Phát triển nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc: Thúc đẩy liên kết vùng, chuỗi sản xuất để vươn xa

Khu vực Tây Bắc có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau, rất thuận lợi cho việc phát triển nông lâm sản. Tuy vậy, khu vực này vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng như kỳ vọng. Thực tế, sản xuất nông lâm sản ở Tây Bắc còn manh mún, thiếu liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hệ thống logistics còn hạn chế, chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hàng hóa quy mô lớn. Đây là những vấn đề mà các tỉnh Tây Bắc cần khắc phục để phát triển bền vững ngành nông lâm sản hướng tới xuất khẩu.

Cần có chính sách riêng cho phát triển dược liệu dưới tán rừng, ưu tiên các loài đặc hữu quý để khai thác tối đa tiềm năng của các tỉnh Tây Bắc. Trong ảnh: Cây sâm Lai Châu, một loài dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bích Nguyên

Cần có chính sách riêng cho phát triển dược liệu dưới tán rừng, ưu tiên các loài đặc hữu quý để khai thác tối đa tiềm năng của các tỉnh Tây Bắc. Trong ảnh: Cây sâm Lai Châu, một loài dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bích Nguyên

Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ

Ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, các địa phương ở Tây Bắc đã nỗ lực và chủ động trong việc chuyển đổi sản xuất, tận dụng các cơ hội và lợi thế của vùng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Trong đó, diện tích trồng cà phê ở Tây Bắc tăng 54% và sản lượng tăng 265% trong 10 năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ chứng nhận chất lượng sản phẩm của khu vực Tây Bắc vẫn chưa cao bằng các vùng khác. Một trong những khó khăn mà Tây Bắc đang phải đối diện là các tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới như cây ăn quả, cây dược liệu đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác với cây trồng truyền thống.

Từ góc độ địa phương, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho biết, tỉnh hiện có gần 120.000ha cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, sản lượng tương ứng đạt 510.000 tấn và 102.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có 216 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 201 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, hơn 5.500ha đạt VietGAP và gần 30.000 tấn cà phê được chứng nhận bền vững.

Tuy nhiên, Sơn La vẫn đối mặt nhiều khó khăn như địa hình dốc, sản xuất phân tán, chi phí cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến năng suất; giống cây chưa đồng đều, tỷ lệ rải vụ thấp; tỷ lệ chế biến sâu và bao bì nhãn mác chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; thiếu liên kết hợp đồng bền vững với doanh nghiệp...

Giống như Sơn La, tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm năng để phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao như xoài, bưởi, dứa, mắc ca, cà phê, chè và cao su. Ông Lò Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên cho biết, đến năm 2024, tỉnh đã bước đầu hình thành được 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với quy mô 3.000ha. Về cây công nghiệp, diện tích cà phê của tỉnh đạt gần 4.800ha, cao su hơn 5.000ha, mắc ca hơn 12.300ha.

Theo ông Phong, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Điện Biên vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như thiếu liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hệ thống logistics còn hạn chế, chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hàng hóa quy mô lớn.

Tập trung vào sản phẩm có lợi thế cạnh tranh

Bàn về phát triển bền vững nông lâm sản khu vực Tây Bắc, ông Lê Quốc Doanh cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh; tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo nông dân về các kỹ thuật canh tác mới; xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ sản xuất đến tiêu thụ.

Ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam cho hay, Tây Bắc sở hữu tiềm năng đặc biệt lớn để phát triển các lĩnh vực như cây ăn quả, chăn nuôi gia súc và thủy sản. Nhiều loài cây bản địa như trám ghép, dổi ghép, mắc ca, dẻ hạt lớn... được tổ chức sản xuất tốt tạo ra giá trị kinh tế lớn trên vùng đất đồi núi rộng lớn. Tuy nhiên, một trong những mảng còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác đúng tầm là cây dược liệu. Trong khi đó, Tây Bắc của Việt Nam lại có nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên phong phú nhưng chưa phát triển thành ngành hàng lớn. Theo ông, đây chính là “lợi thế cạnh tranh trời cho” của miền núi, cần được quy hoạch bài bản và đầu tư bài bản hơn trong thời gian tới.

