Pháp vạch 'lằn ranh đỏ' với Nga về cuộc xung đột ở Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu tuyên bố, việc phi quân sự hóa Ukraine và không cho phép nước này gia nhập NATO như Nga yêu cầu là 'lằn ranh đỏ' đối với châu Âu.
Trong cuộc phỏng vấn với tuần san Valeurs Actuelles, được công bố hôm 9/7, ông Lecornu cho rằng, châu Âu không thể để Ukraine vừa không có quân đội hoạt động đủ chức năng, vừa không được gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Lằn ranh đỏ tuyệt đối của chúng ta là phi quân sự hóa Ukraine. Chúng ta phải nhất quán. Không thể từ chối Ukraine gia nhập NATO, mà lại chấp nhận nước này không còn quân đội”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhấn mạnh.

Binh sĩ Ukraine. Ảnh: New York Times
Moscow lâu nay khẳng định, bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột ở Ukraine đều phải giải quyết toàn diện các mối lo ngại về an ninh của Nga. Giới chức Nga muốn Kiev thừa nhận thực tế lãnh thổ mới trên thực địa, chấp nhận quy chế trung lập, đảm bảo không phân biệt đối xử với người nói tiếng Nga cũng như thực hiện quá trình phi quân sự hóa và phi phát xít hóa. Song, cho đến nay, tất cả những yêu cầu này đều bị Kiev bác bỏ.
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022, chỉ vài tháng sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ. Mặc dù ban đầu các quốc gia phương Tây ủng hộ nỗ lực của Kiev, nhưng chưa có mốc thời gian cụ thể nào được ấn định về việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho những nỗ lực của Kiev cũng dần bị suy giảm do những thất bại quân sự liên tiếp và Mỹ thay đổi chính sách.
Hồi tháng 11/2024, Tổng thanh tra Lầu Năm Góc Robert Storch từng báo cáo, “tham nhũng tiếp tục làm phức tạp” những nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình với Moscow, cũng loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO.
Trong khi đó, Nga coi việc NATO mở rộng về phía đông là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, đồng thời khẳng định tham vọng của Ukraine gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới xung đột hiện nay. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh vào tháng 6 rằng, những lo ngại của Moscow đã liên tục bị phương Tây bỏ qua.
Cũng theo ông Putin, Ukraine từng đồng ý về các hạn chế quân sự trong những cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022, gồm cả hạn chế quân số và vũ khí, nhưng sau đó đã rút khỏi thỏa thuận để tìm kiếm chiến thắng quân sự với sự hậu thuẫn của phương Tây. Lãnh đạo Điện Kremlin nói thêm, thay vì giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình, Moscow hiện buộc phải thực hiện mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine bằng các biện pháp quân sự.