Phú Thọ hướng tới sự tinh gọn, hành động vì một chính quyền gần dân

Trên toàn tỉnh Phú Thọ, 148 đơn vị hành chính cấp xã đã được sắp xếp theo hướng khoa học, nhất quán, hướng tới sự tinh gọn, hiệu lực và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Cán bộ phường Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ hỗ trợ người dân đăng ký, lấy số khi làm thủ tục hành chính. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Cán bộ phường Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ hỗ trợ người dân đăng ký, lấy số khi làm thủ tục hành chính. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Sau khi hợp nhất ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ hiện nay, việc tổ chức lại bộ máy hành chính cấp xã trở thành nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết.

Mục tiêu là đảm bảo hệ thống chính quyền mới vận hành thông suốt, hiệu quả và gần hơn với người dân.

Trên toàn tỉnh, 148 đơn vị hành chính cấp xã đã được sắp xếp theo hướng khoa học, nhất quán, hướng tới sự tinh gọn, hiệu lực và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Đổi mới vận hành, hướng tới nền hành chính hiện đại, phục vụ người dân

Theo mô hình tổ chức mới của Ủy ban Nhân dân cấp xã, bộ máy gồm Chủ tịch, không quá hai Phó Chủ tịch cùng các ủy viên Ủy ban Nhân dân phụ trách chuyên môn, bao gồm cả quân sự và công an.

Bốn cơ quan chuyên môn trực thuộc được thành lập gồm Văn phòng Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân, Phòng Kinh tế (hoặc Phòng Kinh tế-Hạ tầng-Đô thị), Phòng Văn hóa-Xã hội và Trung tâm Hành chính công.

Đặc biệt, mô hình Trung tâm Hành chính công cấp xã đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân thông qua việc ứng dụng công nghệ trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa,” giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho người dân và tổ chức.

Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, chia sẻ tỉnh đã ưu tiên nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt để hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng, nhằm phục vụ người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ sự nghiệp công, một mô hình mới được triển khai tại 77 xã, phường đã cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu như văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin-truyền thông, vệ sinh môi trường, quản lý chiếu sáng công cộng... tới người dân.

 Cán bộ xã Đạo Trù (Phú Thọ) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Cán bộ xã Đạo Trù (Phú Thọ) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Mô hình giúp tinh gọn đầu mối, nâng cao tính chuyên môn hóa trong cung ứng dịch vụ công.

Phú Thọ cũng đang từng bước hoàn thiện mô hình “Ban Quản lý dự án,” nhằm tăng cường năng lực tổ chức thực hiện các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng địa phương.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã được sắp xếp theo hướng tinh giản nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Trong tổng số 12.377 người làm việc tại 148 xã, phường, hơn 98% có trình độ đại học trở lên.

Quá trình bố trí, điều chuyển cán bộ từ các huyện, xã cũ và cấp tỉnh được thực hiện chu đáo, đảm bảo sự ổn định và kế thừa kinh nghiệm, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyên môn ngày càng cao.

Tuy nhiên, hiện địa phương vẫn còn một số khó khăn như sự chênh lệch về số lượng cán bộ giữa các nơi; cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, thiếu kỹ năng công nghệ thông tin, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Một số vấn đề về công nghệ cũng ảnh hưởng đến tốc độ cải cách, như phần mềm hộ tịch chưa liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, nhiều xã chưa cấp được chữ ký số cho cán bộ hoặc chưa cập nhật phần mềm quản lý hồ sơ.

Thiết bị phục vụ Trung tâm Hành chính công còn thiếu, hệ thống mạng internet chưa ổn định, gây khó khăn trong thực hiện thủ tục số hóa.

 Đoàn kiểm tra tình hình hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã Liên Sơn, Phú Thọ. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Đoàn kiểm tra tình hình hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã Liên Sơn, Phú Thọ. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, đặc biệt là người cao tuổi và cư dân vùng sâu, vẫn còn bỡ ngỡ với thủ tục hành chính điện tử, chưa quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Ông Mai Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phú Thọ, cho biết tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm để vượt qua những khó khăn này. Trong đó có việc đẩy mạnh chuyển đổi số ở cấp xã, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, cấp đầy đủ chữ ký số cho cán bộ, triển khai phần mềm dùng chung giữa các cấp chính quyền.

Đồng thời, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn thường xuyên về kỹ năng số và nghiệp vụ hành chính công cho cán bộ cơ sở nhằm nâng cao năng lực đáp ứng công việc.

Bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính

Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu hoàn thiện 100% mô hình Trung tâm Dịch vụ sự nghiệp công tại tất cả xã, phường, đảm bảo cơ chế tài chính tự chủ một phần để vận hành ổn định, chuyên nghiệp.

Mô hình sẽ được mở rộng thêm các lĩnh vực phục vụ thiết yếu như quản lý công trình công cộng, tư vấn hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn.

Song song đó, Phú Thọ đang hoàn thiện trạm y tế cấp xã để tiến tới thành lập 148 trạm y tế mới tương ứng với 148 xã, phường; đồng thời nâng cao chất lượng nhân lực và trang thiết bị, nhằm đảm bảo người dân được chăm sóc y tế ban đầu thuận tiện và hiệu quả.

Việc điều chỉnh cơ cấu nhân sự giữa các xã cũng được chú trọng để tránh tình trạng thừa, thiếu không hợp lý, đồng thời nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với bối cảnh chính quyền cấp xã đang đảm nhận nhiều nhiệm vụ lớn và phức tạp hơn.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là nhóm người yếu thế, người cao tuổi và cư dân vùng khó khăn. Mô hình “Tình nguyện viên số” tại cơ sở cũng được xem xét triển khai nhằm hỗ trợ người dân trong quá trình làm thủ tục.

 Đoàn viên thanh niên phường Vĩnh Phúc hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Đoàn viên thanh niên phường Vĩnh Phúc hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Việc tổ chức lại bộ máy hành chính cấp xã tại Phú Thọ không chỉ là sự sáp nhập đơn thuần mà là một bước cải cách toàn diện, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và phục vụ nhân dân.

Mặc dù còn nhiều thách thức cần khắc phục, nhưng kết quả bước đầu đã cho thấy bộ máy mới đang phát huy hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số ở cấp cơ sở.

Với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo thống nhất từ cấp tỉnh cùng sự đồng thuận của các cấp chính quyền và nhân dân, Phú Thọ hoàn toàn có cơ sở để trở thành điểm sáng trong công cuộc cải cách hành chính và đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Hành trình xây dựng một chính quyền phục vụ, hiện đại và gần dân đang được tỉnh tiếp tục vun đắp từng ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phu-tho-huong-toi-su-tinh-gon-hanh-dong-vi-mot-chinh-quyen-gan-dan-post1051491.vnp