Phép màu từ hiến tạng

Không ai mong đợi một hành trình dài gắn liền với máy chạy thận, những đêm trắng lo lắng chờ một phép màu. Thế nhưng, giữa muôn vàn khó khăn, đã có những trái tim hồi sinh. Hai câu chuyện ghép thận gần đây tại TPHCM không chỉ là niềm vui của ngành y mà còn là minh chứng xúc động về nghị lực sống và nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng.

Rất nhiều bệnh viện thực hiện thành công các ca ghép thận.

Rất nhiều bệnh viện thực hiện thành công các ca ghép thận.

Hành trình “trở về” tuổi thơ của cô bé 11 tuổi

Đầu năm 2020, cô bé 11 tuổi ở Lâm Đồng bắt đầu xuất hiện triệu chứng sưng mắt sau ngủ dậy. Ban đầu, gia đình nghĩ đơn giản, nhưng tình trạng cháu bé ngày càng nặng, gương mặt phù nề, ánh mắt mệt mỏi. Khi đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2, cháu bé được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư kháng thuốc, dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Từ đó, cháu phải chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần rồi chuyển sang thẩm phân phúc mạc, nhưng cuộc sống vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Tuổi thơ của cháu gắn liền với giường bệnh, kim tiêm và những cơn đau; cha mẹ thay nhau nghỉ việc để chăm con, kinh tế gia đình kiệt quệ.

PGS.TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - Trưởng khoa Thận nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết: Nếu không được ghép thận, bệnh nhi sẽ phải điều trị suốt đời. Điều đó không chỉ tổn hại sức khỏe mà còn tước đi tuổi thơ và tương lai của cháu bé.

Ngày 1/7/2025, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 quyết định thực hiện ca ghép thận cho bé gái. Quả thận trái của người mẹ đã được cấy ghép vào hố chậu phải của con, đồng thời ê-kíp phải cắt bỏ thận phải vốn đã tổn thương nặng. Đây là ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đối với bệnh nhi có đột biến gen ức chế khối u Wilms-1 (WT1) hiếm gặp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa. BSCK2 Đặng Xuân Vinh - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện cho biết: Chúng tôi phải tính toán rất kỹ để rút ngắn thời gian mổ và hạn chế biến chứng. Ca ghép thận thành công đã mở ra một cánh cửa mới cho bệnh nhi. Tuổi thơ bị đánh cắp giờ đây được trả lại, em có thể đến trường, vui đùa như bao đứa trẻ khác. Còn người mẹ – người đã hiến một phần cơ thể mình cho con chính là người hùng thầm lặng đem lại phép màu to lớn.

“Hồi sinh” cho người mẹ đơn thân

Khác với cô bé 11 tuổi được ghép thận từ mẹ ruột, câu chuyện của chị N.T.H.L, tại TPHCM lại mang một màu sắc khác – màu của sự sẻ chia từ một người chưa từng quen biết. 4 năm trước, chị L. phát hiện mình mắc bệnh thận, nhưng cuộc sống không cho phép chị L. dừng lại. Là mẹ đơn thân của một bé trai 7 tuổi, lại phải chăm sóc mẹ già nên mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người phụ nữ nhỏ bé ấy.

Mỗi tuần, chị L. phải chạy thận 3 lần. Có những ngày vừa rời khỏi bệnh viện, người còn mệt rã rời, chị lại vội vàng đến công ty, rồi tất bật trở về lo bữa cơm chiều, kèm con học bài. Chị không dám hy vọng một phép màu, bởi với chị L. sống thêm được ngày nào là đã hạnh phúc ngày đó. Vậy mà phép màu ấy thật sự đến. Một buổi chiều, sau ca làm chị nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định thông báo, đã có thận phù hợp từ người hiến tạng. Đó là thận của người phụ nữ người không may bị tai nạn và được xác định chết não sau 3 lần hội chẩn. Nhận tin báo từ bệnh viện chị lặng người, không tin nổi và cũng nửa mừng, nửa lo, song chị L. vẫn nhanh chóng hoàn tất các thủ tục trong đêm để chuẩn bị cho ca phẫu thuật ngày hôm sau. Ca ghép thận thành công, chị tỉnh dậy và òa khóc vì biết rằng mình đã có cơ hội sống tiếp, tiếp tục làm mẹ, làm con, làm trụ cột của gia đình. “Tôi không biết nói gì ngoài hai chữ cảm ơn. Cảm ơn người đã hiến tạng và gia đình họ; cảm ơn các bác sĩ. Cảm ơn mọi người vì đã cho tôi một cuộc đời mới” - chị L. xúc động nói.

Hai câu chuyện trên là hai số phận nhưng đều chung một điểm: sự sống được hồi sinh nhờ tấm lòng nhân ái. Một bé gái 11 tuổi thoát khỏi những ngày gắn liền với máy chạy thận nhờ tình yêu vô bờ bến của mẹ. Một người mẹ đơn thân tìm lại nhịp sống mới nhờ nghĩa cử cao đẹp của một người xa lạ. Hành trình chữa bệnh luôn đầy khó khăn, nhưng chính những phép màu như vậy khiến người bệnh thêm niềm tin, ngành y thêm động lực, và xã hội thêm ấm áp. Một quả thận hiến tặng không chỉ cứu sống một người mà còn “thắp sáng” cả một gia đình, mở ra những trang đời mới đầy hy vọng và yêu thương.

TS.BS Mai Phan Tường Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ: “Ghép thận là phương pháp mang lại chất lượng sống tốt nhất cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Nhưng nguồn tạng hiến từ người chết não rất hạn chế do thói quen và tập quán. Phần lớn bệnh nhân vẫn phải trông cậy vào nguồn tạng hiến sống từ người thân”. Với vai trò trực tiếp hỗ trợ các ê-kíp ghép thận, PGS.TS.BS Thái Minh Sâm – nguyên Trưởng khoa Tiết niệu (Bệnh viện Chợ Rẫy) nhận định, bây giờ vấn đề ghép thận không còn khó khăn về kỹ thuật mà số lượng được ghép từ người bệnh hiến tạng chết não chưa nhiều. Trên thế giới thực hiện được khoảng 50 - 80% ca ghép thận từ người hiến tạng nhưng ở Việt Nam chỉ mới thực hiện được trên dưới 5%.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, trải qua hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên tháng 6/1992, đến hết năm 2024, Việt Nam thực hiện được 9.516 ca, với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm. 3 năm trở lại đây, mỗi năm chúng ta đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông Thuấn cũng nhận định, từng đó con số nêu trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người dân. Đặc biệt, tỷ lệ 94% tạng ghép từ hiến sống là quá cao và tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam lại rất thấp.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phep-mau-tu-hien-tang-10310992.html