Phát huy giá trị nghề, làng nghề truyền thống

Trong những năm gần đây, tỉnh Điện Biên tích cực triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các nghề truyền thống. Qua đó, quảng bá hình ảnh và nét đẹp văn hóa các dân tộc qua các sản phẩm độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Đa dạng nghề truyền thống

Theo thống kê, tỉnh Điện Biên hiện có 44 nghề và làng nghề, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Dệt thổ cẩm, mây tre đan và sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản. Tuy nhiên, phần lớn các làng nghề quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu theo mô hình hộ gia đình, thiếu sự liên kết giữa các nhóm hộ, dẫn đến khó khăn trong việc phát triển bền vững và mở rộng quy mô.

Sản phẩm nghề truyền thống làm giày và trang phục người Xạ Phang, thôn Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa).

Sản phẩm nghề truyền thống làm giày và trang phục người Xạ Phang, thôn Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa).

Nhằm khôi phục và thúc đẩy sự phát triển của các nghề và làng nghề truyền thống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tập trung bảo tồn, mở rộng quy mô và đa dạng hóa sản phẩm của các làng nghề hiện có, kết hợp phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; chú trọng tôn vinh, công nhận nghề, làng nghề truyền thống và các nghệ nhân.

Từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã công nhận nhiều nghề, làng nghề truyền thống, đồng thời ban hành những chính sách hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống phát triển. Mới đấy nhất, ngày 1/12, UBND tỉnh đã công nhận thêm 4 nghề truyền thống tại huyện Tủa Chùa gồm: Làm giày và trang phục người Xạ Phang tại thôn Tả Sìn Thàng (xã Tả Sìn Thàng); chế tác khèn Mông tại thôn Sông Ún (xã Mường Báng); thêu ren, dệt thổ cẩm dân tộc Mông tại thôn Tà Là Cáo và rèn dao, nông cụ dân tộc Mông tại thôn Dê Dàng (xã Sính Phình).

Nghề rèn dao và nông cụ của người Mông tại thôn Dê Dàng (xã Sính Phình) lưu truyền qua nhiều thế hệ, được UBND tỉnh công nhận nghề truyền thống.

Nghề rèn dao và nông cụ của người Mông tại thôn Dê Dàng (xã Sính Phình) lưu truyền qua nhiều thế hệ, được UBND tỉnh công nhận nghề truyền thống.

Nghề rèn dao và nông cụ của người Mông tại thôn Dê Dàng (xã Sính Phình) được lưu truyền qua nhiều thế hệ và phát triển đến ngày nay. Đây là nghề thủ công mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông, tạo ra nông cụ phục vụ đời sống hàng ngày như: Cuốc, xẻng và đặc biệt là dao - vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân tộc Mông.

Ông Cứ A Khua (sinh năm 1962), nghệ nhân ở thôn Dê Dàng chia sẻ: “Tôi được bố tôi truyền dạy nghề rèn sắt làm nông cụ từ khi còn nhỏ. Bố chỉ cho tôi từng bước, từ cách chọn phôi thép, nung thép đến cách tôi thép để tạo ra những sản phẩm bền đẹp nhất”.

Các lò rèn ở thôn Dê Dàng luôn đỏ lửa để tạo ra nhiều sản phẩm, công cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người Mông Tủa Chùa.

Các lò rèn ở thôn Dê Dàng luôn đỏ lửa để tạo ra nhiều sản phẩm, công cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người Mông Tủa Chùa.

Từ bao đời nay, phụ nữ dân tộc Xạ Phang tại thôn Tả Sìn Thàng (xã Tả Sìn Thàng) vẫn gìn giữ truyền thống tự tay may, thêu trang phục và giày cho thành viên trong gia đình. Từ khi 8-10 tuổi, các bé gái người Xạ Phang đã được mẹ và bà tận tình truyền dạy cách cầm kim, tỉ mỉ từng đường thêu.

