Phòng ngừa bệnh thủy đậu trong mùa đông xuân

ĐBP - Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Trong tháng 11 vừa qua, trên địa bàn xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông) đã xuất hiện ổ dịch thủy đậu với 69 trường hợp mắc bệnh. Trong đó, 62 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xam Măn và 7 học sinh Trường Tiểu học Keo Lôm.

Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.Trong ảnh: Trẻ tiêm phòng tại Phòng Tiêm chủng vắc xin Safro (TP. Ðiện Biên Phủ).

Sau khi nắm thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn để xác minh, giám sát ca bệnh, khoanh vùng dập dịch để ngăn ngừa bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng; tổ chức phun hóa chất Cloramin-B để xử lý môi trường, nhất là ở 2 điểm trường xảy ra ổ dịch và các gia đình có con em bị mắc bệnh. Ðồng thời, đến tận các hộ gia đình có bệnh nhân mắc thủy đậu để cấp Cloramin-B, hướng dẫn tẩy rửa dụng cụ cá nhân; tư vấn cách phòng tránh để hạn chế lây lan trong gia đình và cộng đồng; chỉ đạo trạm y tế cơ sở tiếp tục giám sát tình hình và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch trên hệ thống loa phát thanh... Với sự chủ động và triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, hiện ổ dịch đã được khống chế, 100% người bệnh đã được chữa khỏi.

Theo bác sĩ Ðàm Thanh Tú, thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter gây ra. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trẻ em mắc nhiều hơn người lớn và thường nhẹ hơn người lớn. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh thường gặp vào mùa đông xuân.

Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến hết tháng 11, trên toàn tỉnh có 575 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, trong đó một số huyện có số lượng mắc cao như: Ðiện Biên Ðông (105 trường hợp), Tủa Chùa (99 trường hợp), Mường Ảng (67 trường hợp), Ðiện Biên (67 trường hợp)... Ðể chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp như: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường; tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Khi xuất hiện biểu hiện sốt cao liên tục, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê, có xuất huyết trên nốt rạ nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/183490/phong-ngua-benh-thuy-dau-trong-mua-dong-xuan