PV Trans (PVT): Hái quả ngọt từ chiến lược 'kép', vượt 53% mục tiêu lãi năm 2024

Giá cước định hạn cho tàu chở dầu thô trên thị trường toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục neo cao, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho Tổng Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT).

Vượt 53% mục tiêu lợi nhuận năm 2024

Tổng Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 với doanh thu đạt xấp xỉ 3.348 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 271 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,6% và 4,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế cả năm 2024, PV Trans ghi nhận tổng doanh thu 11.812 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế 1.472 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 20% so với năm 2023. Như vậy, tổng công ty đã hoàn thành và vượt gần 15% mục tiêu doanh thu và hơn 53% mục tiêu lợi nhuận cả năm đã đề ra.

Ban lãnh đạo PV Trans cho biết lợi nhuận tổng công ty tăng trưởng tích cực trong năm vừa qua chủ yếu đến từ việc nâng cao hiệu quả khai thác đội tàu và tăng thu nhập khác liên quan đến khoản thanh lý tàu.

Chiến lược "trẻ hóa" đội tàu và đẩy mạnh mở rộng thị trường quốc tế đã và đang đem lại các kết quả tích cực cho PV Trans.

Chiến lược "trẻ hóa" đội tàu và đẩy mạnh mở rộng thị trường quốc tế đã và đang đem lại các kết quả tích cực cho PV Trans.

Trong năm 2024, PV Trans đã đầu tư tổng công thêm 8 tàu mới, bao gồm các loại tàu dầu sản phẩm, tàu hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời. Tổng công ty đã tích cực theo đuổi chiến lược “trẻ hóa” đội tàu trong thời gian gần đây nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Việc đầu tư vào các tàu mới và thanh lý tàu cũ giúp tổng công ty tăng hiệu quả khai thác, giảm chi phí bảo dưỡng.

Xu hướng chuyển dịch năng lượng và các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính trong vận tải đường biển cũng đặt ra yêu cầu cho PV Trans phải sở hữu đội tàu hiện đại, sử dụng năng lượng sạch hơn, hướng đến thu hút các khách hàng có giá trị cao hơn.

Hiện PV Trans đang sở hữu đội tàu 58 chiếc với tổng trọng tải đạt trên 1,6 triệu DWT, giữ vững vị thế là đơn vị vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam. Quy mô tài sản đạt xấp xỉ 19.889 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2024), tăng gần 14% so với hồi đầu năm 2024. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là hơn 4.509 tỷ đồng, chiếm 22,6% tổng tài sản.

Theo đuổi chiến lược “kép”

Bên cạnh chiến lược “trẻ hóa” đội tàu, PV Trans cũng đang theo đuổi chiến lược mở rộng ra thị trường vận tải quốc tế, với mục tiêu doanh thu quốc tế chiếm ít nhất 70% tổng nguồn thu. Tỷ trọng doanh thu từ thị trường quốc tế của PV Trans đã tăng dần từ 40% (năm 2020) lên khoảng 54% trong năm 2023, giúp cải thiện tích cực biên lợi nhuận gộp.

Ban lãnh đạo PV Trans cho biết, tổng công ty sẽ dồn lực cho việc mở rộng hoạt động quốc tế, trong khi hạn chế mở rộng hoạt động trong nước do đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường nội địa. Do đó, việc mở rộng đội tàu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của PV Trans trong thời gian tới, do công ty chủ yếu tham gia thị trường thuê tàu định hạn trên thị trường quốc tế.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVT của PV Trans từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVT của PV Trans từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo hình thức thuê định hạn, chi phí nhiên liệu do khách thuê chịu nên biến động giá nhiên liệu sẽ không ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của chủ tàu. Điều này nghĩa là sự biến động trên thị trường giao ngay sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận của tổng công ty, mà lợi nhuận sẽ tăng trưởng dựa trên khả năng tăng công suất, cũng như giá thuê tàu định hạn, ban lãnh đạo PV Trans phân tích.

Trong năm nay, PV Trans lên kế hoạch tổng nhu cầu vốn đầu tư 3.551 tỷ đồng gồm dự án chuyển tiếp đầu tư 01 tàu dầu sản phẩm MR hoặc 01 tàu hàng rời với tổng vốn đầu tư 29 triệu USD; dự án chuyển tiếp đầu tư 02 tàu dầu sản phẩm MR hoặc 01 tàu dầu thô Aframax với tổng vốn đầu tư 52 triệu USD; và đầu tư mới 01 tàu size lớn LNG/VLGC hoặc từ 1 đến 3 tàu (tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu hóa chất) với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD.

Dự báo giá cước tàu chở dầu thô tiếp tục neo cao

Về triển vọng thị trường năm 2025, theo đánh giá mới đây từ Chứng khoán MB, giá cước định hạn cho tàu chở dầu thô dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức cao, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp như PV Trans.

Cụ thể, châu Âu có khả năng tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và gia tăng nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông và Mỹ; qua đó thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu vận tải trên các tuyến đường dài.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy khai thác và xuất khẩu dầu của Mỹ trong thời gian tới. Chính sách này sẽ thúc đẩy nhu cầu vận chuyển dầu thô và các sản phẩm từ dầu trên các tuyến đường dài, từ Mỹ đến châu Á hoặc châu Âu.

Giá cước thuê tàu định hạn của một số loại tàu. (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán MB)

Giá cước thuê tàu định hạn của một số loại tàu. (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán MB)

Hơn nữa, việc nguồn cung dầu thô gia tăng ở các nước châu Mỹ trong khi công suất lọc dầu lại tăng chủ yếu ở châu Á có thể tạo ra sự mất cân bằng và tương ứng làm tăng nhu cầu vận chuyển dầu thô trên toàn thế giới.

Đối với mảng vận tải sản phẩm dầu/hóa chất, áp lực từ việc nhiều tàu mới gia nhập thị trường hơn trong năm nay có thể khiến mặt bằng giá cước “hạ nhiệt”. Đồng thời, mảng vận tải này không được hưởng lợi từ sự mất cân bằng ngày càng tăng giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương như thị trường vận tải dầu thô. Cả công suất lọc dầu lẫn nhu cầu dầu sản phẩm cuối cùng đều tăng chủ yếu ở châu Á, điều này không tạo ra sự mất cân bằng dẫn đến tăng khoảng cách di chuyển.

Hội đồng Quản trị PVTrans hiện đặt mục tiêu kinh doanh năm 2025 với chỉ tiêu doanh thu 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.200 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước dự kiến 380 tỷ đồng.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/pv-trans--pvt-hai-qua-ngot-tu-chien-luoc--kep---vuot-53--muc-tieu-lai-nam-2024-132957.htm