Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đền Đồng Cổ
Năm 2024, Lễ hội Đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ trở thành lễ hội thứ hai của huyện Yên Định được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trước đó là lễ hội Trò Chiềng, xã Yên Ninh. Đây là cơ sở để Nhân dân trong huyện tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch.

Nghi thức rước kiệu vào Đền Đồng Cổ.
Lễ hội tổ chức từ ngày 13 đến 15/3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao to lớn của Thần Đồng Cổ đã có công giúp nhiều đời vua và Nhân dân đánh thắng giặc ngoại xâm, diệt trừ phản loạn.
Năm nay UBND huyện Yên Định, Ban Tổ chức Lễ hội Đền Đồng Cổ đang chỉ đạo Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện là cơ quan thường trực phối hợp với các phòng, địa phương liên quan chuẩn bị các điều kiện để tổ chức lễ hội đạt hiệu quả.
Từ thời Hùng Vương đến Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, thần Đồng Cổ nhiều lần hiển linh báo mộng, phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm. Đặc biệt, vào thời nhà Lý, thần Đồng Cổ đã hai lần giúp vua, cứu nước. Khi vua Lý Thái Tông lên ngôi (năm 1028) đã phong tước vương cho thần Đồng Cổ.
Tại xã Yên Thọ các thành viên trong đội văn nghệ quần chúng đang hăng say luyện tập để tham gia chuỗi hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Mọi người cùng nhau góp sức, chung tay làm hai cây hoa thủy bào tượng trưng cho những tấm áo giáp bảo vệ Thần Đồng Cổ.
Theo chia sẻ của các bậc cao niên trong làng, vật liệu để làm kiệu, cây hoa phải là những thân tre có ngọn, óng dài, đều, không sâu, thẳng; thân tre chắc chắn dùng làm kiệu, còn loại thân tre dẻo hơn chẻ ra luộc với muối, phơi khô rất kỳ công làm những nhành hoa, cắt giấy hoa gắn thành 2 cây thủy bào. Tất cả các công đoạn chia đều cho các thành viên trong làng làm với tinh thần nhiệt huyết và lòng thành tâm hướng về lễ hội.
Trải qua hàng nghìn năm, Đền Đồng Cổ và Lễ hội Đền Đồng Cổ vẫn luôn được gìn giữ, trở thành minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc trên mảnh đất xứ Thanh. Năm 2001 Đền Đồng Cổ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Đội bát âm làng Đan Nê luyện tập phục vụ lễ hội.
Ở tuổi cao niên, nhưng các cụ ở làng Đan Nê vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Ông Phạm Doãn Hoàn (Đội bát âm) cho biết: Tôi cùng 7 thành viên đã luyện tập thường xuyên nhiều ngày nay với mong muốn lễ hội thành công tốt đẹp, để lễ hội sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của không chỉ con em địa phương, con em xa quê mà còn cả du khách thập phương về với lễ hội.
Tham gia lễ hội có các đội tế lễ, đội làm hoa, khiêng kiệu... Trong trí nhớ của các bậc cao niên và cuốn cẩm nang của làng, tế lễ được xem là linh hồn của lễ hội. Ông Hà Văn Thanh có hơn 20 năm tham gia đội tế, chia sẻ: Đội luyện tập rất tích cực. Từng nghi thức tế phải khớp với đội bát âm; trang phục, đi đứng phải đúng từng chi tiết nhỏ. Đọc văn tế rõ ràng, âm điệu hùng hồn... Những việc đó tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi sự kỹ lưỡng nên các thành viên đều tập trung cao độ để luyện tập và góp ý, động viên nhau.
Lễ hội Đền Đồng Cổ diễn ra hàng năm nhằm thể hiện sự tôn kính của người dân xứ Thanh với Thần Đồng Cổ hiển linh giúp nhiều đời vua, giúp Nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm và tưởng nhớ vua Hùng, vua Lý, các triều đại đã có công tạo miếu, lập đền.
Ngày 15/3 âm lịch là ngày chính của lễ hội với hai phần. Phần lễ: dân làng rước kiệu từ Đền Đồng Cổ về Đình Phúc, tế lễ xin linh khí thần Đồng Cổ và rước kiệu từ Đình Phúc về Đền Đồng Cổ, dâng hương. Vật phẩm dâng lên thần Đồng Cổ gồm có hoa quả, gà xôi và những tờ giấy bạc... Phần hội với các trò chơi dân gian như cờ người, bịt mắt bắt gà, chèo thuyền, giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao quần chúng. Ngoài ra, UBND huyện còn tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện, sản phẩm được công nhận OCOP...

Du khách trải nghiệm du thuyền trên hồ bán nguyệt tại Di tích Núi và Đền Đồng cổ
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định Lê Xuân Thành cho biết: Năm nay lễ hội tổ chức quy mô cấp huyện. UBND huyện và xã Yên Thọ đang hoàn thiện các nội dung chương trình, kịch bản để lễ hội diễn ra thành công.