PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN CẦN ĐI ĐÔI VỚI PHÂN BỔ NGUỒN LỰC, TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT, KIỂM TRA
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nhận định, việc phân cấp, phân quyền trong thời gian qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để đảm bảo hiệu quả, phân cấp, phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cán bộ.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn này.
Trả lời đại biểu về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc phân cấp, phân quyền đã có chủ trương rất rõ ràng, có nguyên lý, tư duy, phương pháp luật và cách tiếp cận nhất quán, cần thực hiện quyết liệt để phân định rõ hơn trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của các cấp. Chính quyền của chúng ta có chính quyền trung ương, chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện, chính quyền cấp xã, ngoài ra còn có các các cơ quan được coi như “cánh tay nối dài”. Như vậy việc phân cấp, phân quyền rất quan trọng để tăng tính linh hoạt, sáng tạo đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cấp.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện phân cấp phân quyền chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thỏa mãn được mong muốn của cử tri và nhân dân. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tình trạng trên xuất phát từ 4 nguyên nhân. Thứ nhất, chúng ta chưa thực hiện triệt để và nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thứ hai, các cơ quan trung ương, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng quy định của pháp luật. Thứ ba, năng lực cán bộ cũng có những hạn chế, bất cập, nhất là những việc lớn, việc mới chúng ta phân cấp, phân quyền xuống cũng có khó khăn. Thứ tư, việc đáp ứng các yêu cầu của người dân cũng liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Để khắc phục và tháo gỡ những vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cán bộ, hoàn thiện thể chế, các cấp cũng phải mạnh dạn để thực hiện phân cấp, phân quyền, không tránh né tránh, đùn đẩy.
Đóng góp một số giải pháp về nội dung này, TS. Đoàn Trung Kiên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chung làm cơ sở để phân định rõ ràng hơn thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, trong đó có chính quyền Thủ đô. Theo đó, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương cần được tiếp tục quy định rõ ràng hơn nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương.
Luật cần quy định rõ theo tinh thần việc gì hoàn toàn thuộc thẩm quyền của trung ương thì chính quyền địa phương chỉ giữ vai trò phối hợp, việc gì thuộc thẩm quyền riêng của địa phương thì cơ quan nhà nước trung ương không được can thiệp và việc gì là việc chung thì cần phân quyền, phân cấp rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Phân quyền được thực hiện bằng luật và chí luật mới có thể thay đổi thẩm quyền đã được luật định. Khi đã phân quyền, không cấp chính quyền nào có thể được thực hiện công việc của một cấp chính quyền khác. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng cần ghi nhận việc phân định thẩm quyền theo hướng “từ dưới lên”, theo đó những việc nào địa phương không làm được thì trung ương mới làm và phải làm. về nguyên tắc, chỉ giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương khi chính quyền trung ương biết chắc chính quyền địa phương có đủ khả năng, nguồn lực và có sự sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ hoặc khi giao nhiệm vụ thì phải giao kèm các điều kiện bảo đảm.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần quy định cụ thể ba loại vấn đề trong quản lý nhà nước. Từ các nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần xác định rõ hơn những nhiệm vụ của chính quyền trung ương, những nhiệm vụ do chính quyền trung ương phân quyền, phân cấp một phần cho chính quyền địa phương và những nhiệm vụ phân quyền cho chính quyền địa phương.
Các lĩnh vực liên quan tới việc cung cấp các loại dịch vụ công thiết yếu đối với đời sống của người dân như cấp thoát nước, duy tu, sửa chữa các công trình giao thông công cộng, thu gom, xử lí rác thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, thư viện cộng đồng, công trình văn hóa, công viên, khu vui chơi của cộng đồng, phòng cháy chữa cháy... cần có sự phân quyền, phân cấp mạnh hơn nữa cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thực hiện, tiến tới giao hoàn toàn cho chính quyền địa phương. Các lĩnh vực khác, nhất là lĩnh vực liên quan tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, cung ứng dịch vụ công cộng, cần có sự phân quyền, phân cấp hợp lý.
Đối với lĩnh vực có sự phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương, cần mạnh dạn phân quyền, phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh, cấp thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định một số loại tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuẩn mực quan trọng như: định mức chi tiêu tài chính; tiêu chuẩn cán bộ, công chức; tiêu chuẩn chất lượng về các loại dịch vụ công mà nhà nước có trách nhiệm cung ứng cho xã hội (ví dụ, chuẩn về dịch vụ giáo dục, chuẩn về dịch vụ y tế) theo hướng chính quyền trung ương quy định chuẩn tối thiếu áp dụng chung cho mọi địa phương, mọi tỉnh, thành, chính quyền địa phương được quyền đặt tiêu chuẩn cao hơn tùy theo tình hình cụ thể của địa phương; chuẩn về mức độ công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương; chuẩn về trách nhiệm giải trình trong hoạt động của chính quyền địa phương; chuẩn về thủ tục hành chính khi giải quyết các công việc của dân (các công việc về cấp phép, cấp giấy chứng nhận, làm thủ tục đăng kí cho người dân, doanh nghiệp...); chuẩn về bảo vệ môi trường...
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, cần tạo cơ chế bảo đảm thực quyền của HĐND các cấp, đồng thời tăng cường công tác giám sát. Theo đó, cần đổi mới cơ chế tổ chức của HĐND theo hướng nâng cao tính độc lập của HĐND so với UBND, đặc biệt cần hạn chế tối thiểu chế độ kiêm nhiệm, thúc đẩy cơ chế đại biểu chuyên trách, chuyên nghiệp. Trên cơ sở đó, pháp luật quy định thêm các nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND khi mô hình tổ chức bộ máy tiếp cận nhiều hơn với yếu tố phân quyền (tự quản). Khi đó, rất cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát chính HĐND khi được trao nhiều quyền hạn hơn. Bên cạnh đó, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 cần bổ sung phương thức điều trần trong hoạt động giám sát của HĐND khi thường trực HĐND, ban của HĐND nhận thấy cần thiết và khi có một tỉ lệ nhất định đại biểu HĐND kiến nghị, yêu cầu các cơ quan hành chính hữu quan phải giải trình.../.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81965