Phòng, chống tác hại thuốc lá: Cần đẩy nhanh nhiều giải pháp

Với những gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng, kiểm soát nguồn cấp các sản phẩm thuốc lá.

Đẩy mạnh các biện pháp PCTH thuốc lá

Quản lý kinh doanh thuốc lá, kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá, kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước, số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói; kiểm soát tình hình bán thuốc lá và các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả,… đó là những giải pháp mà các chuyên gia y tế thuộc Quỹ PCTH của thuốc lá (Bộ Y tế) khuyến cáo.

Đi sâu vào từng giải pháp, đại diện Quỹ PCTH của thuốc lá cho rằng, trước hết cần có các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Trong đó bao gồm việc tăng thuế thuốc lá; ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc; thay đổi cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.

"Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ. WHO khuyến nghị tỷ lệ này cần đạt ít nhất 70% - 75% giá bán lẻ" - đại diện Quỹ PCTH của thuốc lá cho biết.

Trong Chiến lược Quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030 đã định hướng xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO (70-75% trên giá bán lẻ).

Cùng với các biện pháp liên quan đến thuế, chuyên gia Quỹ PCTH của thuốc lá cho rằng, cần đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các loại thuốc lá này đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên; có các hóa chất độc hại và gây ung thư.

"WHO đã khẳng định: Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường" - đại diễn Quỹ nhấn mạnh.

Cùng với các giải pháp trên, thì việc kiểm soát nhằm giảm cung cấp và giảm nhu cầu đối với sản phẩm thuốc lá rất quan trọng. Luật PCTH thuốc lá nêu rõ: "Hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá". Nếu cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ đi ngược lại với cam kết khi tham gia Công ước Khung, mục tiêu của Luật PCTH của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về PCTH của thuốc lá đến năm 2030.

"Nó sẽ làm tăng sự lựa chọn và khuyến khích người sử dụng lựa chọn sử dụng các sản phẩm mới này bên cạnh thuốc lá điếu thông thường. Thúc đẩy cả người không hút thuốc lá và người đang sử dụng thuốc lá điếu sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trên Thế giới đã có 42 nước cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia" - đại diễn Quỹ cho hay.

Ngoài ra, cần cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá. Tại Việt Nam, theo quy định thì diện tích hình ảnh cảnh báo là 50% nhưng từ năm 2013 đến nay hình ảnh và thông điệp cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá chưa thay đổi.

Một số mẫu cảnh báo sức khỏe đã không còn tác động nhiều đến hành vi sử dụng thuốc lá của cộng đồng. Diện tích in hình ảnh cảnh báo sức khỏe mới chiếm 50% diện tích mặt trước và sau bao thuốc chưa đủ lớn để phát huy hiệu quả trong việc cảnh báo về tác hại với người sử dụng. Vì vậy cần nhanh chóng tăng diện tích, thay đổi hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên sản phẩm thuốc lá.

Chuyên gia Quỹ PCTH thuốc lá cũng lo ngại, hiện tượng quảng cáo, tiếp thị thuốc lá tràn lan khiến cho mục tiêu PCTH thuốc lá trở nên khó khăn hơn. Theo bà Thu Hương, cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet.

Năm 2024 và 2025 cần làm gì?

Với những vấn đề cấp thiết liên quan đến PCTH thuốc lá, đại diện Quỹ cho rằng, cần phải thực hiện song song các vấn đề về chính sách và thực thi.

Về chính sách, cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Dự thảo Luật sửa bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được Quốc hội xem xét vào ngày 12/11/2024. Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.

Về thực thi, tiếp tục hỗ trợ các Bộ, các tỉnh tăng cường xây dựng môi trường không khói thuốc, đặc biệt là tại các địa điểm có tỷ lệ vi phạm quy định cấm hút thuốc cao như nhà hàng, quán cà phê, khách sạn. Tăng cường phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện công tác PCTH của thuốc lá. Kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình PCTH thuốc lá tại trung ương và tại các tỉnh, thành phố. Thực hiện kế hoạch triển khai chiến lược về PCTH thuốc lá mà các tỉnh đã ban hành, đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo từng thời kỳ theo yêu cầu của Chiến lược quốc gia PCTH thuốc lá.

Theo Quỹ PCTH thuốc lá, để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về Phát triển bền vững đến năm 2030, Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tăng cường hơn nữa việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về PCTH thuốc lá, từ truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với việc sử dụng thuốc lá đến thực hiện tốt việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá. Tiếp tục ủng hộ việc tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá… để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCTH của thuốc lá. Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sớm ban hành Nghị quyết cấm các sản phẩm thuốc lá mới.

82,5% điểm bán hàng vi phạm quy định về trưng bày quá một bao/một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, trong đó cao nhất là các điểm bán lẻ thuốc lá ở TPHCM và Cần Thơ với hơn 90%.

Quảng cáo, bán hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên mạng xã hội sử dụng phổ biến của giới trẻ.

Lượng tin bài quảng cáo, mua bán, tiếp thị lên đến 986.692 bài viết, bình luận, chia sẻ từ 11/2022-11/2023.

Mạng xã hội Tiktok (49,7%) và Facebook (48,8%) là kênh tập trung lượng tin bài nhiều nhất. Đối tượng tiếp cận với quảng cáo, tiếp thị trên internet chủ yếu là người trẻ dưới 35 tuổi.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phong-chong-tac-hai-thuoc-la-can-day-nhanh-nhieu-giai-phap-20241025093907434.htm