Phát hiện gần 500 trang web lừa đảo trong 1 tháng: Làm thế nào để nhận biết?
Phát hiện trang web lừa đảo bằng cách nào khi các giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến nên việc lọt thông tin cá nhân là điều thường xuyên xảy ra?
Trong bối cảnh việc mua sắm và thực hiện các giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến, việc trang bị kiến thức để nhận diện trang web lừa đảo là điều cần thiết để tránh mất tiền và lộ lọt thông tin cá nhân.
Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng năm 2024 do Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện vào tháng 12/2024, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo, thiệt hại ước tính trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng. Các hình thức phổ biến nhất gồm mời chào đầu tư giả mạo, giả danh cơ quan chính quyền ngân hàng, và thông báo trúng thưởng gây tò mò.
Một báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) thêm rằng chỉ trong khoảng tháng 12/2022 đến đầu năm 2023, đã phát hiện gần 500 trang web lừa đảo (tăng gấp 3,6 lần so với tháng trước). Đáng báo động hơn, tính đến tháng 1/2025, Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia đã đưa danh mục lên đến 125.600 website giả mạo, chỉ riêng trong tháng này phát hiện thêm 72 trang mới, phần lớn mạo danh các sàn thương mại điện tử, ngân hàng, ví điện tử và cơ quan nhà nước.
Phát hiện trang web lừa đảo bằng cách nào?
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi và phổ biến, không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính mà còn đe dọa danh tính cá nhân của người dùng, việc trang bị kỹ năng nhận diện và phòng tránh các trang web lừa đảo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa/Nguồn: Canva
Địa chỉ URL bất thường
Một trong những cách nhanh nhất để phát hiện trang web lừa đảo là kiểm tra kỹ địa chỉ URL. Dù đơn giản, thao tác này lại vô cùng quan trọng bởi tội phạm mạng thường lợi dụng sự bất cẩn hoặc thiếu chú ý của người dùng để cài bẫy.
Cụ thể, hãy quan sát kỹ từng ký tự trong đường dẫn. Kẻ gian thường sử dụng các chiêu đánh lừa thị giác bằng cách thay thế một số chữ cái quen thuộc bằng ký tự tương tự, chẳng hạn như dùng số “0” thay cho chữ “o” trong “g00gle.com” hoặc thêm đuôi “.com.com” như trong “binance.com.com” để gây nhầm lẫn với trang chính thức.
Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn tạo các tên miền phụ (subdomain) nhìn qua tưởng chừng hợp pháp, chẳng hạn như “paypal.support.com”. Dù có chứa từ “paypal” nhưng trang này thực chất không liên quan gì đến trang chính thức là paypal.com.
Bên cạnh đó, một trong những đặc điểm dễ nhận biết của các website lừa đảo là địa chỉ thiếu bảo mật, cụ thể là không có tiền tố “https://” hoặc biểu tượng ổ khóa ở góc thanh địa chỉ. Một URL hợp pháp và an toàn luôn phải bắt đầu bằng https (trong đó “s” là viết tắt của “secure” – an toàn).
Ngoài ra, nếu địa chỉ trang web có cấu trúc lộn xộn, chứa nhiều ký tự lạ hoặc không liên quan đến thương hiệu mà người dùng đang tìm kiếm, hãy tạm ngừng thao tác và kiểm tra lại thông tin qua trang chính thức hoặc công cụ tra cứu tên miền. Đây là một bước nhỏ nhưng có thể giúp tránh được hậu quả nghiêm trọng như mất tiền, rò rỉ tài khoản cá nhân hay thông tin thẻ ngân hàng.
Tên miền "non trẻ"
Hầu hết các trang web lừa đảo đều có vòng đời rất ngắn. Chúng được tạo ra để phục vụ một chiến dịch đánh cắp thông tin cụ thể, sau đó nhanh chóng bị gỡ bỏ hoặc thay đổi địa chỉ nhằm tránh sự truy vết của cơ quan chức năng. Do đó, những tên miền vừa mới được đăng ký, không có lịch sử hoạt động rõ ràng, thường là "tín hiệu đỏ" mà người dùng cần đặc biệt cảnh giác.
Ngược lại, các doanh nghiệp và tổ chức uy tín thường sở hữu tên miền đã hoạt động trong thời gian dài, được duy trì liên tục và có đầy đủ thông tin xác thực.
