Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ dựa vào thuế
Chiều 28/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng. Tại phiên họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã dành lời cảm ơn đa số đại biểu Quốc hội đã ủng hộ chính sách này.
Lo ngại khả năng cân đối ngân sách địa phương
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho biết, từ thời điểm dịch Covid-19 diễn ra đến nay, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng liên tục được áp dụng. Đây là một trong những giải pháp Chính phủ đã thấy và có những tác động rất tích cực.
Qua tờ trình của Chính phủ, đại biểu thấy rõ những lợi ích của chính sách này. Ngoài ra, theo đại biểu, mỗi năm giảm 2% thuế giá trị gia tăng cũng chỉ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 49-50 nghìn tỷ đồng. Con số này không nhiều nhưng có tác dụng kích thích quá trình sản xuất, tái đầu tư của doanh nghiệp. Đặc biệt là kích thích vào tiêu dùng - 1 trong 3 trụ cột truyền thống để chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng đồng tình với chính sách này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, đây không chỉ là một chính sách tài chính đơn thuần mà còn là một bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững cho nền kinh tế, là một chủ trương đúng đắn và kịp thời kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.
Nhìn lại chính sách thuế giá trị gia tăng trong giai đoạn 2022-2024 đã mang lại những kết quả rõ rệt, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể các chính sách này đã góp phần giúp cho nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và ổn định đời sống nhân dân. Chỉ riêng năm 2024, chính sách này dự kiến giảm khoảng 49.000 tỷ đồng, góp phần đưa GDP cả năm đạt mức tăng trưởng từ 6,8 đến 7%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng không chỉ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần kiểm soát lạm phát, dữ liệu từ năm 2024 cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tiêu dùng tăng khoảng 8,5%, trong khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,6,9%, một tỷ lệ thấp nằm trong ngưỡng cho phép.
Đồng thời với việc giảm thuế, các đại biểu cho rằng cần tối ưu hóa các nguồn thu ngân sách, Chính phủ cũng cần xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu ngân sách từ các nguồn thu khác ngoài thuế giá trị gia tăng để bù đắp phần hụt thu này.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, chính sách này sẽ tác động đến ngân sách nhà nước, việc giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng trong ngắn hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt là đối với ngân sách địa phương.
Dù vậy, các đại biểu cũng tin tưởng với sự điều hành quyết liệt, Chính phủ hoàn toàn có thể bù đắp phần hụt thu này thông qua các biện pháp, như thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải cách thuế và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách dự phòng.
Ngoài ra, một số đại biểu nêu ý kiến, mặc dù giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp ngắn hạn hiệu quả nhưng cần có các biện pháp đồng bộ dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Giảm thuế chứ không giảm dự toán
Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm đi khoảng 26.000 tỷ đồng. Con số này các tỉnh và các bộ, ngành phải nỗ lực để đảm bảo được dự toán ngân sách.
“Chúng tôi đang đề nghị ở mức 6 tháng, bởi vì trong năm 2025 sẽ chưa lường trước được những khó khăn, đặc biệt các vấn đề về xuất khẩu. Quan trọng nhất là làm thế nào để doanh nghiệp ngày một mạnh lên và hăng hái hơn khi đóng góp vào cho ngân sách để chúng ta không bội chi ngân sách, không phải đi vay nước ngoài, không phải vay của dân nữa, đó mới là mục tiêu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững” – Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu quan điểm, việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ dựa vào thuế, thuế chỉ là một giải pháp, muốn giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp thì chúng ta phải giải quyết bằng các cơ chế, chính sách, ví dụ như thủ tục đầu tư, ví dụ giải quyết vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, cấp phép, giải quyết các thủ tục về đất, hỗ trợ tín dụng, thị trường, nguồn nhân lực và các công nghệ,…chứ không phải thuế.
Qua thảo luận, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về sự cần thiết, mức giảm, thời gian thực hiện, giải pháp, tổ chức thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng và một số ý kiến khác về giảm thuế. Trong đó, lưu ý tính liên tục và ổn định của chính sách và tác động đến cân đối ngân sách địa phương và các biện pháp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, chống các hành vi trốn, nợ thuế và các giải pháp dự phòng biến động, liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô cũng như áp dụng các giải pháp hỗ trợ khác đối với người dân và doanh nghiệp.