Phân định rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều nay, 20.6, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm khắc phục các bất cập đã được nêu tại Tờ trình số 162/TTr-CP ngày 28.4.2023 của Chính phủ. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần phân định rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phát huy vai trò các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư

Tiếp tục Kỳ họp thứ Năm, chiều nay, 20.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại khoản 4 Điều 23 dự thảo Luật quy định chức năng nguồn nước được xác định căn cứ vào hiện trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành, các yêu cầu về bảo vệ, bảo tồn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và giá trị văn hóa… ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung thêm vai trò của các địa phương trong việc xác định chức năng nguồn nước cho đầy đủ và toàn diện hơn.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồ Long

Tại khoản 2 Điều 35 dự thảo Luật quy định các nguồn nước phải được phân loại theo mức độ, phạm vi suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và lập thứ tự ưu tiên để có kế hoạch phục hồi. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nhận thấy, dự thảo Luật chưa đề cập đến cách phân loại theo mức độ; khoản 3 Điều 35 cũng không giao Chính phủ hay Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện phân loại theo mức độ này. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết hơn để việc thực hiện đầy đủ và thống nhất.

Tán thành với nội dung khoản 4, Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Bảo vệ tài nguyên nước là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân”, ĐBQH Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận) cũng đề nghị, nghiên cứu bổ sung các quy định thật cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng dân cư, với lý do, nếu phát huy được sức mạnh, trách nhiệm của cộng đồng dân cư thì việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra sẽ rất hiệu quả. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào Điều 4 dự thảo Luật nguyên tắc “khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp với lợi ích cộng đồng…”.

Chính sách điều hòa, phân phối tài nguyên nước cần có sự liên kết chặt chẽ

ĐBQH Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận). Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận). Ảnh: Hồ Long

Về vấn đề điều hòa, phân phối tài nguyên nước, nhất là trong trường hợp hạn hán, thiếu nước (Điều 36 và Điều 37 dự thảo Luật), đại biểu Chamaleá Thị Thủy nhấn mạnh, việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước, đặc biệt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước là rất quan trọng, góp phần bảo đảm nhu cầu sản xuất và các nhu cầu thiết yếu của người dân vùng hạn. Tuy nhiên, muốn thực hiện được việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước hiệu quả trên thì thực tế, ngoài việc phải quy định nguyên tắc, cách thức điều hòa, phân phối tài nguyên nước như tại dự thảo Luật, cần quan tâm tới việc bảo đảm nguồn lực để thực hiện các quy định này.

Nêu thực tiễn tại địa phương, đại biểu Chamaleá Thị Thủy cho biết, thời gian qua, Trung ương cũng đã rất quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước; địa phương cũng rất nỗ lực đầu tư, phát triển hệ thống thủy lợi nhưng đến nay cũng mới đáp ứng tưới được khoảng 40% diện tích đất sản xuất. Cử tri luôn mong chờ Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi kết nối liên thông giữa các hồ chứa tại Ninh Thuận nhằm điều hòa, phân phối chuyển nước giữa các lưu vực, nhằm tận dụng nguồn nước trong mùa lũ để sử dụng trong mùa khô, bảo đảm việc sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất luôn. Đặt vấn đề này, đại biểu nhấn mạnh, các chính sách cần liên kết chặt chẽ và tương hỗ với nhau. Các quy định của dự thảo Luật chỉ thực sự hiệu quả nếu được bảo đảm thực hiện bởi các nguồn lực thiết yếu từ các chính sách khác như: chiến lược về quy hoạch; đầu tư; xây dựng; bố trí, phân bổ nguồn vốn phù hợp, kịp thời…

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/phan-dinh-ro-trach-nhiem-quan-ly-bao-ve-khai-thac-su-dung-tai-nguyen-nuoc-i333251/