Phân luồng sau THCS: Hướng đi mới hay lối rẽ cụt của học sinh?

Chủ trương phân luồng sau THCS từng được kỳ vọng giúp giảm lãng phí nguồn lực và tăng số lao động kỹ thuật, nhưng thực tế lại không như mong đợi. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia tư vấn soạn thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp, nguyên nhân thất bại đến từ tư duy 'cứng nhắc', chính sách 'lệch pha' và chưa tạo dựng được hệ sinh thái học tập mở, linh hoạt.

Phân luồng là hỗ trợ, không phải ép buộc

Nhiều năm qua, mục tiêu phân luồng 40% học sinh sau THCS vào học nghề vẫn chưa đạt. Theo ông, vấn đề nằm ở đâu?

TS Hoàng Ngọc Vinh:Chủ trương phân luồng là đúng, nhưng đặt mục tiêu “40% học nghề” sau THCS là sai. Việc cưỡng ép này bỏ qua thực tế xã hội – nơi nhu cầu, hoàn cảnh, động lực học tập của học sinh và gia đình rất đa dạng.

Rất nhiều em muốn có bằng tốt nghiệp THPT, rồi sau đó mới học nghề, đi làm hay học tiếp. Trong khi đó, các trường nghề chưa đủ hấp dẫn, chất lượng đào tạo chưa tương xứng. Thể chế giáo dục lỗi thời cũng là nguyên nhân sâu xa khiến phân luồng cứng thất bại.

TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chuyên gia tư vấn soạn thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)

Cần hiểu lại khái niệm phân luồng

Theo ông, khái niệm “phân luồng” nên được hiểu như thế nào?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Phân luồng không chỉ là chuyện “đi đâu sau lớp 9”. Đó là một quá trình học tập linh hoạt suốt đời, nơi người học được lựa chọn và chuyển đổi giữa các con đường học – làm – học lại.

Học nghề không chỉ là học trong trường nghề. Nó có thể là học ở doanh nghiệp, học qua nền tảng số, tích lũy kỹ năng không chính quy. Học sinh bỏ học 5–7 năm rồi quay lại học nghề vẫn là một phần của phân luồng.

Ở các nước phát triển, không ai áp đặt phân luồng bằng tỷ lệ. Họ xây dựng hệ sinh thái học tập mở, nơi mọi lộ trình đều có giá trị.

Chuyển từ tư duy “phân bổ” sang “hệ sinh thái”

Như vậy, cần thay đổi điều gì trong chính sách hiện hành?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Cần chuyển từ tư duy hẹp “chia tỷ lệ” sang tư duy kiến tạo hệ sinh thái học tập. Trước hết là sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp, công nhận phân luồng là học tập suốt đời, không bị đóng khung ở tuổi hay cấp học.

Một giải pháp quan trọng là phát triển mô hình trung học nghề tích hợp – vừa học kỹ năng nghề, vừa đảm bảo kiến thức phổ thông cốt lõi như toán, ngoại ngữ, kỹ năng số. Đây là cách các nước như Hàn Quốc, Đức đã làm.

Sai lầm lớn trong Luật GDNN 2014

Đã có lúc chúng ta khuyến khích phân luồng vào học nghề và ra đời hệ 9+1, 9+2 để chiều học sinh muốn có bằng trung cấp. Vì sao chính sách này vẫn không thành công, phân luồng vẫn bế tắc, thưa ông?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Tôi cho đây là sai lầm lớn của Luật GDNN 2014. Các em học hệ 9+1, 9+2 thường chưa đủ tuổi lao động, lại thiếu kiến thức phổ thông nền tảng để học nghề bài bản. Kết quả là chất lượng thấp, liên thông tắc nghẽn, sức hút không có.

Thế giới gần như không có mô hình đào tạo trung cấp ngắn hạn như vậy. Các nước đều đào tạo theo hệ 9+3, đảm bảo chuẩn đầu ra và bằng cấp tương đương trung học.

Học nghề không phải lựa chọn thứ hai

Có ý kiến đề xuất chuyển phân luồng từ sau THCS sang sau THPT để giảm áp lực kỳ thi lớp 10. Ông nghĩ sao?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Ý kiến này đúng một phần. Nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn nên không thể học THPT, Nhà nước cần có chính sách giúp các em học nghề. Nhưng phần lớn học sinh vẫn muốn học THPT để sau đó đi làm, học nghề hay học tiếp đại học.

Trong thời đại AI, chuyển đổi số, kỹ năng nghề học hôm nay có thể lạc hậu ngày mai. Vì vậy, nền tảng THPT – nhất là kỹ năng học suốt đời – là rất quan trọng. Không thể coi trung học nghề là hướng nghiệp THPT – điều này sai bản chất.

Sửa luật để nâng tầm giáo dục nghề nghiệp

Với vai trò là chuyên gia soạn thảo Luật GDNN, ông có đề xuất gì cho lần sửa luật tới?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Cần sửa luật theo hướng xóa bỏ cấp – bậc trong hệ thống giáo dục, tạo điều kiện cho người học linh hoạt di chuyển giữa nhà trường và thị trường lao động.

Quan trọng nhất là luật hóa sự bình đẳng giữa THPT và trung học nghề, để học nghề không còn là lựa chọn thứ hai. Tên văn bằng nên thống nhất là “bằng trung học”, tích hợp cả môn văn hóa và kỹ năng nghề.

Đặc biệt, cần loại bỏ trình độ trung cấp khỏi hệ thống giáo dục quốc dân. Không nước nào còn để “trường trung cấp” trong hệ thống chính thống. Việc này sẽ làm hệ thống minh bạch, dễ hiểu, phù hợp thị trường.

Tóm lại, luật GD và Luật GDNN có cơ chế tạo nên hệ giáo dục mở, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người. Tránh áp đặt tỷ lệ phân luồng không phân biệt đối tượng học sinh kiểu hành chính như thời “bao cấp” là làm hỏng chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Cảm ơn ông!

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phan-luong-sau-thcs-huong-di-moi-hay-loi-re-cut-cua-hoc-sinh-post1759040.tpo