Phát triển giống lúa nếp đặc sản ở khu vực đồng bằng, miền núi thấp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang trồng các giống lúa nếp chủ yếu thuộc nhóm lúa đặc sản bản địa như nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, nếp cẩm, nếp Cay Nọi; giống lúa chất lượng cao như nếp Cô Tiên, nếp Nhung, nếp A Sào; giống nếp chế biến như N97, nếp ĐT52, nếp Hương và các giống nếp nương như nếp cẩm lõi đen, Kháu phào, Kháu mắc khẻn, Kháu pé lẹng... Tùy thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mỗi địa phương đã và đang gieo trồng các giống lúa nếp đặc sản bản địa, lúa nếp chất lượng cao đem đến sự độc đáo, đa dạng cho gạo nếp xứ Thanh.

Gạo nếp hạt cau Mường Đủ (Thạch Bình, Thạch Thành) được bà con dân tộc Mường chế biến thành món xôi ngũ sắc đẹp mắt, dẻo thơm.

Gạo nếp hạt cau Mường Đủ (Thạch Bình, Thạch Thành) được bà con dân tộc Mường chế biến thành món xôi ngũ sắc đẹp mắt, dẻo thơm.

Giữ gìn các giống lúa nếp bản địa

Nếu như khu vực miền núi cao, các giống lúa bản địa như nếp Cay Nọi phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, phong tục tập quán canh tác của đồng bào vùng cao, thì ở các huyện miền núi thấp, vùng đồng bằng lại ưu tiên cho các giống lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng và giống lúa nếp chất lượng cao.

Theo tìm hiểu, ở một số vùng trên địa bàn các huyện Thạch Thành, Hà Trung, Yên Định, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy... đã và đang phát triển giống lúa nếp hạt cau, là đặc sản địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng. Tại vùng đất Mường Đủ (nay là xã Thạch Bình), nằm ở hạ lưu sông Bưởi – bà con Nhân dân nơi đây đã và đang giữ gìn giống lúa nếp hạt cau truyền thống, có diện tích trồng nhiều nhất của huyện Thạch Thành. Nếp hạt cau là đặc sản của địa phương, đã có từ lâu đời, thể hiện đặc trưng, lợi thế vùng miền riêng biệt gắn liền với sự hình thành và phát triển của bà con Mường Đủ, Mường Già, sự hình thành của đình Tam Thánh, đền Mẫu, sự tích Nàng Nga - Hai Mối của xã Thạch Bình.

Ông Nguyễn Đình Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình, cho biết: Cây lúa nếp hạt cau Mường Đủ canh tác một vụ trong một năm và được bà con xã Thạch Bình trồng theo phương thức canh tác truyền thống. Nhờ có lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng với sự cần mẫn chăm sóc của người dân địa phương, nên cây lúa nếp hạt cau Mường Đủ sinh trưởng, phát triển và cho giá trị kinh tế cao. Gạo nếp hạt cau Mường Đủ mang những đặc trưng riêng, hạt to, mẩy, tròn, màu trắng đục. Do được giám sát kỹ thuật chặt chẽ ở hầu hết các khâu gieo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên lúa nếp hạt cau Thạch Bình ít sâu bệnh, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ trọn hương vị tự nhiên của hạt gạo. Năm 2023, diện tích gieo trồng lúa nếp hạt cau là 221ha, năng suất đạt 55 tạ/ha. Vụ thu mùa 2024, xã Thạch Bình mở rộng diện tích gieo trồng lên gần 300ha lúa nếp hạt cau. Đầu tháng 6, bà con Thạch Bình đang tiến hành gieo, cấy và thu hoạch vào tháng 10 âm lịch.

Hiện nay, Thạch Thành đang phát triển cây lúa nếp hạt cau ở các xã Thạch Bình, Thạch Đồng, Thành Minh, tổng diện tích gần 400ha. Gạo nếp hạt cau Phú Quý (HTX dịch vụ kinh doanh nông nghiệp Thạch Đồng) và gạo nếp hạt cau Mường Đủ (HTX nông sản xã Thạch Bình) đã được công nhận sản phẩm OCOP. Ngoài giống lúa nếp địa phương, Thạch Thành trồng giống lúa nếp hương và liên kết với một số công ty trong và ngoài huyện bao tiêu sản phẩm.

Ở xã Yên Trường, huyện Yên Định, địa phương đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ, đưa các loại cây trồng có hiệu quả cao vào sản xuất. Đảng ủy, UBND xã, các HTX luôn tạo điều kiện cho các hộ tích tụ đất đai để phát triển các mô hình kinh tế; duy trì, phát triển dự án sản xuất mạ khay - cấy máy; dự án cơ giới hóa đồng bộ khâu thu hoạch lúa. Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn như mô hình sản xuất lúa nếp hạt cau tập trung tại tất cả các thôn trên địa bàn xã đang được thúc đẩy, mở rộng quy mô diện tích trong các năm tiếp theo. Từ năm 2022, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Yên Trường mở rộng mô hình bao tiêu sản phẩm lúa nếp hạt cau và đã được công nhận sản phẩm OCOP; hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Tân Tiến thực hiện mô hình sản xuất lúa nếp hương với diện tích 250ha.

