Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói gì về giải quyết khó khăn vật liệu xây dựng?

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, khoáng sản hiện tại sẽ phân thành 4 loại nhóm, trong đó, nhóm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được đơn giản hóa các thủ tục, tiếp tục thực hiện phân cấp triệt để.

Chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã hoàn thành phần trả lời chất vấn với 49 ý kiến chất vấn, tranh luận. Cùng tham gia trả lời chất vấn với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải trình, làm rõ một số vấn đề có liên quan.

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn.

Giải quyết vấn đề khó khăn về vật liệu xây dựng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải trình từng nội dung lớn các đại biểu nêu. Cụ thể, về vấn đề vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, trước đây đã quy định phân cấp về địa phương, tuy nhiên còn một số vướng mắc về quy trình, thủ tục nên đã làm chậm trễ quá trình này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, đã được Quốc hội xem xét, khoáng sản hiện tại sẽ phân thành 4 loại nhóm, trong đó, nhóm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được đơn giản hóa các thủ tục, tiếp tục thực hiện phân cấp triệt để.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, từ nay đến khi có Luật Khoáng sản có hiệu lực thì Quốc hội cũng ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù trong đó liên quan đến gia hạn, nâng công suất các mỏ khai thác, đơn giản hóa các thủ tục. Các vấn đề này đang được triển khai khá tốt, đặc biệt là đối với các giải pháp cho các vùng rất khó khăn về vật liệu xây dựng như Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại đây, Thủ tướng đã có 2 lần đến làm việc, bất cập hiện nay ở vùng này là xác định trữ lượng, công suất và nhu cầu của tiến độ khai thác. Để giải quyết khó khăn này chúng ta đã có dự báo chính xác về tiến độ, công suất có thể cung cấp để xác định nhu cầu cần phải cung cấp. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu đánh giá thử nghiệm về nguồn cát nhiễm mặn và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, đánh giá tính chất cơ lý, sức bền vật liệu, tính ảnh hưởng môi trường. Chúng ta cũng có các bước thử nghiệm từng khu vực khai thác, từng công trình, đưa ra các tiêu chí về sử dụng cát biển.

Chủ tịch nước Tô Lâm dự phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chủ tịch nước Tô Lâm dự phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại phiên chất vấn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại phiên chất vấn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có các mục tiêu giải pháp đối với các cảng, biển nội thủy và các sông ngòi, tuyến kênh, rạch, sẽ giao cho các địa phương đánh giá, điều tra và khai thác, thực hiện thông tuyến, tận dụng nguồn vật liệu cát này. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung các nguồn cát, trong đó có việc nghiên cứu và sử dụng đá xay, nhập vật liệu cát ở nước bạn. Như vậy, với nhiều giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, vấn đề nguyên vật liệu cát cho các dự án sẽ được giải quyết tốt.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Liên quan đến vấn đề đất hiếm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% trên thế giới. Thực tế, thị trường đất hiếm hiện nay tăng khoảng 4%/năm, kể từ năm 2014 đến nay, do các nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực pin, nam châm, xe điện, ứng dụng vũ trụ. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn đang điều hành thị trường này. Do đó, việc khai thác đất hiếm này đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao. Theo đó, đã có dự án điều tra, đánh giá trữ lượng các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn, không xuất khẩu đất hiếm thô.

Vấn đề quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 là hết sức toàn diện, đầy đủ và cụ thể. Từ 1/1/2025 đòi hỏi có sự chuẩn bị thật kỹ nhận thức của toàn dân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là địa phương về xác định chuyển rác thành tài nguyên, xây dựng kinh tế tuần hoàn, tuyệt đối không sử dụng phương án chôn lấp rác. Vấn đề phân loại, tái sử dụng, biến rác thành năng lượng là giải pháp hữu hiệu.

Hai Bộ trưởng cùng trả lời về giải pháp chống ngập úng tại các đô thị

Nêu nội dung chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, trong những nguyên nhân gây ra ngập úng tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn là các công trình bê tông, khu dân cư lấn chiếm ao, hồ, đề nghị có giải pháp giải quyết tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông chất vấn về ngập úng tại các đô thị.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông chất vấn về ngập úng tại các đô thị.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, do quá trình phát triển đập, ao hồ, thủy điện - một trong những nguyên nhân do quá trình đô thị hóa. Trước đây, chúng ta chưa quy hoạch bài bản, trong đó có quy hoạch đánh giá tác động môi trường. Hiện nay mới chỉ là quy hoạch phát triển đô thị, chủ yếu về hạ tầng, dịch vụ, dân cư mà chưa tính sâu, sát về định hướng lâu dài. Ao, hồ là để điều tiết, giữ, tích trữ nước khi mưa lớn, sau đó hệ thống thoát nước chảy không kịp. Ao, hồ còn là cảnh quan môi trường trong đô thị nhưng đây cũng là nhân tố gây ngập úng đô thị.

Vì vậy, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị hiện nay là do quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhiều dãy phố, dãy nhà cũng như do hệ thống thoát nước khi mưa lớn chưa đảm bảo ở nhiều đô thị. Do đó, việc chống ngập úng ở đô thị thì hệ thống phải đồng bộ, phải có thể tích để chứa, để thoát. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn thời gian tới, có nhiều ao, hồ vừa là cảnh quan vừa là nơi tích trữ nước, giữ nước khi mưa lớn, chống tràn, ngập úng ở các đô thị.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu.

Cùng trả lời vấn đề ngập úng đô thị do san lấp ao, hồ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra 4 giải pháp: tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó, tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn, Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý phát triển đô thị và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến xử lý nước thải; nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị; tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai các quy hoạch cũng như các quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-noi-gi-ve-giai-quyet-kho-khan-vat-lieu-xay-dung--i733272/