Phân cấp, phân quyền rõ ràng

Mục tiêu của Trung Quốc về việc tăng cường quản lý nguồn nước là nhằm duy trì chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về nguồn nước, bảo vệ khai thác nguồn nước, sử dụng tiết kiệm hợp lý, bảo đảm cho sự duy trì và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật
Quy hoạch nguồn nước đồng bộ với quy hoạch tổng thể
Quy định về khai thác và sử dụng nguồn nước

Nước thuộc về Nhà nước

Lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 1954 của Trung Quốc, tại điều 6 quy định: nước thuộc về Nhà nước; Nhà nước bảo đảm sử dụng hợp lý tài nguyên nước, không có tổ chức, cá nhân nào với bất cứ lý do gì có quyền tịch thu, tiêu hủy tài nguyên nước.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Đến Hiến Pháp năm 1982, sửa đổi bổ sung năm 2004, điều 9 xác định rõ: các khoáng sản, sông ngòi, rừng, núi, thảo nguyên, đất hoang, biển và tài nguyên thiên nhiên khác đều thuộc sở hữu Nhà nước. Nhà nước bảo đảm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên… Không một tổ chức, cá nhân nào, vì bất kỳ lý do gì được quyền thu giữ hoặc tiêu hủy tài nguyên thiên nhiên.

Bộ Luật Dân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1986 cũng quy định rõ tại điều 74: các hồ chứa, công trình thủy lợi, nước… thuộc sở hữu Nhà nước. Và tài sản của tập thể được pháp luật bảo vệ, các tổ chức, cá nhân không được chiếm, cướp phá, tự phân chia, tiêu hủy.

Luật Nước của Trung Quốc năm 2002 quy định tại điều 3: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện chế độ sở hữu nhà nước về tài nguyên nước, tức là chế độ sở hữu toàn dân và chế độ sở hữu tập thể của quần chúng lao động. Sở hữu toàn dân, tức là quyền sở hữu tài nguyên nước do Quốc vụ viện thay mặt Nhà nước thực hiện.

Như vậy, xuyên suốt từ Hiến pháp năm 1954 và đến Hiến pháp năm 1982, sửa đổi bổ sung năm 2004, và Luật Nước năm 2002, Trung Quốc đã khẳng định nước thuộc về Nhà nước, thuộc sở hữu Nhà nước.

Trách nhiệm quản lý của trung ương và địa phương

Quốc vụ viện chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, bảo vệ, phát triển và bảo tồn tài nguyên nước của quốc gia. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển và sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Quốc vụ viện có trách nhiệm phân công, khai thác, sử dụng, bảo tồn, bảo vệ tài nguyên nước.

Theo Luật Bảo tồn đất và nước sửa đổi bổ sung năm 2010, Quốc vụ viện và chính quyền nhân dân địa phương thực hiện việc bảo tồn đất và nước như là một nhiệm vụ quan trọng, đề ra biện pháp bảo đảm cho công tác chống xói mòn. Quy hoạch bảo tồn đất và nước phải được cơ quan cùng cấp phê duyệt. Chính quyền các cấp phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học về bảo tồn đất và nước.

Theo điều lệ về Thủy văn của Trung Quốc năm 2007, Quốc vụ viện ban hành chính sách về công tác thủy văn; các cơ quan về thủy văn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý. Nhà nước thành lập các cơ quan quản lý sông, hồ, lưu vực (sau đây gọi tắt là quản lý đầu nguồn) theo quy định của pháp luật; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thủy văn tại Trung Quốc phải được sự chấp thuận của Quốc vụ viện phối hợp với các phòng, ban liên quan của bộ phận quản lý nước thông qua phê duyệt và phải tuân thủ theo luật định; đối với hoạt động thủy văn trên các sông ở biên giới thì phải thực hiện theo điều ước quốc tế hoặc theo thỏa thuận về biên giới với các nước láng giềng.

Quy định về quản lý nguồn nước đối với các cấp chính quyền địa phương cũng được quy định cụ thể tại Luật Nước như sau: chính quyền nhân dân ở cấp quận trở lên phải tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nước, kế hoạch phát triển, bảo vệ, bảo tồn nguồn nước, ngăn chặn các hành vi làm ô nhiễm, lãng phí nước. Căn cứ vào quy định của Quốc vụ viện, chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc xác định tổ chức chuyên trách của cơ quan hành chính chủ quản về tài nguyên nước từ các tổ chức kinh tế nông thôn trở lên. Chính quyền các cấp thực hiện các biệp pháp tăng cường quản lý bảo tồn nước, khuyến khích thành lập các hệ thống phát triển công nghệ bảo tồn nước và các ngành công nghiệp về nước. Các đơn vị, cá nhân trong quá trình phát triển và sử dụng thì phải có nghĩa vụ bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên nước, tuân thủ pháp luật, pháp quy về nước; đồng thời có quyền đề nghị kiểm tra và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, pháp quy về nước. Chính quyền địa phương có trách nhiệm khen thưởng đối với các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ, khai thác tài nguyên nước và trong nghiên cứu khoa học liên quan…

THS: Phạm Thị Huyền

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/phan-cap-phan-quyen-ro-rang-i315991/