Phát triển logistics tầm cỡ khu vực
Sau hợp nhất, TPHCM đang dần khẳng định vai trò là 'siêu' đô thị thương mại – logistics hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối toàn diện, các trung tâm chức năng được phân bổ hợp lý và định hướng phát triển thành cụm trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Phát triển logistics đường thủy vừa giảm tải cho đường bộ, vừa giảm chi phí vận chuyển hàng hóa. Ảnh: T.H.
Hội tụ nhiều điều kiện tốt phát triển logistics
TS. Đinh Công Khải – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, việc quy hoạch logistics của thành phố hiện nay vẫn còn manh mún, phân tán. Ông Khải cho rằng, sau khi sáp nhập địa giới hành chính, thành phố cần nhanh chóng tái quy hoạch toàn bộ hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiệu quả, làm sao để tránh tình trạng phân luồng hàng hóa cục bộ theo địa phương như hiện tại. Đây là nguyên nhân khiến công suất khai thác của các cảng lớn như Cái Mép – Thị Vải vẫn chưa được phát huy đúng mức. Tương tự, ông Lê Kim Cương – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ logistics (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) chỉ rõ yếu điểm của logistics thành phố. “Hiện nay, vận chuyển container từ Cái Mép về các ICD phía sau cảng mất tới 5 - 7 ngày vì tắc nghẽn trên đường bộ. Do đó, cần tận dụng triệt để vận tải đường thủy để chuyển tải container, giảm thời gian, chi phí và áp lực lên hạ tầng đường bộ”- ông Cương nhấn mạnh.
Liên quan đến logistics TPHCM, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhận định, TPHCM hiện nay không chỉ lớn hơn về quy mô không gian, dân số và kinh tế, mà còn đang giữ vai trò trung tâm địa kinh tế chiến lược không chỉ của Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á. Nếu trước kia, thành phố chủ yếu là Trung tâm Tài chính – thương mại của miền Nam, thì hiện nay, đã vươn mình trở thành điểm hội tụ của các nút giao thông, logistics trọng yếu cấp quốc gia và quốc tế. Vị chuyên gia này chỉ ra hàng loạt điều kiện thuận lợi để TPHCM hoàn thiện, phát triển nhanh hệ thống logistics. Theo ông Tuấn, với vị trí địa lý tiếp giáp biển, tiếp giáp các tỉnh công nghiệp trọng điểm, đồng thời, sở hữu đầy đủ các cửa ngõ quan trọng nhất như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hệ thống cảng biển, cảng cạn và sắp tới là sân bay quốc tế Long Thành. Như vậy, TPHCM được xem là đầu mối chiến lược của mọi luồng lưu chuyển hàng hóa, hành khách trong khu vực phía Nam và xa hơn là toàn vùng Đông Á.
Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống cảng cạn (ICD) tại TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu như ICD Trường Thọ, ICD Sóng Thần, ICD Long Bình, ICD Phú Mỹ… đóng vai trò vệ tinh phân phối, giúp gom hàng hóa từ các trung tâm sản xuất lớn vào hệ thống vận tải biển và hàng không. Điều này không chỉ hỗ trợ hiệu quả cho thương mại nội địa, mà còn tăng năng lực tiếp cận thị trường quốc tế. Đáng chú ý, việc sân bay quốc tế Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sẽ giúp vùng đô thị TPHCM cùng lúc vận hành hai sân bay quốc tế, mở rộng quy mô tiếp nhận hành khách và hàng hóa gấp nhiều lần hiện nay. Theo các chuyên gia, đây là tiền đề để thành phố phát triển mạnh các mô hình thương mại - logistics kết hợp với du lịch, hội chợ – triển lãm quốc tế, thương mại xuyên biên giới và chuỗi cung ứng giá trị cao.
Hình thành các “xa lộ đường thủy”
Để thực sự phát huy tiềm năng của vùng đô thị TPHCM mở rộng, đặc biệt, trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính, việc xây dựng một hệ sinh thái logistics hiện đại và đồng bộ là điều kiện tiên quyết. Trong tầm nhìn dài hạn, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn khẳng định, TPHCM có thể áp dụng mô hình “một thành phố - ba trung tâm”, chiến lược này đang được nhiều quốc gia vận dụng để tối ưu nguồn lực vùng. Cụ thể, TPHCM sẽ giữ vai trò trung tâm bán lẻ, tiêu dùng cao cấp với quy mô dân số lớn và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Bình Dương sẽ trở thành trung tâm logistics – thương mại công nghiệp nhờ cơ sở hạ tầng hiện đại, chính sách thu hút đầu tư hiệu quả. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai trò trung tâm thương mại - cảng biển chiến lược, đồng thời là cửa ngõ xuất nhập khẩu của toàn khu vực phía Nam. Mỗi trung tâm chức năng này sẽ được quy hoạch rõ ràng, đảm nhận vai trò riêng biệt nhưng liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị chung, giúp tránh trùng lặp, chồng chéo và tạo ra một hệ sinh thái kinh tế vùng linh hoạt, hiệu quả. Cũng có ý tưởng phát triển theo hướng thế mạnh riêng, ông Cao Hồng Phong - Chủ tịch Hiệp hội Logistics và Cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu nêu quan điểm, việc tái cấu trúc không gian logistics thành hai nhóm rõ rệt: logistics xuất nhập khẩu và logistics nội địa. Trong đó, nhóm xuất nhập khẩu cần được ưu tiên tập trung về Bà Rịa - Vũng Tàu với lợi thế cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. “Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải là một trong số ít các cảng có thể tiếp nhận tàu siêu trọng. Trong khi đó, nhóm logistics nội địa nên tiếp tục phát triển tại TPHCM và Bình Dương, nơi có mạng lưới hạ tầng đã được đầu tư mạnh”- ông Phong nói.
Với vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM (HLA), ông Trương Tấn Lộc cho hay, để phát triển hệ sinh thái logistics tương xứng với vị thế của một siêu đô thị, thành phố cần có cơ chế sử dụng công nghệ để vận hành theo mô hình thương mại tự do như Singapore hay Hồng Kông. Ông Lộc đề xuất nên xem toàn bộ hệ thống cảng biển – cảng cạn của TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là một thực thể thống nhất, không vận hành riêng lẻ như hiện nay, nhằm tạo nguồn lực chung đủ mạnh cho khu vực logistics phía Nam. Đặc biệt, các bến thủy nội địa vốn là lợi thế hiếm có của vùng sông ngòi Nam bộ, cần được đầu tư bài bản hơn. Các tuyến sông như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… hoàn toàn có thể trở thành “xa lộ thủy” cho vận chuyển container bằng sà lan, giảm tải cho đường bộ đang quá tải. Kết nối đường thủy giữa TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là một giải pháp mang tính đột phá, có khả năng hạ thấp chi phí logistics, đồng thời, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-trien-logistics-tam-co-khu-vuc-10310239.html