tăng trưởng thì người ta sẽ không muốn tham nhũng, thấy e ngại khi dính vào tham nhũng vì sẽ có thể mất đi thu nhập rất lớn” - đại biểu Nguyễn Quang Huân phân tích.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân khẳng định, để cải cách một cách toàn diện phải đưa ra công thức tính và căn cứ GDP hàng năm. Về lâu dài phải làm như thế mới căn cơ và cũng đỡ vất vả câu chuyện phải đi tích trữ nguồn ngân sách để tăng lương...

Trước khi tăng lương, giá cả đã tăng trước một đoạn

Cơ bản thống nhất với nội dung cải cách tiền lương, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị, cần phải quan tâm việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

 Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, trước khi tăng lương, giá cả đã tăng trước một đoạn nên cần có giải pháp bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng; chống việc lợi dụng tăng lương để tăng giá.

“Phải quan tâm đến vấn đề khi lương tăng thì thuế giảm trừ gia cảnh cần phải nghiên cứu. Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Ta tăng 30% lương ít, nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng được 30% là ít, phải đến 50% tôi cho là hợp lý. Giảm trừ gia cảnh hiện nay tôi nghĩ cũng cần phải quan tâm” – đại biểu Tạ Văn Hạ kiến nghị.

Phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông đã dành nhiều thời gian xem xét xem, quá trình tăng lương cơ sở tác động như thế nào đến lạm phát. Và 20 năm qua, chúng ta đã 14 lần tăng lương cơ sở, trong đó, đa số khi tăng lương thì lạm phát giảm.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận.

“Chẳng hạn, năm 2005 tăng 20,7% lương thì lạm phát giảm từ 9,5% xuống 5,4%; năm 2006 tăng 28,57% lương thì lạm phát giảm từ 7,5% xuống 6,3%; năm 2012 tăng lương cơ sở 26,5% thì lạm phát giảm từ 18,6% xuống 9,2%; năm 2016 tăng lương cơ sở 5,2% thì lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7%; năm 2023 tăng lương cơ sở 20,8%, lạm phát chỉ còn 3,25%” - đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn chứng.

Theo đại biểu, có hai lần tăng lương cơ sở thì lạm phát tăng, đó là năm 2008, khi tăng lương cơ sở 2% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23% và năm 2011 lương tăng 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, hai năm này, việc lạm phát không chỉ do tăng lương cơ sở mà do cả lạm phát thế giới, giá dầu thế giới tăng và tỷ giá trong nước tăng.

Khẳng định, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm để hạn chế bớt ảnh hưởng của việc tăng lương cơ sở đến lạm phát, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giữ ổn định tỷ giá; điều chỉnh các giá hàng hóa dịch vụ nhà nước, như giá điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh... giãn ra, không cùng một lúc và cách xa ngày 1/7/2024. Chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cung ứng, không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất.

“Quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá” – đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Khả năng CPI tăng khoảng 07,7%, trong khi đó GDP có thể đóng góp thêm 0,21%

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm các vấn đề ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, cải cách chính sách tiền lương là một việc rất khó. Phó Thủ tướng chia sẻ, trong quá trình thực hiện, Chính phủ cũng rất trách nhiệm ở chỗ, làm sao để gửi báo cáo trình Quốc hội một cách đầy đủ nhất...

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu giải trình, làm rõ thêm các vấn đề ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu giải trình, làm rõ thêm các vấn đề ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, các ý kiến ĐBQH phát biểu liên quan tới cải cách chính sách tiền lương là rất xác đáng, trong đó có ý kiến tăng lương lần này phải quan tâm đến kiểm soát được giá, chỉ số CPI...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trước khi làm việc này, Chính phủ đã có đánh giá trong báo cáo, khả năng CPI tăng khoảng 07,7%, trong khi đó GDP tăng trưởng có thể đóng góp thêm 0,21%.

Theo Phó Thủ tướng, lo ngại này chủ yếu là do tâm lý, còn nhu cầu do tăng lương có thể có nhưng không cao; đồng thời cung cầu hàng hóa cũng đáp ứng được, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng.

“Ngay từ khi chuẩn bị Chính phủ đã có chỉ đạo, đặc biệt Ban Chỉ đạo điều hành giá và vừa rồi Thủ tướng đã có công điện. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn và mong muốn rằng các ĐBQH tiếp tục quan tâm để đóng góp cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành...” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định.

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/phai-kiem-soat-lam-phat-tam-ly-lam-phat-tin-don-khi-tang-luong-160222.html