Phổ cập mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi: Cơ hội phát triển toàn diện

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi sẽ tạo kiệu cho trẻ tiếp cận sớm với giáo dục.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Từ đó phát triển năng lực, tiền đề để dần thích ứng khi bước vào các cấp học tiếp theo.

Ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn): Tiếp cận tiếng Việt và kỹ năng sống

Ông Ngô Văn Hiền.

Ông Ngô Văn Hiền.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi giúp các em được tiếp cận giáo dục sớm. Gia đình, nhà trường có thể phát hiện, bồi dưỡng những tố chất, sở trường, năng khiếu thiên bẩm của trẻ.

Đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số, phổ cập giúp trẻ có cơ hội tiếp cận tiếng Việt và các kỹ năng sống; được nhà trường, thầy cô chăm sóc dinh dưỡng từ đó nâng cao thể lực, thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng cho cấp học mới, góp phần thực hiện quyền của trẻ em, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo toàn quốc.

Bên cạnh đó, Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương có cơ sở triển khai đại trà việc phổ cập cho trẻ mẫu giáo; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm đáp ứng nhu cầu tới trường. Phấn đấu đủ 100% phòng học đáp ứng công tác phổ cập; đến 2030, có 85% số phòng học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất trở lên theo quy định.

Đặc biệt, phổ cập giáo dục cho trẻ 3 - 5 tuổi tạo cơ hội cho cấp mầm non có các chương trình, dự án đầu tư phát triển trường, lớp học, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trong đó có thể ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Xác định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi là vấn đề quan trọng, cốt lõi, ngành Giáo dục huyện Văn Quan đang rà soát toàn bộ cơ sở vật chất tại các trường học cũng như đội ngũ giáo viên; phối hợp với phòng Tài chính kế hoạch huyện đăng ký danh mục đầu tư xây dựng theo từng năm; tham mưu UBND huyện dành kinh phí đầu tư xây dựng cho các trường.

Cụ thể: Xây phòng học bộ môn, khu hành chính, bếp ăn một chiều; mua sắm bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường. Hiện 80% trường mầm non trên địa bàn huyện Văn Quan đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định - đó là thuận lợi để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi. Đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; trẻ mẫu giáo đi học đúng độ tuổi, được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đảm bảo an toàn.

Tuy vậy, ngành Giáo dục Văn Quan còn một số khó khăn khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non 3 - 5 tuổi như: Nhiều trường thiếu giáo viên; việc tuyển dụng không đáp ứng được nhu cầu do áp lực công việc lớn, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp. Công tác huy động xã hội hóa giáo dục ít do điều kiện kinh tế - xã hội; quy hoạch, mở rộng diện tích một số trường gặp khó khăn.

TS Bùi Hồng Quân - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm TPHCM: Quan trọng hàng đầu là đào tạo đội ngũ giáo viên

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi là việc quan trọng, đảm bảo quyền trẻ em, thể hiện sự chăm lo về giáo dục theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Để hiện thực hóa chủ trương đó, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là đào tạo đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng chương trình phổ cập, đi kèm với đào tạo phải có những chính sách thu hút, hỗ trợ người học.

Chúng ta cần nhìn thẳng thắn, đội ngũ giáo viên mầm non hiện không đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng. Như Bộ GD&ĐT thống kê trong số giáo viên nghỉ việc thì giáo viên ở mầm non chiếm số lượng lớn. Một thực tế nữa, công việc của giáo viên mầm non vất vả, áp lực, tuy nhiên mức lương họ được hưởng chưa tương xứng với sức lao động bỏ ra. Do đó, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này thì mới thu hút, níu giữ giáo viên gắn bó lâu dài với nghề.

Cùng với đào tạo mới, phải tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên đang công tác để thường xuyên cập nhật kiến thức, trang bị thêm kỹ năng nghề nghiệp, giúp họ hiểu, nắm bắt được tinh thần, định hướng và những đổi mới trong chương trình phổ cập giáo dục mầm non 3 - 5 tuổi.

Bên cạnh đó, công nghệ ngày càng phát triển, trẻ sớm được sống và tiếp cận với công nghệ. Vì vậy, ở cấp mầm non, chúng ta cũng cần trang bị cho trẻ những kiến thức về công nghệ, điều đó như bước đệm trước khi bước vào tiểu học. Do đó, khi ban hành chương trình nên tích hợp công nghệ vào giảng dạy để trẻ làm quen từng bước, nhất là trẻ sắp vào lớp Một sẽ có tiền đề, sự thích ứng.

Tuy nhiên, trẻ mầm non có những đặc điểm riêng về tâm lý, nhân cách, quá trình phát triển trí tuệ. Bởi vậy khi cho trẻ tiếp cận với công nghệ ở trường mầm non phải thực hiện nghiêm ngặt, lựa chọn lồng ghép kỹ càng; hiểu mục đích tiếp cận công nghệ ở cấp mầm non là gì. Làm sao để trẻ sử dụng công nghệ an toàn. Đặc biệt, cần có sự giám sát của nhà trường, giáo viên, phụ huynh.

GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam: Đẩy mạnh xã hội hóa

GS.TS Phạm Tất Dong.

GS.TS Phạm Tất Dong.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp mầm non, trẻ sẽ được sống, học tập trong môi trường giáo dục tốt hơn nữa.

Theo đó để chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi hiệu quả, chúng ta cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, đặc biệt cho trẻ làm quen với môi trường số để thích ứng với thời đại. Mặt khác, giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận, cập nhật công nghệ và quan tâm đến gia tốc phát triển của trẻ.

Ngoài hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất, các địa phương có thể kêu gọi vận động xã hội hóa. Ví dụ: Với doanh nghiệp có thể kêu gọi đầu tư nhà trẻ, thiết bị phục vụ giảng dạy cho các trường mầm non có con em nhân viên, người lao động đang học tập, nhằm giảm gánh nặng cho Nhà nước. Mặt khác, thế hệ trẻ hôm nay được quan tâm hỗ trợ sẽ quay trở lại phục vụ, cống hiến cho doanh nghiệp sau này.

Theo dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi, Bộ GD&ĐT đề xuất chính sách ưu đãi đối với trẻ em trong độ tuổi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non ở vùng khó khăn, hộ nghèo.

Trẻ em vùng khó khăn, hộ nghèo học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập được miễn học phí; Trẻ em học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục được cấp bù học phí bằng số tiền học phí trẻ em học tại cơ sở giáo dục công lập được hưởng; Trẻ được hỗ trợ tiền ăn trưa tối thiểu là 360.000 đồng/tháng/trẻ em. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Ngô Chuyên (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/pho-cap-mam-non-cho-tre-tu-3-5-tuoi-co-hoi-phat-trien-toan-dien-post687776.html