Đầu tư chế biến sâu giúp mang lại giá trị kinh tế cao và khả năng “vươn xa” hơn cho các nông lâm sản Tây Bắc. Ảnh: Bích Nguyên

Đầu tư chế biến sâu giúp mang lại giá trị kinh tế cao và khả năng “vươn xa” hơn cho các nông lâm sản Tây Bắc. Ảnh: Bích Nguyên

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu lâm sinh thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam thông tin: “Tây Bắc, nơi cư trú của hơn 3.500 loài cây thuốc, chiếm khoảng 70% nguồn dược liệu cả nước, được các nhà khoa học ví như "thủ phủ dược liệu" của Việt Nam. Nhiều loài quý hiếm như sâm Lai Châu, tam thất hoang, bảy lá một hoa... chỉ sinh trưởng tốt trong điều kiện sinh thái đặc biệt tại đây. Sự gắn bó hữu cơ giữa cây thuốc và rừng khiến dược liệu dưới tán rừng trở thành mô hình kinh tế - sinh thái độc đáo, có thể song hành giữa bảo tồn và phát triển”.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến, việc phát triển dược liệu dưới tán rừng hiện nay đang gặp nhiều rào cản chính sách. Các quy định hiện hành mới chỉ lồng ghép nội dung dược liệu vào ngành lâm nghiệp hoặc y học cổ truyền, mà chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho lĩnh vực đặc thù này. Hệ quả là nhiều địa phương không thể xây dựng được vùng nguyên liệu quy mô lớn, chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho khai thác bền vững, cũng như khó thu hút doanh nghiệp đầu tư do thiếu cơ chế tín dụng và bảo hiểm rủi ro phù hợp.

Trong khi đó, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước ngày càng cao, với mức tiêu thụ nội địa khoảng 80.000 tấn dược liệu/năm, nhưng mới chỉ đáp ứng được 20 - 30%. Để lấp đầy khoảng trống này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nếu biết tổ chức sản xuất bài bản theo chuỗi giá trị, phát triển vùng trồng đạt chuẩn và chế biến sâu.

Ông Tuyến đề xuất cơ quan quản lý khẩn trương ban hành chính sách riêng cho dược liệu dưới tán rừng, trong đó, ưu tiên các loài đặc hữu như sâm Lai Châu, tam thất hoang, gắn quy hoạch vùng nguyên liệu với quy hoạch ba loại rừng. Bên cạnh đó, là sửa đổi các quy định về thương mại hóa dược liệu quý hiếm, tháo gỡ các vướng mắc trong khai thác, vận chuyển, tiêu thụ hợp pháp.

Công nghệ sau thu hoạch quyết định chất lượng và giá trị thương phẩm

Trên cơ sở thực tiễn của địa phương, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhìn nhận, muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường. Trong đó, công nghệ sau thu hoạch sẽ quyết định chất lượng và giá trị thương phẩm, là khâu cần được tập trung đầu tư. Sản xuất nông nghiệp được tổ chức theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Ngoài việc xây dựng liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, khu vực Tây Bắc cũng cần có sự liên kết vùng giữa các tỉnh Tây Bắc: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, xây dựng các vùng nguyên liệu đủ lớn thu hút đầu nhà máy chế biến tại Tây Bắc.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn là yếu tố cốt lõi, quyết định khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc phải đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch sau sáp nhập đơn vị hành chính. Cần rà soát, quy hoạch lại từng xã để xác định các vùng trồng chủ lực, quy mô sản xuất phù hợp, từ đó, định hướng lại và tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp địa phương.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-nong-lam-san-cac-tinh-tay-bac-thuc-day-lien-ket-vung-chuoi-san-xuat-de-vuon-xa-post492216.html