Phó Chủ tịch TP Hà Nội nói về giải pháp hỗ trợ người dân trong vành đai 1 chuyển sang xe xanh
Nói về lộ trình dừng lưu hành xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu trong khu vực vành đai 1 từ 1/7/2026, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết TP sẽ nghiên cứu những chương trình, kế hoạch, giải pháp hết sức cụ thể.
Xe máy là một hợp phần nguyên nhân tạo ra ô nhiễm không khí
Tại tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều 15/7, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết nhiệm vụ của TP Hà Nội là triển khai Chỉ thị 20 của Thủ tướng, nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt, khá toàn diện trong lĩnh vực môi trường, trong đó cũng xác định một đối tượng là các phương tiện giao thông vận tải cá nhân.
Theo ông Tuấn, hiện nay, dân số TP Hà Nội khoảng 8,5 triệu người. Trong đó, có trên 8 triệu phương tiện (1,1 triệu ô tô và khoảng 6,9 triệu xe máy). Riêng trong khu vực vành đai 1, số lượng xe máy lên tới 450.000, dân số trong khu vực này chỉ khoảng 600.000.
Vì vậy, trong Chỉ thị 20 đã đưa ra những giải pháp, những nhiệm vụ, chỉ đạo, chỉ tiêu có liên quan đến việc xử lý các phương tiện giao thông.
Qua các nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các chuyên gia, cũng xác định đối với lượng phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu; nhất là xe máy là một hợp phần nguyên nhân tạo ra ô nhiễm không khí (chiếm khoảng 60%). Đặc biệt, đối với xe máy, nhiều người sử dụng phương tiện xe máy cá nhân, số liệu của Hà Nội là tới gần 70% là phương tiện cũ, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát khí thải hiện nay vẫn còn hạn chế.

Ông Dương Đức Tuấn. Ảnh: VGP.
Phải nghiên cứu một cơ chế chính sách để hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện
Ông Dương Đức Tuấn cho rằng Chỉ thị 20 cũng tương đồng với Luật Thủ đô, cũng có những điều khoản rất cụ thể trong việc triển khai Điều 28 Luật Thủ đô. Theo đó, TP. Hà Nội phải kiểm soát các vùng phát thải thấp. Vừa qua, triển khai Luật Thủ đô, TP Hà Nội cũng đã ban hành các nghị quyết trên cơ sở thiết lập các đề án để quy định các vùng phát thải thấp.
Chỉ thị 20 nêu rất cụ thể như đến ngày 01/7/2026, không lưu hành xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu) mà chuyển sang sử dụng phương tiện sạch, xanh. Đến ngày 01/01/2028, trong vành đai 1 không sử dụng mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hạn chế ô tô trong vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, xét các điều kiện này để phát triển tiếp tới vành đai 3. Đây có thể chưa hết cả Thủ đô được; ô nhiễm Thủ đô đương nhiên có cả trong lòng Thủ đô, khu trung tâm Thủ đô và những khu vực trong vùng Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết để triển khai việc này, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu những chương trình, kế hoạch, biện pháp, giải pháp hết sức cụ thể.
Theo đó, chắc chắn phải nghiên cứu một cơ chế chính sách để hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất cho nhân dân, đặc biệt là người sử dụng phương tiện chạy bằng xăng dầu trong khu vực vành đai 1, trung tâm của Thủ đô.
Bên cạnh đó cũng khuyến khích người dân ở khu vực ngoài vành đai 1 theo lộ trình năm 2026, 2028, 2030, kể cả trong Thủ đô và giao diện với Thủ đô cũng thụ hưởng chính sách khuyến khích chuyển đổi.
"Chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp về quản lý, chắc chắn cần sự phối hợp của nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp. Vì vậy, sẽ có những biện pháp để kêu gọi và tổ chức quản lý, triển khai cho tất cả doanh nghiệp cung ứng phương tiện xanh để đưa ra chế độ ưu đãi nhất để chuyển đổi phương tiện, thậm chí hỗ trợ vào giá thành và các vấn đề liên quan để sử dụng phương tiện đó tốt nhất.
Bởi vì đây là sự nghiệp chung để kiến tạo môi trường chứ không chỉ có riêng nhà nước, hay nhân dân, doanh nghiệp. Đặc biệt kèm theo các vấn đề như lệ phí trước bạ, đăng ký và các vấn đề như giao thông tĩnh. Trong lộ trình này, sẽ tăng cường cho khu vực hạn chế xe xăng dầu, ưu đãi cho các xe sử dụng năng lượng xanh, sạch.
