PVS: Dự án Lô B thúc đẩy backlog lên 2,5 tỷ USD, đảm bảo việc làm 2027
PVS đưa ra mức tổng doanh thu 15,5 nghìn tỷ đồng năm 2024. Lãi ròng 660 tỷ đồng, giảm 28% so với sơ bộ năm 2023 nhưng tăng 18% so với kế hoạch năm 2023.
Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 với tổng doanh thu đạt 20,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ. Lãi ròng lại sụt giảm nhẹ 3% về mức 920 tỷ đồng.
Chứng khoán Vietcap (VCSC) lưu ý rằng PVS thường thận trọng trong việc ước tính kết quả kinh doanh sơ bộ. Đơn cử như lợi nhuận trước thuế thực tế năm 2022 đã vượt số liệu sơ bộ 9%.
PVS ước tính doanh thu mảng cơ khí & xây dựng (M&C) năm 2023 đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu sơ bộ năm 2023 mảng M&C điện gió ngoài khơi đã tăng gấp 3 lần khi đạt 3,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, nhờ sự đóng góp từ các hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi mới.
PVS ước tính vốn xây dựng cơ bản của công ty tăng gấp 3 lần khi chiếm 1,3 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, bao gồm 874 tỷ đồng của công ty mẹ và 386 tỷ đồng của các công ty con.
Về kế hoạch năm 2024, PVS đưa ra mức tổng doanh thu 15,5 nghìn tỷ đồng, giảm 23% so với doanh thu sơ bộ năm 2023 nhưng tăng 17% so với kế hoạch năm 2023. Lãi ròng đạt 660 tỷ đồng, giảm 28% so với sơ bộ năm 2023 nhưng tăng 18% so với kế hoạch năm 2023.
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2024 của PVS lần lượt tương đương 55% và 51% dự báo của VCSC, do công ty thận trọng trong việc đặt mục tiêu.
Trong 5 năm qua, PVS đã vượt kế hoạch lợi nhuận trung bình 50%. Ngoài ra, Ban lãnh đạo cho biết các dự án M&C đang thi công dự kiến sẽ ở giai đoạn khảo sát và thiết kế trong năm 2024 trước khi chuyển sang giai đoạn xây dựng trong năm 2025. Do đó, Ban lãnh đạo kỳ vọng một phần nhỏ doanh thu từ các dự án này sẽ được ghi nhận vào năm 2024, trong khi phần lớn doanh thu sẽ được ghi nhận vào năm 2025-2026.
PVS dự kiến vốn xây dựng cơ bản ở mức 1,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, gấp 2,8 lần so với dự báo của VCCS. VCSC cho rằng sự chênh lệch này là do ban lãnh đạo tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ việc thực hiện các dự án M&C sắp tới.
Dự án Lô B có tiềm năng thúc đẩy backlog của PVS lên 2,5 tỷ USD và đảm bảo việc làm đến năm 2027
Ban lãnh đạo PVS dự kiến dự án Lô B sẽ khai thác dòng khí đầu tiên vào ngày 31/12/2026.
Liên quan đến lo ngại của các nhà đầu tư về việc hết hạn của trao thầu hạn chế (LLOA) cho các hợp đồng EPCI#1-3, Ban lãnh đạo có quan điểm lạc quan rằng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đối tác nước ngoài sẽ tiếp tục triển khai dự án bằng cách gia hạn thời gian thực hiện của LLOA hoặc trao thầu chính thức (LOA) cho các nhà thầu.
Quan điểm lạc quan này xuất phát từ thực tế là 1) Ban lãnh đạo tin rằng việc trao LLOA cho các hợp đồng EPCI#1-3 đã thể hiện cam kết chung mạnh mẽ của PVN và các đối tác nước ngoài trong việc thực hiện dự án Lô B, 2) Chính phủ Việt Nam có thể thu được một khoản thuế rất lớn (tổng cộng 22 tỷ USD theo truyền thông trong nước), 3) Lô B là dự án quan trọng của Ngành Dầu khí Việt Nam và 4) có ít rủi ro chính trị liên quan đến dự án Lô B. Ngoài ra, PVS đã nhận được các khoản thanh toán sau khi hoàn thành từng giai đoạn của LLOA như đã nêu trong mốc thời gian của LLOA.
Về EPCI#1 (giá trị hợp đồng cho PVS là 493 triệu USD), PVS và đối tác McDermott đã hoàn thành 15% tiến độ của LLOA cho hợp đồng EPCI#1, phù hợp với tiến độ của PVS và kỳ vọng của VCSC. PVS đặt kế hoạch biên lợi nhuận ròng đạt 4%, tương ứng lợi nhuận ròng cho PVS ước tính đạt 20 triệu USD.
Hợp đồng cho thuê FSO, Công ty đang đấu thầu hợp đồng cho thuê FSO.
EPCI#4 (giá trị hợp đồng ước tính cho PVS là 400 triệu USD), PVS đang đánh giá tính khả thi về mặt thương mại của hợp đồng EPCI#4 liên quan đến việc xây dựng đường ống biển.
Đối với mảng M&C điện gió ngoài khơi, các hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi được trao bởi Orsted: Liên quan đến lo ngại của nhà đầu tư về khó khăn tài chính của Orsted, PVS cho biết Orsted đã đánh giá lại các dự án điện gió ngoài khơi đang được xây dựng và ghi nhận lỗ suy giảm giá trị trong báo cáo tài chính của công ty này.
Tuy nhiên, ngoài những dự án bị hủy bỏ ở Mỹ, các dự án khác của Orsted đều đang tiến triển tốt. Mặc dù những khó khăn của ngành điện gió ngoài khơi toàn cầu, Ban lãnh đạo tin rằng khối lượng công việc lớn trong lĩnh vực này sẽ giúp PVS linh hoạt hơn trong việc lựa chọn các dự án tạo ra giá trị cao nhất để tham gia. PVS cũng có thể đạt được biên lợi nhuận cao hơn từ các dự án này.
PVS cũng đạt năng suất cao hơn khi mở rộng sang mảng M&C điện gió ngoài khơi, giúp giảm chi phí sản xuất và cải thiện biên lợi nhuận. PVS nhận thấy không có tác động nào từ việc chi phí vận chuyển tăng cao (do căng thẳng ở Biển Đỏ) hay giá thép tăng đối với biên lợi nhuận của mảng M&C (một phần do cơ chế chuyển ngang chi phí). Tuy nhiên, ban lãnh đạo lưu ý rằng một phần vốn đầu tư mà PVS chưa hoàn tất vốn hóa tài sản có thể được tính vào giá vốn hàng bán. Điều này có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của mảng M&C.
Dự án xuất khẩu điện sang Singapore, PVS dự kiến thực hiện khảo sát khu vực ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào năm 2024. Sau bước này, PVS sẽ nghiên cứu khía cạnh kỹ thuật và thương mại của dự án. PVS cũng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài mới bên cạnh Sembcorp. Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore yêu cầu PVS và Sembcorp phải xuất khẩu điện từ Việt Nam sang Singapore chậm nhất vào năm 2033.
Theo Ban lãnh đạo PVS, không có trở ngại đáng kể nào liên quan đến thủ tục pháp lý để thực hiện dự án xuất khẩu điện này tại Việt Nam, trong khi đó môi trường pháp lý của Singapore hỗ trợ đối với dự án này.