Phát triển sản phẩm OCOP Hà Nội: Lợi thế từ vốn văn hóa, tri thức bản địa

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội đã khai thác lợi thế này để phát triển sản phẩm OCOP.

Nguồn nguyên liệu địa phương kết hợp với văn hóa, tri thức nuôi trồng bản địa đã và đang nâng tầm sản phẩm, cho giá trị kinh tế cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (đứng giữa) thăm gian hàng khăn tơ sen của Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (đứng giữa) thăm gian hàng khăn tơ sen của Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận.

Giá trị văn hóa trong từng sản phẩm

Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa sen là gia đình ông bà Ngô Văn Xiêm - Lưu Thị Hiền (phường Quảng An, quận Tây Hồ) lại hối hả thu hái, ướp trà sen. Bà Lưu Thị Hiền cho biết: “Sống tại vùng trồng sen Bách Diệp, có nghề ướp trà sen nức tiếng Tây Hồ, gia đình tôi đưa sản phẩm trà ướp sen dự thi đánh giá, phân hạng OCOP và được công nhận 4 sao. Để ướp được một cân trà ngon phải có 1.500 bông sen Bách Diệp kết hợp với trà búp khô Thái Nguyên được thu hái “1 tôm, 2 tép” qua đủ 21 ngày với 7 lần vào hương gạo sen và 7 lần sấy. Trà càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, càng thơm lâu. Trà sen đạt chuẩn thì nước trà phải xanh, uống ban đầu có vị chát, sau có vị ngọt đượm và hương sen thơm dịu, thoang thoảng trong miệng”. Từ ngày tham gia Chương trình OCOP, trà sen nhãn hiệu Hiền Xiêm của gia đình ông bà được khách hàng biết tới nhiều hơn.

Cũng ở quận Tây Hồ, chị Đỗ Thu Thủy, hộ kinh doanh Đỗ Thế Gia (phường Xuân La) đưa sản phẩm bánh trung thu tham gia Chương trình OCOP. Chị Thủy cho biết: “Xưa kia, cụ và ông tôi làm rất nhiều loại bánh, mở cửa hiệu trên phố cổ Hà Nội. Bố tôi và các cô, chú trong gia đình vẫn đang nối nghiệp cha ông giữ nghề. Riêng tôi chọn phát triển một nhánh sản phẩm của gia đình là cốm và sản phẩm từ cốm, như: Bánh nướng nhân cốm, bánh dẻo nhân cốm và bánh cốm. Tôi mong muốn đặc sản của gia đình không chỉ là thức quà ngon, mà còn mang ý nghĩa quảng bá văn hóa Hà Nội”…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, Hà Nội là “đất trăm nghề”. Các sản phẩm truyền thống và nghề truyền thống của Hà Nội được kết tinh từ sự tài hoa của những người thợ và truyền thống văn hóa từ ngàn đời nay của mảnh đất kinh kỳ, văn hóa xứ Đoài và trấn Sơn Nam Thượng. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 1.136 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hà Nội cũng có hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc QR code, cùng với đó là hàng trăm sản vật nức tiếng như gà Mía Sơn Tây, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai), bưởi tôm vàng Thượng Mỗ (Đan Phượng)... Đó là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đã và đang được khai thác trong Chương trình OCOP của Hà Nội. Những đặc sản này được “gắn sao” OCOP vừa tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá nét văn hóa vùng miền của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Thúc đẩy khai thác lợi thế

Là một trong những địa phương thành công trong khai thác các giá trị văn hóa bản địa để phát triển sản phẩm, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ: “Tây Hồ luôn chú trọng và xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân. Hằng năm, quận đều ban hành kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ chi tiết đến từng phòng, ban, UBND các phường về phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, Tây Hồ đã có hơn 40 sản phẩm OCOP đạt được chứng nhận của thành phố. Sản phẩm OCOP có mặt ở cả 8/8 phường của quận với các sản vật đặc trưng, như quất cảnh Tứ Liên, hoa đào Nhật Tân, chè sen Quảng Bá, xôi Phú Thượng, bánh trung thu, bánh chả, bánh cốm...”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, huyện Ba Vì có 7 xã vùng núi có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu. Thống kê cho thấy, vùng núi Ba Vì có hơn 500 loài dược liệu, trong đó có nhiều loại được người Dao, người Mường dùng làm thuốc chữa bệnh. Riêng xã Ba Vì có 3 thôn là Hợp Sơn, Hợp Nhất, Yên Sơn được công nhận làng nghề thuốc truyền thống với khoảng 80% số hộ tham gia. Trong đó, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn đã xây dựng thành công 5 sản phẩm OCOP 4 sao. “Từ lợi thế đó, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân sưu tầm, lưu giữ các bài thuốc hay của đồng bào dân tộc Ba Vì để bảo tồn và phát triển dược liệu; chuẩn hóa sản phẩm thông qua Chương trình OCOP” - ông Đức Anh cho biết.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp khi tham gia Chương trình OCOP, những chủ thể ở Hà Nội đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ lợi thế địa phương. Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) cho biết: “Từ cây sen, tôi đã biết rút tơ để làm sợi. Tuy vậy, thời gian đầu làm năng suất rất thấp và tốn rất nhiều công. Từ năm 2018 đến 2020 tôi thử nghiệm nhiều mô hình nâng cao năng suất và chất lượng tơ. Muốn có nguyên liệu tơ tốt, cần hoàn thiện quy trình trồng sen, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Với sự kỳ công, tỉ mỉ, những tấm lụa tơ sen bền, đẹp, độc đáo ra đời; trong đó, sản phẩm khăn lụa tơ sen đã được đánh giá, phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao”.

Theo ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân Thủ đô. Do vậy, việc khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm OCOP để giới thiệu đến du khách là rất cần thiết. Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể sản xuất có sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, thế mạnh đầu tư sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng, sức lan tỏa của sản phẩm đến với người tiêu dùng; chú trọng tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm.

Thời gian qua, song song với công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, giúp các doanh nghiệp, đơn vị kết nối sản phẩm OCOP với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các siêu thị, cửa hàng... trên địa bàn thành phố Hà Nội; giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược phát triển, bảo đảm phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của thị trường. Với dân số hơn 10 triệu người và thường xuyên có nhiều du khách ghé thăm, thị trường Hà Nội có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản, sản phẩm OCOP.

Đánh giá cao việc Hà Nội khai thác giá trị văn hóa bản địa, thế mạnh địa phương để phát triển sản phẩm OCOP, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Hà Nội đang đi đúng hướng. Trong mỗi sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, ẩn chứa niềm tự hào về giá trị văn hóa bản địa - yếu tố quan trọng phân biệt giá trị sản phẩm OCOP của từng vùng miền. Thời gian tới, các chủ thể sản xuất, kinh doanh cần đổi mới công tác thiết kế bao bì, nhận diện sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng gắn với khai thác giá trị văn hóa bản địa, tạo bản sắc cho sản phẩm.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-san-pham-ocop-ha-noi-loi-the-tu-von-van-hoa-tri-thuc-ban-dia-675107.html