Phát triển kinh tế hợp tác xã - nhìn từ những mô hình mẫu

Trong 5 năm qua, khu vực tỉnh Lâm Đồng (cũ) đã rà soát, xây dựng các mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mẫu về hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, tạo ra những hiệu ứng tích cực để mở rộng lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn.

Những dòng sản phẩm rau, củ, quả chủ lực của HTX Vườn Nhà Đà Lạt - một trong 3 HTX kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025

Những dòng sản phẩm rau, củ, quả chủ lực của HTX Vườn Nhà Đà Lạt - một trong 3 HTX kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025

Theo đó, toàn tỉnh Lâm Đồng đã lựa chọn 3 HTX kiểu mẫu về sản xuất sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, miền núi (HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ); doanh nghiệp tham gia thành viên HTX sản xuất, chế biến nông - lâm thủy sản (HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vườn nhà Đà Lạt); đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản (HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú). Cả 3 HTX đều được ngân sách nhà nước tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên HTX về Luật HTX năm 2023; các kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, kỹ năng livestream cơ bản; ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp và quản lý điều hành tại HTX, du lịch nông thôn gắn với phát triển HTX và dịch vụ du lịch nông nghiệp; kết nối kinh doanh giữa HTX với doanh nghiệp cung cấp giống rau, củ, quả, phân bón, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra…

Đồng thời ngân sách nhà nước hỗ trợ 3 HTX kiểu mẫu xây dựng 3 dự án gồm: Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xử lý tái chế phụ phẩm sau thu hoạch quy mô diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sơ chế rau, củ, quả, giảm chi phí giá thể đầu vào; liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ rau, củ, quả; liên kết sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê. Qua dự án, 3 HTX kiểu mẫu tiếp tục được hỗ trợ trang bị thêm các máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến nông sản như: Máy sấy nhiệt (20 kg/mẻ); máy sấy lạnh (50kg/mẻ); máy sàng lá cà phê. Riêng HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ còn được hỗ trợ 50.000 mã QR đối với các sản phẩm cà phê Catimor nhân xanh Cầu Đất; Catimor nguyên hạt Cầu Đất; Catimor xay bột Cầu Đất; hỗ trợ 1 nhãn hiệu cho 2 nhóm sản phẩm dịch vụ; cấp giấy chứng nhận hữu cơ trên tổng diện tích 50 ha cà phê chè. HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú được hỗ trợ cấp mã số vùng trồng ớt chuông với diện tích 8.600 m2.

Đến nay, mô hình kiểu mẫu của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vườn Nhà Đà Lạt đã liên kết các nông hộ trên địa bàn sản xuất các loại rau, củ, quả chủ lực tiêu thụ ổn định trên thị trường như bí sợi mì, cà rốt cọng tím, ớt ngọt, đồng thời chế biến sấy lạnh từ dây chuyền máy móc công nghệ cao theo tiêu chuẩn HACCP toàn cầu về an toàn thực phẩm gồm: chuối Laba Cầu Đất sấy dẻo và hồng sấy gió; bột cần tây, bột tía tô... Mô hình kiểu mẫu HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú hợp tác hàng chục nông hộ cung cấp giống rau, củ, quả chất lượng cao, sản xuất theo kế hoạch từng thời vụ, chuyển giao kỹ thuật sản xuất công nghệ cao và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Còn mô hình kiểu mẫu HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ đã hoàn chỉnh quy trình sản xuất hữu cơ trên diện tích 50 ha của nông hộ liên kết trên địa bàn. HTX bao tiêu sản lượng cà phê hữu cơ của nông hộ liên kết đưa vào chế biến, tỷ lệ tiêu thụ 30% thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Na Uy, Mỹ và 70% thị trường trong nước.

Theo ngành chức năng Lâm Đồng, từ 3 mô hình HTX nông nghiệp kiểu mẫu nói trên, tỉnh tiếp tục nhân rộng đến 10 HTX nông nghiệp trong giai đoạn 5 năm tới. Các HTX kiểu mẫu mới này thực hiện vai trò tiên phong phát triển liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp, HTX, nông hộ trong và ngoài thành viên; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản chất lượng cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/phat-trien-kinh-te-hop-tac-xa-nhin-tu-nhung-mo-hinh-mau-381231.html