Để kiểm tra tuổi đời tên miền, người dùng có thể sử dụng các công cụ miễn phí như who.is hoặc DomainTools. Những công cụ này cho phép người dùng xem ngày đăng ký, ngày cập nhật gần nhất và thông tin đơn vị sở hữu. Nếu một website giả danh ngân hàng hoặc thương hiệu lớn nhưng tên miền chỉ mới đăng ký vài tuần gần đây thì gần như chắc chắn đó là trang web lừa đảo.
Bên cạnh đó, người dùng cũng nên chú ý đến thông tin ẩn danh (private registration). Nếu toàn bộ dữ liệu tên miền bị giấu, không có địa chỉ công ty hay người chịu trách nhiệm rõ ràng thì càng cần phải dè chừng.

Ảnh minh họa/Nguồn: Canva
Ngôn ngữ cẩu thả, giao diện kém đầu tư, thiếu thông tin liên hệ
Các trang web chính thống thường được chăm chút kỹ lưỡng cả về nội dung lẫn giao diện để tạo trải nghiệm chuyên nghiệp cho người dùng. Ngược lại, website giả mạo thường sử dụng mẫu miễn phí, thiết kế sơ sài, lỗi font chữ hoặc chứa nhiều câu văn rập khuôn, sai chính tả, ngữ pháp vụng về.
Ngoài ra, các trang web hợp pháp thường cung cấp thông tin minh bạch như địa chỉ thực tế, số điện thoại hoạt động, email chuyên nghiệp, thậm chí là danh sách trên Google Maps hoặc các mạng xã hội. Do đó, nếu thiếu những thông tin này, nhiều khả năng đây là trang web lừa đảo.
Nếu thấy trang web có dấu hiệu thiếu tin cậy như vậy, tuyệt đối không nhập bất kỳ thông tin cá nhân nào và nên thoát khỏi trang ngay lập tức.
Giá “siêu hời” – chiêu trò kinh điển của website lừa đảo
Một trong những chiêu dụ người dùng phổ biến là rao bán hàng hiệu, đặc biệt là điện thoại, đồng hồ, tai nghe... với mức giá rẻ không tưởng như giảm tới 80-90%, thậm chí chỉ vài triệu đồng cho các mẫu smartphone cao cấp. Kèm theo đó là những “chiêu tâm lý” như đồng hồ đếm ngược hay thông báo ảo kiểu “vừa có người đặt hàng thành công”.
Thực tế, người mua có thể rơi vào cảnh nhận hàng nhái, hàng lỗi hoặc mất trắng tiền và thông tin cá nhân. Để tránh bẫy, hãy so sánh giá với website chính hãng hoặc các sàn thương mại điện tử uy tín. Nếu mức giá quá chênh lệch so với thị trường, rất có thể đó là một cái bẫy được giăng sẵn.
Ngoài ra, người dùng có thể nhận biết mức độ uy tín của các website bán hàng thông quá phần đánh giá. Nếu có nhiều đánh giá trùng lặp nội dung, tất cả đều là 5 sao hay chỉ toàn lời khen kiểu “dịch vụ tốt nhất từng thấy” thì có thể đây là trang web lừa đảo.
Bên cạnh đó, người dùng cũng nên tìm kiếm thêm tên website kèm từ khóa “lừa đảo”, “review” hoặc “đánh giá” trên Google, Reddit, Trustpilot để xem phản hồi từ cộng đồng.
Trang bị "lá chắn" bảo vệ khi trực tuyến
Để đảm bảo an toàn khi truy cập internet, người dùng nên kiểm tra kỹ địa chỉ URL trước khi truy cập, tránh nhấp vào các liên kết có tên miền lạ hoặc sai chính tả. Việc sử dụng phần mềm diệt virus và cập nhật hệ điều hành, ứng dụng thường xuyên cũng rất quan trọng để ngăn ngừa mã độc. Hãy đặt mật khẩu mạnh, không trùng lặp, tránh dùng thông tin cá nhân dễ đoán. Chỉ chia sẻ dữ liệu nhạy cảm trên các website uy tín, có biểu tượng ổ khóa bảo mật (https). Ngoài ra, cần cảnh giác với email, tin nhắn lạ và chủ động sao lưu dữ liệu định kỳ để phòng trường hợp mất mát.