Tạo liên kết bền vững để phát triển

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa nếp. Năm 2023, tổng diện tích lúa nếp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm là 1.450ha, sản lượng 7.023 tấn; năm 2024 dự kiến tổng diện tích lúa nếp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm là 3.000ha, sản lượng 15.000 tấn. Các doanh nghiệp có diện tích lúa nếp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lớn như Công ty TNHH Cúc Phương Ninh Bình, Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng, Công ty TNHH An Thành Phong, Công ty CP Thương mại Sao Khuê... Các doanh nghiệp liên kết với các HTX dịch vụ nông nghiệp, các vùng nguyên liệu để sản xuất và thu mua lúa nếp.

Tại huyện Hà Trung, những năm qua, địa phương đã phục tráng 2 giống lúa nếp truyền thống là nếp cái hoa vàng và nếp hạt cau trên địa bàn 2 xã Hà Long, Hà Lĩnh, mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế. Do đặc trưng về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu và sự chăm sóc của con người, giống lúa nếp cái hoa vàng, xã Hà Long và nếp hạt cau, xã Hà Lĩnh mang nét đặc trưng riêng, dẻo, thơm, ngon. Cùng với đó, thông qua HTX, công ty đã liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tạo nên sự ổn định đầu ra, yên tâm cho người dân.

Anh Trần Văn Hiển, đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long cho biết: Vùng Hà Long có nông hóa thổ nhưỡng riêng, thân đất cao hơn so vùng khác, xã khác trên địa bàn. Lúa nếp cái hoa vàng được cấy trên chân đất thịt nhẹ, gạo nếp có mùi thơm đặc trưng và có độ dẻo, thơm ngon. Cùng với đó, Hà Long có nguồn nước từ các khe suối rừng chảy ra 2 hồ Bến Quân và hồ Đồm Đồm, đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng. Cây lúa nếp cái hoa vàng được gieo mạ vào đầu tháng 5 âm lịch, thời vụ cấy vào đầu tháng 6 âm lịch và trổ vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch khi thời tiết, ngày nắng hanh, đêm sương lạnh. Lúa được thu hoạch vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch, Nhân dân có lệ tổ chức cơm mới và tiết trùng thập ngày 10/10 âm lịch hàng năm. UBND xã, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long quy hoạch vùng sản xuất trên 200ha, sản xuất theo Chương trình VietGAP. Nếp cái hoa vàng Gia Miêu ngoại trang đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Hoàng Việt Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết: Để tạo ra giống lúa nếp cái hoa vàng chất lượng, năm 2023, UBND xã giao HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long phối hợp với Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Trường Đại học Hồng Đức thí điểm nhân giống lúa nguyên chủng, tạo ra giống chất lượng, nâng cao năng suất nếp cái hoa vàng. Diện tích trồng thí điểm 0,4ha, năng suất đạt 3,2 tạ/sào (năng suất lúa bình thường đạt 2,5 - 2,6 tạ/sào). Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long phối hợp với Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng, Công ty CP Thương mại Sao Khuê bao tiêu sản phẩm cho bà con Nhân dân, đảm bảo sự liên kết ổn định từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vụ thu mùa 2024, Hà Long có 275ha đất trồng lúa, trong đó có 200ha trồng lúa nếp cái hoa vàng. Hà Long hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm “Nếp cái hoa vàng Gia Miêu ngoại trang” đạt OCOP 4 sao trở lên.

Bên cạnh giống lúa nếp cái hoa vàng truyền thống ở Hà Long, huyện Hà Trung cũng đã phục tráng giống lúa nếp hạt cau tại xã Hà Lĩnh. Vùng đất Tiên Sơn trước đây (nay là xã Hà Lĩnh) có khí hậu đặc trưng, đất đỏ bazan màu mỡ từ trung du đổ xuống, được tưới bằng nguồn nước tự nhiên từ hồ Đập Cầu, bắt nguồn từ Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy nên sản phẩm mang hương thơm đặc trưng, dẻo. Là đặc sản nổi tiếng một vùng, nhưng nhiều năm trước đây, diện tích sản xuất giống lúa quý này rất manh mún và chỉ dừng lại khoảng hơn 100ha mỗi năm. Từ khi Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng thu mua và chế biến nông sản, ký kết hợp đồng với HTX dịch vụ nông nghiệp 1 xã Hà Lĩnh, diện tích sản xuất lúa nếp hạt cau của xã Hà Lĩnh đã được nâng lên trên 150ha. Xã Hà Lĩnh thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào tất cả các khâu sản xuất từ gieo trồng, chăm sóc, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân, chế biến, đưa ra thị trường... Sản phẩm gạo nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2022, sản phẩm lúa nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh được xếp hạng là 1 trong 10 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-trien-giong-lua-nep-dac-san-o-khu-vuc-dong-bang-mien-nui-thap-31424.htm