Phương Tây cân nhắc gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga

Ngày 22-5, Vụ trưởng Vụ châu Âu Bộ Ngoại giao Nga, ông Artyom Studennikov, tuyên bố Moscow sẽ tìm kiếm các khách hàng mua khí đốt hóa lỏng (LNG) khác trên thị trường toàn cầu, nếu Liên minh châu Âu (EU) quyết định ngừng nhập khẩu LNG của Nga.

Cân nhắc tác động ngược

EU đã áp đặt 13 gói trừng phạt đối với Nga kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine năm 2022, trong đó chủ yếu nhằm vào xuất khẩu dầu khí. Hiện một số nước thành viên EU đang đẩy nhanh gói trừng phạt thứ 14 với Nga nhằm tiếp tục cản trở nguồn thu của Nga từ nhiên liệu hóa thạch.

Theo Bloomberg, biện pháp hạn chế xuất khẩu LNG của Nga có thể dẫn đến lệnh cấm sử dụng các cảng của EU để tái xuất khẩu LNG của Nga sang các nước thứ ba ngoài liên minh. Mặc dù kế hoạch nói trên sẽ không ngăn cản LNG của Nga đến châu Âu, nhưng sẽ khiến việc vận chuyển LNG đến các nước thứ ba ở châu Á, như Trung Quốc hoặc Ấn Độ, trở nên khó khăn hơn.

Các lệnh trừng phạt sẽ làm phức tạp thêm vấn đề hậu cần vận chuyển cho Nga và buộc các tàu chuyên dụng phải di chuyển trên các tuyến đường dài hơn. Theo Energy Aspects, chi phí vận chuyển LNG từ dự án Yamal đến châu Á sẽ tăng; đồng thời cũng khiến các tàu phá băng phải hoạt động lâu hơn, có thể làm giảm xuất khẩu LNG của Nga.

 Tàu phá băng Nga sẽ phải hoạt động nhiều hơn nếu EU cấm sử dụng các cảng để tái xuất khẩu LNG của Nga sang các nước thứ ba ngoài liên minh. Ảnh: OSW

Tàu phá băng Nga sẽ phải hoạt động nhiều hơn nếu EU cấm sử dụng các cảng để tái xuất khẩu LNG của Nga sang các nước thứ ba ngoài liên minh. Ảnh: OSW

Bỉ, Đức và Pháp hiện bày tỏ ủng hộ gói trừng phạt thứ 14, yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá xem liệu lệnh cấm trung chuyển LNG của Nga qua các cảng châu Âu có tác động đến nền kinh tế Nga nhiều hơn so với EU hay không. Giới quan sát cho rằng, các nước thành viên sẽ mất nhiều tuần để đưa ra các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga, trong đó có cả việc lần đầu tiên hạn chế xuất khẩu LNG của Nga.

Thách thức mới của EU

Trong diễn biến liên quan, hãng tin RIA ngày 22-5 dẫn lời Vụ trưởng Vụ châu Âu Bộ Ngoại giao Nga Artyom Studennikov cho rằng, châu Âu đang “tự bắn vào chân mình” vì các ngành công nghiệp và người tiêu dùng tại châu Âu sẽ chịu tổn hại từ lệnh cấm này.

Việc định hướng lại hoạt động xuất khẩu năng lượng quan trọng của Nga sang các nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp nước này vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây mà trước đó, nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ đẩy Nga vào suy thoái nghiêm trọng.

Theo Cơ quan thống kê Rosstat của Nga, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 5,4% trong quý đầu tiên của năm 2024. Trong khi đó, theo báo cáo tháng 4 của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, năm ngoái, các nước EU đã chi 8,2 tỷ EUR (8,8 tỷ USD) nhập khẩu LNG của Nga. LNG của Nga chiếm gần 14% tổng lượng LNG nhập khẩu của EU.

Việc đưa ra lệnh cấm vận trên toàn EU sẽ đưa EU đến gần hơn với mục tiêu từ bỏ hoàn toàn nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, theo hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy, mặc dù các nước châu Âu đã gần như cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga nhưng châu Âu vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp LNG của Nga.

Xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu trong quý đầu tiên của năm 2024 đã tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và việc thay thế khối lượng này trong thời gian ngắn là một thách thức lớn đối với lục địa già.

HẠNH CHI tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phuong-tay-can-nhac-goi-trung-phat-thu-14-nham-vao-nga-post741145.html