Phú Thọ: Xác định công nghiệp hỗ trợ là khâu đột phá

Tỉnh Phú Thọ xác định công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những khâu đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, nền tảng phát triển công nghiệp bền vững.

Khuyến khích đầu tư phát triển

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, với ưu thế là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm miền núi phía Bắc và là cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Đồng bằng sông Hồng, Phú Thọ đang trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư trong khu vực trung du và miền núi Bắc bộ. Trong đó, CNHT nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện, toàn tỉnh đã có 250 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Phú Thọ trở thành một trong những điểm sáng thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

Phú Thọ trở thành một trong những điểm sáng thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là mặc dù tiềm năng sử dụng và cung ứng các sản phẩm hỗ trợ tại tỉnh Phú Thọ và các địa phương lân cận khá cao, nhưng hầu hết doanh nghiệp đều mới chỉ dừng lại ở một số sản phẩm hay dịch vụ cơ bản. Bên cạnh đó, các hoạt động công nghiệp còn khá yếu kém và đang trong quá trình phát triển. Các nguyên liệu chính như: Sắt thép, cao su, hóa chất, kim loại, năng lượng được sản xuất chủ yếu tại các vùng khác, làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp nhỏ và vừa khá cao.

Trước những vướng mắc này, trong chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Sở Công Thương Phú Thọ đã đặt ra mục tiêu: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển CNHT, làm nhân tố thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện sở đã xây dựng các chương trình kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT, xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT. Phấn đấu đến năm 2025, CNHT sẽ góp phần tăng 20 -25% tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế GRDP của tỉnh.

6 lĩnh vực ưu tiên

Theo Chương trình phát triển CNHT tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên phát triển 6 lĩnh vực.

Cụ thể, sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, khuôn mẫu, phụ tùng, linh kiện máy móc, thiết bị là ngành công nghiệp quan trọng và phù hợp ưu tiên hỗ trợ phát triển. Nhu cầu về sản phẩm CNHT của nhóm ngành này trên địa bàn tỉnh và thị trường cả nước là rất lớn và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới. CNHT ngành điện tử - tin học - viễn thông cũng là lĩnh vực được ưu tiên vì đây là ngành công nghệ cao nên về dài hạn phát triển CNHT ngành này là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển lĩnh vực CNHT ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và vật liệu mới. Theo đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất vật liệu chế tạo như thép chế tạo chất lượng cao, thép không gỉ, thép lá điện từ, vật liệu điện tử, nhựa cao su, composit, gốm phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp chế tạo.

Lĩnh vực sản xuất bao bì, đóng gói cũng là lĩnh vực có tiềm năng của địa phương để phát triển và tạo sức cạnh tranh nên cần tạo điều kiện ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu mới, bao bì cao cấp, vật liệu tự phân hủy... sử dụng cho quá trình đóng gói, hoàn tất sản phẩm cho nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn khác nhau như: Dệt may-da giày; sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng; vật liệu xây dựng; công nghiệp đồ uống…

Dệt may, da-giày là nhóm ngành cần thiết phải có CNHT để phát triển vì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án may mặc đầu tư và nhu cầu thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu của lĩnh vực này cũng rất lớn. Cuối cùng là sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ du lịch, dịch vụ, nội thất và đồ gia dụng.

Tỉnh Phú Thọ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ giá trị gia tăng cao và thúc đẩy các ngành CNHT.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phu-tho-xac-dinh-cong-nghiep-ho-tro-la-khau-dot-pha-175552.html