Phát triển doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học: Nút thắt từ hệ thống pháp luật

Thành lập và phát triển doanh nghiệp trong các trường đại học sẽ làm thay đổi cơ cấu tổ chức và phong cách làm việc. Tuy nhiên, mô hình này phát triển rất chậm, chưa phổ biến, thậm chí trong quá trình thành lập và hoạt động còn tồn tại một số vướng mắc về cơ chế, khó thực hiện.

Ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định số 109/2022/NĐCP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học (ĐH).

Ảnh:VNU

Ảnh:VNU

Nghị định nêu rõ, cơ sở giáo dục ĐH được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục ĐH.

PGS.TS Đinh Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định doanh nghiệp trong các trường ĐH có lợi thế lớn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và xã hội, giữa các giảng viên - nhà khoa học với thị trường và yêu cầu của các bên liên quan, trong đó có các nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Hơn nữa, hình thành doanh nghiệp và phát triển các hoạt động có tính kinh doanh hiện nay phù hợp với xu thế tự chủ và đổi mới mô hình trong các cơ sở giáo dục ĐH theo hướng hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu các bên liên quan; đa dạng hóa nguồn lực để các cơ sở này, nhất là các trường công lập, phát triển bền vững.

Ông Toàn chia sẻ theo số liệu thống kê từ các các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay cho thấy, nguồn thu chủ yếu vẫn từ học phí và lệ phí liên quan đến người học (trên 85%), trong khi nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học chưa đáng kể.

Chồng chéo các quy định

Tuy nhiên, theo PGS Đinh Văn Toàn việc triển khai mô hình doanh nghiệp trong trường ĐH gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó những khó khăn khách quan bên ngoài cơ sở giáo dục ĐH vẫn là cơ bản và cần được nhắc đến.

Đó là hệ thống luật pháp có những điểm khó trong việc hình thành các doanh nghiệp có xuất phát hoặc liên quan đến kết quả nghiên cứu khoa học, ý tưởng kinh doanh. Cụ thể, Luật Cán bộ công chức; Luật Viên chức và Luật Phòng, chống tham nhũng không cho phép công chức và viên chức trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập thành lập, tham gia quản lý, điều hành các loại doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã (trừ doanh nghiệp nhà nước như đề cập ở trên).

Do vậy, các giảng viên, nhà khoa học có năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (phần lớn là viên chức có trình độ và học vị cao) nếu có các kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng cũng không thể đứng ra quản lý doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư hoặc triển khai thương mại.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2019) chưa tạo cơ hội và động lực khai thác kết quả nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục ĐH và nhà khoa học đối với các nghiên cứu có kinh phí từ ngân sách hỗ trợ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) cho phép đại diện chủ sở hữu Nhà nước có quyền xem xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách Nhà nước, tuy nhiên chưa khả thi trong thực tiễn do nhiều thủ tục không cần thiết.

Ngay cả Nghị định 109/2022/NĐCP ngày 30/12/2022 cho phép cơ sở giáo dục ĐH góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc ngân sách Nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý sử dụng để liên doanh, liên kết… nhưng trong thực tế chưa thể thực hiện khi chưa có các cơ chế cụ thể định giá và triển khai về phương diện tài chính, tài sản.

Các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ) chưa thực sự coi các cơ sở giáo dục ĐH như một tổ chức khoa học công nghệ thực thụ trong thực tiễn; quy định về nhóm nghiên cứu mạnh trong Nghị định số 109/2022/NĐ-CP còn cứng nhắc.

Một vấn đề nữa được ông Toàn nêu ra đó là cơ chế quản lý về tài chính và tài sản của các bộ, địa phương chưa tháo gỡ được các vướng mắc trong việc góp vốn thành lập doanh nghiệp và khai thác hiệu quả hoạt động kinh doanh trong các cơ sở giáo dục ĐH.

Thị trường công nghệ, thị trường vốn, thị trường lao động chưa phát triển đầy đủ làm cho hoạt động của các doanh nghiệp trong trường ĐH càng khó khăn trong giai đoạn mới thành lập.

Còn xét về nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ sở giáo dục ĐH và viên chức, PGS Đinh Văn Toàn nêu một vài vấn đề như chính hệ thống luật pháp và các cơ chế quản lý chồng chéo, chưa tạo dựng được hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, tạo nên sức ì trong mỗi cá nhân, đơn vị - không dám đổi mới và không muốn trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh;

Bản thân các cơ sở giáo dục ĐH và các giảng viên chưa có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng cao có tính ứng dụng gắn sát với nhu cầu thị trường do một thời kỳ dài thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu được tài trợ từ ngân sách Nhà nước và phần lớn gắn với khoa học cơ bản; các cơ sở giáo dục ĐH và các viên chức, nhà khoa học, giảng viên và người học chưa được quan tâm phát triển năng lực khởi nghiệp và quản trị, điều hành doanh nghiệp.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phat-trien-doanh-nghiep-trong-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc-nut-that-tu-he-thong-phap-luat-post1530626.tpo