Phát triển hạ tầng giao thông không thể 'chăm chăm' vào ngân sách
Theo Bộ GTVT, trong kỳ trung hạn 2021-2025, dự kiến nhu cầu vốn cần để đầu tư hạ tầng giao thông khoảng 462.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ phân bổ là 306.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 66% nhu cầu.
Dự án PPP teo tóp
Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2011-2015 huy động nguồn vốn tư nhân đạt hơn 186.660 tỷ đồng, chiếm 42% tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể, lĩnh vực đường bộ thu hút được 58 dự án với tổng mức đầu tư 158.070 tỷ đồng; lĩnh vực đường thủy nội địa thu hút 1 dự án có tổng mức đầu tư là 1.303 tỷ đồng.
Riêng với lĩnh vực hàng hải, trong giai đoạn 2011-2020, nguồn vốn ngoài ngân sách chiếm tỷ trọng lớn, đạt hơn 173.000 tỷ đồng với sự có mặt của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Đánh giá hiệu quả và quá trình triển khai đầu tư các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, các dự án giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách đã góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước; nhiều công trình BOT đã phát huy hiệu quả rất tốt, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, việc thu hút các nguồn vốn xã hội cho hạ tầng giao thông đã bị giảm dần và ngày càng khó khăn. Một phần nguyên nhân là do mô hình đầu tư các dự án BOT giai đoạn trước bộc lộ nhiều bất cập, không còn hấp dẫn; nhiều dự án BOT đưa vào khai thác gặp sự phản ứng của người dân, lưu lượng phương tiện giảm, phương án tài chính bị phá vỡ… đã đẩy không ít chủ đầu tư lâm vào cảnh nợ nần, nguy cơ phá sản.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư BOT chưa hoàn thiện và đồng bộ, chưa phù hợp thực tế và thông lệ quốc tế cũng làm nản lòng nhiều nhà đầu tư.
Vì vậy, trong số 23 dự án thành phần thuộc 2 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai trong thời gian qua chỉ có 3 dự án thành phần triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP), còn lại là đầu tư công.
Bộ GTVT cũng cho biết, nhiều dự án PPP đường cao tốc được khởi động cách đây 2-3 năm nhưng vẫn chưa thu xếp ổn thỏa vốn như các dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh… Ngoài ra, việc thu hút nguồn vốn xã hội vào các lĩnh vực đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không gần như chưa thực hiện được bao nhiêu do thiếu cơ chế hấp dẫn.
Đẩy mạnh thu hút vốn ngoài ngân sách
Để phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới, theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách là bắt buộc. Riêng đường bộ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Cường cho biết, nhu cầu vốn cho giai đoạn này khoảng 390.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ cân đối được nguồn vốn ngân sách trung ương 250.000 tỷ đồng, phần còn lại phải huy động từ nguồn ngoài ngân sách.
Với lĩnh vực hàng không, ông Nguyễn Anh Dũng, Vụ phó Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021-2030 mới chỉ tính cho 28 cảng hàng không được quy hoạch; trong đó, theo kế hoạch, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cân đối phần lớn, Bộ GTVT cân đối một phần, còn lại là cần huy động.
Tương tự, với các lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt... cũng đang cần huy động thêm nguồn lực xã hội. Riêng đường sắt, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến năm 2030 là hàng trăm ngàn tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362km.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, ở giai đoạn trước, mức đáp ứng của ngân sách Nhà nước cho đầu tư đường sắt chỉ bằng 5,8% so với nhu cầu. Ở giai đoạn sắp tới, vốn ngân sách bố trí cho đường sắt sẽ tăng nhưng chủ yếu tập trung cho việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án khác, trong đó có dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ với nhu cầu vốn khoảng 7 tỷ USD.
Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), Luật Đường sắt đã có cơ chế ưu đãi thu hút tư nhân đầu tư vào đường sắt nhưng thực tế không triển khai được do đầu tư đường sắt đòi hỏi đồng bộ cao từ đầu máy, toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu, suất đầu tư đường sắt lớn nhưng lợi thế thương mại so với đầu tư các lĩnh vực khác chưa cao.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông theo phương thức PPP. Trong đó, Bộ GTVT sẽ xem xét, điều chỉnh các quy định cho phù hợp như cơ chế chia sẻ rủi ro, các điều khoản chuyển tiếp khi thay đổi chính sách, cơ chế bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ.
Sắp tới, Bộ GTVT sẽ chủ trì tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi nhà đầu tư, lắng nghe các ý kiến của nhà đầu tư, từ đó tiếp tục tham mưu tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là vấn đề huy động nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển hạ tầng giao thông.