Phát triển du lịch gắn với văn hóa ẩm thực

Cùng với những di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, tỉnh Phú Thọ còn là điểm đến hấp dẫn du khách bởi nền văn hóa ẩm thực độc đáo. Đặc biệt, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm nay, nhiều hoạt động du lịch được gắn với văn hóa ẩm thực, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Xôi cọ. Ảnh: M.H.

Xôi cọ. Ảnh: M.H.

Đặc sản thịt chua

Theo bà Phạm Thị Hoàng Oanh - Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, văn hóa ẩm thực đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các dịch vụ du lịch để hình thành sản phẩm du lịch. Văn hóa ẩm thực đặc trưng của điểm đến sẽ góp phần thu hút thêm du khách, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân của khách, tăng doanh thu du lịch và tạo nguồn thu cho địa phương. “Với mục đích giới thiệu văn hóa truyền thống của vùng miền, chúng tôi đã xây dựng Tour du lịch đêm Đền Hùng để giới thiệu các món ăn đặc sản vùng Đất Tổ vào trong hành trình trải nghiệm của du khách. Sau khi tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp lung linh, huyền ảo, linh thiêng của Đền Hùng về đêm, du khách sẽ dừng chân ở khu vực ngã 5 Đền Giếng để tham quan, mua sắm và thưởng thức các món ăn: Bánh chưng, bánh giầy, thịt chua, chè lam... Chúng tôi hy vọng những món ăn ngon sẽ để lại ấn tượng trong lòng mỗi du khách, góp phần thu hút ngày càng đông khách tham quan, trải nghiệm, khám phá non thiêng Nghĩa Lĩnh về đêm” – bà Oanh chia sẻ.

Trong những món ăn mà bà Oanh vừa nhắc đến, có món thịt chua – một “đặc sản” được nhiều du khách thích thú, đồng thời cũng là món ăn xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng. Đây cũng là món ăn dược bày bán rất nhiều tại lễ hội Đền Hùng cũng như một số điểm du lịch của tỉnh Phú Thọ.

Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thịt chua Thanh Sơn Hà Thị Ngọc Điệp cho biết, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, mỗi ngày HTX chế biến 200-300kg thịt lợn tươi, cung cấp ra thị trường 1.300-1.800 sản phẩm/ngày với nhiều vị truyền thống: Tỏi ớt, giềng, nem sợi, thịt chua ống nứa. Ngay từ khâu lựa chọn nguồn thịt lợn, HTX đã chọn đơn vị cung cấp sao cho đảm bảo chất lượng. Từ khâu chăn nuôi đến khâu giết mổ, thịt lợn luôn tươi sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi tiếp nhận thịt tươi từ xe bảo quản chuyên dụng, các thành viên của HTX bắt tay ngay vào chế biến theo quy trình khép kín, nghiêm ngặt.

Thịt chua chính là minh chứng cho sự sáng tạo độc đáo, thông minh của người Mường vùng đất Thanh Sơn. Cái nôi ra đời món thịt chua mà ngày nay đã trở thành đặc sản nức tiếng ba miền. Theo những người cao tuổi ở xứ Mường nơi đây, khi xưa, mảnh đất này có nhiều lợn rừng, lợn đen ngon. Với mong muốn bảo quản thịt để ăn lâu dài, người dân đã nghĩ ra cách ướp thịt với muối cùng với một chút thính ngô tự giã. Thịt lúc đó được cắt thành những miếng to để trong chum, vại, ống nứa. Món thịt chua đã bắt nguồn từ đó. Về sau, trong quá trình chế biến, người dân đã tẩm ướp thêm nhiều gia vị khác và dần hình thành món thịt chua đặc sản như ngày nay.

Thịt chua Phú Thọ. Ảnh: M.H.

Thịt chua Phú Thọ. Ảnh: M.H.

Những món ăn từ... cọ

Không chỉ thịt chua Thanh Sơn mà bưởi Đoan Hùng, bánh giầy Lang Liêu, cá thính Tử Đà, chè búp tím Thanh Ba, rau sắn muối chua... cũng đều là những sản vật hấp dẫn du khách khi đến Phú Thọ. Nhiều sản phẩm OCOP gắn liền với ẩm thực địa phương đã được xây dựng và quảng bá rộng rãi, thu hút sự quan tâm của du khách.

Nhưng nhắc đến ẩm thực vùng Đất Tổ cũng không nên bỏ qua những món ăn từ cọ. Phú Thọ là vùng đất nổi tiếng với cây cọ. Chính bởi vậy, nhiều món ăn được bà con chế biến từ nguyên liệu chính khai thác từ cây cọ. Bên cạnh cơm nắm lá cọ còn có xôi cọ, tằm cọ... Trong đó, huyện Phù Ninh là nơi có nhiều đồi cọ nổi tiếng. Phù Ninh là huyện nằm ở phía đông bắc tỉnh Phú Thọ. Từ mảnh đất này, thương hiệu cơm nắm lạ cọ đã đi xa, khiến nhiều người nhớ đến.

Cơm nắm vốn là thức ăn không cầu kì, hoa mĩ thường được bà con miền xuôi lẫn miền ngược mang đi trong những chuyến đi rừng, đi rẫy, ra đồng xa cấy lúa… Ở mỗi vùng, cơm nắm lại được bà con chế biến khác nhau. Với người Phù Ninh, cơm nắm được gói trong lá cọ chặt ở vườn nhà, đồi nhà; chứa đựng tất cả nét văn hóa, cả phong tục tập quán của miền đất cọ này.