Theo truyền thống, sự đảm đang và khéo léo của người phụ nữ Xạ Phang được đánh giá qua những sản phẩm giày và trang phục mà họ tạo ra. Đây không chỉ là minh chứng cho tài năng mà còn là hành trang quan trọng để mỗi cô gái mang theo khi về nhà chồng. Chính vì vậy, phụ nữ Xạ Phang nổi tiếng với tay nghề tinh xảo trong thêu thùa, may giày và trang phục truyền thống.

Phụ nữ Xạ Phang thôn Tả Sìn Thàng (xã Tả Sìn Thàng) tự may trang phục, giày cho các thành viên trong gia đình.

Phụ nữ Xạ Phang thôn Tả Sìn Thàng (xã Tả Sìn Thàng) tự may trang phục, giày cho các thành viên trong gia đình.

Chị Hoàng Vu Sến, nghệ nhân ở thôn Tả Sìn Thàng chia sẻ: “Giày và trang phục là hai sản phẩm đặc trưng của phụ nữ Xạ Phang. Để hoàn thành một đôi giày, các chị em cần từ 20-30 ngày, còn một bộ quần áo cần khoảng 4-5 ngày”.

Phát triển gắn với du lịch

Tại các hội nghị công nhận nghề và làng nghề truyền thống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa đặc sắc thông qua nghề truyền thống. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần rà soát, nghiên cứu và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân phát triển nghề truyền thống. Hàng năm, cần tổ chức đánh giá hoạt động của các nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn. Chính quyền cấp huyện phải phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển nghề và làng nghề truyền thống gắn với du lịch.

Khách du lịch tìm hiểu về các sản phẩm giày, trang phục của người Xạ Phang, thôn Tả Sìn Thàng.

Khách du lịch tìm hiểu về các sản phẩm giày, trang phục của người Xạ Phang, thôn Tả Sìn Thàng.

Năm 2023, bản Pa Xa Lào (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của dân tộc Lào. Từ khi được công nhận, sản phẩm thổ cẩm nơi đây liên tục xuất hiện tại các hội chợ xúc tiến thương mại và du lịch của tỉnh Điện Biên, tạo dấu ấn đặc biệt với người tiêu dùng. Ngoài sản phẩm truyền thống váy, áo, dân bản đã mở rộng sản xuất các mặt hàng như: túi đeo, khăn và quà lưu niệm. Những sản phẩm này rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong các sự kiện lớn như Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa.

Nghệ nhân bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm dệt thổ cẩm.

Nghệ nhân bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm dệt thổ cẩm.

Bà Lò Thị Vân, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm bản Pa Xa Lào chia sẻ: Trong sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 12/2023, hợp tác xã đã mang đến nhiều sản phẩm thổ cẩm thu hút sự quan tâm lớn từ người dân miền Nam. Đặc biệt, sự kiện này đã mở ra cơ hội hợp tác quốc tế khi hợp tác xã kết nối thành công với một đối tác tại Pháp, nhận đơn đặt hàng lên đến 1.000 sản phẩm các loại.

Còn sản phẩm giày và trang phục của người Xạ Phang, thường xuyên được UBND huyện Tủa Chùa giới thiệu tại các sự kiện du lịch của tỉnh và huyện. Nhờ đó, người dân thôn Tả Sìn Thàng đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Thông qua hoạt động du lịch, sản phẩm được tiêu thụ, giúp chị em có thể sống với nghề, đồng thời tạo động lực để không ngừng rèn luyện kỹ năng, sáng tạo ra những sản phẩm ngày càng đặc sắc, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Phụ nữ người Xạ Phang cùng sản phẩm giày và trang phục truyền thống.

Phụ nữ người Xạ Phang cùng sản phẩm giày và trang phục truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: “Song song với việc quảng bá các sản phẩm nghề truyền thống ra ngoài tỉnh, thời gian tới Sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các làng nghề để kết nối các điểm du lịch, xây dựng các tour tuyến. Qua đó, không chỉ đưa khách du lịch đến gần hơn với các sản phẩm truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nghề, làng nghề”.

Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/phat-huy-gia-tri-nghe-lang-nghe-truyen-thong