Phó thủ tướng: Phấn đấu giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành ngân hàng đã đạt được thời gian qua.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục của ngành ngân hàng. Cụ thể là, mặc dù hệ thống ngân hàng đã có bước phát triển tích cực trong thời qua, tuy nhiên việc điều hành chính sách tiền tệ còn thiếu tính chiến lược dài hạn, có lúc còn chưa bền vững.
Bên cạnh đó, quy mô, mức độ an toàn vốn, năng lực tài chính và sức cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong nước còn hạn chế so với các nước trong khu vực và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Việc kiểm soát, hướng luồng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn một số bất cập; trong đó còn hiện tượng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...
Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát có mặt còn yếu, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn tình trạng vi phạm quy định về huy động vốn và cho vay, gây nguy cơ nợ xấu gia tăng đối với các tổ chức tín dụng.
Hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng còn chưa đầy đủ. Tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất an ninh, an toàn trong thanh toán, tín dụng, ngân hàng.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ (sắp được ban hành theo thông lệ hằng năm) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành ngân hàng là điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% mà Quốc hội đã thông qua.
Chủ động bám sát tình hình quốc tế, trong nước, sẵn sàng ứng phó với những biến động, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô, cảnh báo sớm nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro của nền kinh tế cũng như các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng.
Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng, góp phần giảm nạn tín dụng đen và tội phạm về cho vay qua các ứng dụng công nghệ.
Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... trong đó kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Thứ ba, có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt. Trong đó, chú trọng thực hiện đồng thời cả 2 nhiệm vụ, một là, tạo điều kiện cho các ngân hàng có tiềm năng phát triển trở thành các ngân hàng ngang tầm khu vực; hai là, có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đang bị giám sát tăng cường và kiểm soát đặc biệt.
Thứ tư, ngành ngân hàng phải tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, qua đó tạo sự lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; qua đó vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa góp phần công khai, minh bạch thông tin tài sản của các tổ chức, cá nhân.
Tăng cường ứng dụng công nghệ vào việc phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tiện ích, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ năm, tiếp tục chú trọng xây dựng, hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả thị trường tài chính, tiền tệ theo hướng nâng cao hiệu quả tổng thể, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường, hội nhập quốc tế. Tập trung rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để chủ động sửa đổi hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa các quy trình, thủ tục về tín dụng, ngân hàng, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả và doanh nghiệp, người dân tiếp cận ngày càng dễ dàng hơn với các dịch vụ ngân hàng với chi phí ngày càng thấp hơn.
Thứ sáu, về nhân lực, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung làm tốt các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về cơ cấu tổ chức, bộ máy của NHNN. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát việc thực hiện các chức trách, nhiệm vụ, quy định đối với từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong toàn ngành.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đi đôi với kiến tạo môi trường làm việc đổi mới, sáng tạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành.
Thứ bảy, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xử lý hài hòa mối quan hệ tiền tệ, thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế khác. Tiếp tục thực hiện tốt vai trò là là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền.
Thứ tám, Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, coi đây là một kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội đối với hệ thống tín dụng, ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an toàn hệ thống.