Nguyên liệu quan trọng để làm món này gồm có cơm và lá cọ. Cơm muốn ngon thì phải dùng gạo đầu mùa vừa được thu hoạch thì cơm mới dẻo. Ngoài ra, để có được mẻ cơm trắng, những nắm cơm vừa dẻo, ăn ngọt và thơm, người Phù Ninh còn có bí quyết trong việc chế nước nấu cơm. Lượng nước nấu phải nhiều hơn so với nấu cơm ăn hằng ngày, đặc biệt phải dùng nước mưa đựng trong những chiếc bể cũ ngoài trời mới ngon. Còn lá cọ thì phải lấy những tàu lá cọ vẫn còn bánh tẻ. Đó là những tàu lá cọ còn chưa xòe hết tán, xanh mướt. Tiếp đó, lá cọ đem về được vệ sinh sạch sẽ, hơ qua lửa cho mềm, rồi lại lau sạch để nắm cơm.

Bên cạnh cơm nắm lá cọ, còn có món xôi cọ. Cũng là một món ăn dân dã, nhưng bà con người Tày tại xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy) lại như thổi hồn vào món ăn này, để món ăn bình dị cất lên hương vị độc đáo. Để có được món xôi cọ ngon miệng, nguyên liệu cần phải có là gạo nếp nương và cọ ỏm. Người ta thường chọn các quả cọ nếp có vị béo và ngậy. (Cọ tẻ cũng có thể làm được xôi nhưng thường không ngậy và dẻo). Sau khi ỏm xong, cọ được tách ra lấy phần thịt màu vàng để nấu xôi.

Gạo nếp dùng để nấu cũng phải được chọn kỹ càng thì xôi mới dẻo, thơm, hạt bóng mẩy. Gạo được ngâm nước qua đêm sau đó vo sạch, sau đó đồ chín trong chõ gỗ thành xôi. Xôi chín, người ta lấy thịt cọ trộn đều với xôi.

Thao tác trộn xôi phải thật nhuyễn, đều tay, càng trộn nhuyễn càng ngon, từ màu xôi trắng phải chuyển sang màu vàng óng của thịt cọ. Tinh dầu cọ ngấm vào xôi tạo thành một màu rất đẹp, hương thơm của gạo nếp và cọ tỏa mùi thơm nức. Nhiều người còn trộn thêm hành mỡ đã phi vào khiến cho món xôi cọ càng thêm phần quyến rũ.

Xôi cọ được thưởng thức với muối vừng, ban đầu bạn sẽ cảm nhận một chút vị chát, đắng nhưng càng ăn càng thấy hương vị riêng biệt này thật quyến luyến, không lẫn với bất kỳ loại xôi nào.

Nếu như xôi cọ là món ẩm thực vương vấn hương đồi, hương rừng thì món tằm cọ lại hấp dẫn người thưởng thức bởi chất men say đậm đà của hương rừng, hương đất. Đây là một trong những đặc sản nức tiếng của vùng đất Tổ. Thậm chí, những tín đồ ẩm thực còn cho rằng, rất hiếm khi bạn có cơ hội được thưởng thức món ăn này. Bởi vì để có món tằm cọ phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ khi bắt đầu nuôi tằm béo ngậy cho tới khi chế biến. Thành phẩm khi hoàn thành phải có màu đẹp mắt, hương thơm đậm đà hương vị của núi rừng, khiến du khách thưởng thức dù chỉ một lần cũng nhớ mãi không quên.

Để có được món tằm cọ ngon thì trước đó người ta phải lên đồi chặt một cây cọ, rồi khéo léo thả vào thân cọ 20 đến 30 con tằm. Trong 1 tuần những con tằm đang độ ngon nhất sẽ được ăn nõn cọ trở nên béo mập, lớp da chuyển sang màu vàng trắng, con nào con nấy thân mình tròn mẩy thì mới đạt chuẩn về nguyên liệu.

Tiếp đến, bà con lấy những con tằm ra khỏi thân cọ và thả vào bát giấm thanh pha loãng để tằm thật sạch. Trong lúc đợi tằm nhả bớt những chất bẩn trong thân mình, người ta chuẩn bị muối ớt, hạt tiêu, chút muối, mì chính trộn thật đều tay làm gia vị chấm.

Cùng với đó, một lò đất nung chứa than hoa được đốt từ thân cây cọ già cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Mọi thứ xong đâu đấy, người dân vùng trung du mới dùng những chiếc xiên cọ được chẻ nhỏ, vót đều từ cuống cọ tươi từ từ xiên nhẹ dọc theo thân tằm và đặt trên than hoa để nướng.

Để du lịch phát triển, ẩm thực đặc trưng gắn với từng vùng đất là yếu tố làm nên nét riêng biệt, hấp dẫn du khách. Tất nhiên, ẩm thực hiện nay không chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu thiết yếu, đối với khách du lịch, trải nghiệm ẩm thực còn là trải nghiệm đời sống văn hóa, phong tục tại mỗi nơi họ đặt chân đến. Chỉ riêng trong cách chế biến hay cách thưởng thức, không gian trải nghiệm đã tạo nên hương vị khác nhau. Các món ăn đặc trưng vùng Đất Tổ vừa đa dạng, đặc sắc lại được chế biến công phu chắc chẳn sẽ góp phần thúc đẩy du lịch Phú Thọ vươn mình bứt phá…

Thùy Dung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-trien-du-lich-gan-voi-van-hoa-am-thuc-10303176.html