Luật Thủ đô cũng khuyến khích việc chuyển đổi này, thậm chí các phương tiện xanh, sạch đăng ký thì miễn phí gần như 100% lệ phí trước bạ, đăng ký.
Giao thông tĩnh cũng có sự hỗ trợ nhất định, có cả loại hình ô tô và xe máy. Đối với xăng dầu, đây là một quá trình quản lý phải đạt tới điểm hài hòa trung chuyển phù hợp.
UBND TP. Hà Nội cũng sẽ trình HĐND Thành phố các nghị quyết chuyên đề xử lý các vấn đề này. Chúng tôi dự kiến vào tháng 9/2025 sẽ trình theo đúng lộ trình mà Chỉ thị 20 yêu cầu.
Bên cạnh đó, khi chuyển đổi phương tiện, trước mắt trong vành đai 1 với mốc ngày 01/7/2026, thì đương nhiên cần có sự hỗ trợ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt trạm sạc cho các xe sử dụng điện. Chúng tôi sẽ chuẩn hóa lại quy hoạch và triển khai mạng lưới hạ tầng kỹ thuật này, thậm chí còn làm nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố để kiện toàn hệ thống trạm sạc phù hợp, song song với việc bảo đảm an toàn", ông Tuấn nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thành phố sẽ kiểm soát và thiết lập đồng bộ với hệ thống giao thông tĩnh, kiểm soát chặt các khu vực trong cấu trúc công năng một tòa nhà, chủ yếu triển khai các khu vực bên ngoài gắn với hạ tầng kỹ thuật giao thông, kể cả giao thông động và giao thông tĩnh, các khu vực công cộng, làm sao thể hiện được mạng lưới thuận tiện nhất và tốt nhất. Đây cũng chính là phương tiện để bảo đảm hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hòa nhập trong một đô thị thông minh, được kiểm soát chặt chẽ về chuyển đổi số và quản trị.
"Chúng tôi cũng phải trù bị các khu đô thị mới, sẽ kiểm soát các hạ tầng kỹ thuật này đồng bộ, liên quan đến cả sử dụng năng lương sạch, không chỉ có xe máy, ô tô, không chỉ có một hãng mà nhiều hãng. Có những mô hình chúng tôi học tập thế giới, có những trạm, khu vực có thể đổi các pin xe tại chỗ, đa hãng.
Trong nội đô vành đai 1 sẽ khó khăn hơn, trước mắt là những vấn đề về xe máy, chúng tôi sẽ có những biện pháp hết sức linh hoạt, phù hợp. Điều này rất quan trọng", ông Tuấn nói.
Hà Nội đẩy mạnh giao thông xanh, kiểm soát khí thải
Cùng với việc chuyển đổi phương tiện, ông Dương Đức Tuấn cho biết thành phố phải tổ chức mạng lưới hệ thống giao thông công cộng đa phương thức thích hợp nhất, hiện đại nhất, thông minh nhất trong vành đai 1 và 2.
TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang xe điện, trong đó ưu tiên triển khai tại khu vực Vành đai 1. Hiện mới có 11/45 tuyến sử dụng xe buýt điện, thành phố sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt cỡ nhỏ (8–16 chỗ) và taxi điện trung chuyển để phủ kín khu vực nội đô, tiến tới lan tỏa ra Vành đai 2 và 3.
Hệ thống xe buýt sẽ được kết nối đồng bộ với các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh–Hà Đông, Nhổn–Ga Hà Nội và các tuyến mới (số 2, 3, 5, 2A) theo Nghị quyết 188, với mục tiêu hoàn thành 98km vào năm 2030. Các tuyến như Nam Thăng Long–Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, Nam Thăng Long – Nội Bài...sẽ được đầu tư đồng bộ.
Phó Chủ tịch TP Hà Nội cho biết thành phố sẽ đồng hành triển khai lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông, hướng tới đô thị văn minh, thông minh.
Trước mắt, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại khu vực Vành đai 1 lên 40%, gấp đôi mức trung bình toàn thành phố. Việc này sẽ được thực hiện song song với phát triển đường sắt đô thị, tái cấu trúc hệ thống xe buýt và thiết lập mạng lưới giao thông xuyên tâm hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện.
Thành phố sẽ tổng hợp, rà soát, thống kê chi tiết để xây dựng các giải pháp quản lý phù hợp, triển khai nghiêm túc Chỉ thị 20 của Thủ tướng. Đây là chỉ thị cấp bách, tác động trực tiếp đến hai vấn đề lớn của Thủ đô: ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả, cần sự đồng hành của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích hài hòa, tránh đứt gãy, khó khăn trong quá trình chuyển đổi.