Qua miền Chu Ru

Chiều, ngang qua huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, được ngắm nhìn sắc màu những ruộng lúa không gieo cùng vụ, khói lam chiều vương vấn trên dãy Pơtơu Gớp. Xứ ấy, có những buôn làng Chu Ru đang 'dệt' những sắc màu huyền diệu.

Vũ điệu Đămtơra kết nối của người Chu Ru.

Vũ điệu Đămtơra kết nối của người Chu Ru.

Đi hết cánh đồng dưới chân núi, thoáng nghe điệu Ơ đó lẫn trong gió chiều. Lần theo điệu hát, tôi tìm đến nhà già Ya Loan, bên hiên nhà, bà Ma Wy, vợ ông thả hồn trong điệu hát vui.

Bà bảo, Ơ đó là một trong những điệu hát đặc trưng của người Chu Ru, có tiết tấu nhanh, vui vẻ. Lời ca thiên về tình yêu giữa con người, tình yêu sông suối, núi rừng, cây cối và chim muông… Lúc lên rẫy, khi về đồng, người Chu Ru thường vừa đi vừa hát điệu hát ấy.

“Người Chu Ru có rất nhiều điệu hát, nào ha ri, ka tha, cho hea… Mỗi điệu được cất lên trong những sự kiện theo quy ước từ ngàn xưa”, bà Ma Wy nói.

Có hàng nghìn bài hát do người Chu Ru tự sáng tác lời, với những điệu hát chính như bà Ma Wy kể. Trong đó, ha ri là điệu hát phổ biến. Điệu hát này thường dùng để hát đối, nhưng cũng không ai trách phạt khi ngân nga một mình.

Trong đám cưới, nhà chồng muốn gửi gắm chàng trai về bên vợ, mẹ hoặc bà chàng trai sẽ hát điệu ha ri kể chuyện xưa của chàng và nói lời gửi gắm, dặn dò; mẹ hoặc bà cô gái sẽ hát lời đối đáp.

Điệu hát này cũng để khuyên bảo nhau trong vài trường hợp, hoặc già làng thường dùng để kể chuyện xưa. Còn ka tha là điệu hát về mùa màng; các già làng thường truyền miệng theo điệu này để cho con cháu dễ ghi nhớ lịch của mùa vụ và điệu hát chia buồn cho hea. Trải qua bao dâu bể của lịch sử tộc người, những điệu hát ấy vẫn còn truyền tụng.

Hôm nay, tôi tìm về buôn làng Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, để được nghe những giai điệu dân ca Chu Ru tha thiết và hòa trong vũ điệu Tamya huyền thoại.

Ngọn lửa đã rực sáng, âm ba của chiêng, trống quyện hòa cùng điệu rơkel tấu khúc T’rumpô nhã nhặn, khúc thức trong nhịp điệu mời thần; Păhgơnăng tưng bừng, hối hả mời mọi người nhập cuộc; Arya gợi mở cuộc vui vào đêm bất tận…

“Tamya là múa. Còn Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Đămtơra... là các vũ điệu. Đối với người Chu Ru, trong các sự kiện có tính cộng đồng, cộng cảm, không thể thiếu các điệu Tamya trên nền nhạc của trống (sơgơr), đồng la (sar), rơkel (kèn bầu)… Đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu Ru”, Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio cho biết.

Lửa bập bùng, nhịp chiêng, điệu rơkel quấn quyện những đôi chân trần chàng trai, cô gái miền sơn cước trong men say đại ngàn.

“Nhạc trưởng” Ma Bio khơi điệu Arya, điệu dân vũ mời khách thưởng thức rượu cần và nhảy múa. Đây là vũ điệu mang tính cộng đồng cao, thể hiện tình đoàn kết dân tộc và thường được sử dụng trong các lễ hội, kết giao, động tác khá đơn giản, nên nhiều người đều có thể hòa nhịp.

“Arya, vũ điệu mở đầu và kết thúc tùy thuộc vào không khí, thời gian của lễ hội, cuộc kết giao. Nó đơn giản, nhưng sự tinh tế nằm ở hình thái những ngón tay, ai tinh ý đều có thể nhận ra người nào múa đẹp”, Nai Luyến, học trò của nghệ nhân Ma Bio, chia sẻ.

Dưới ánh trăng, các sơn nữ Chu Ru hóa thân vào điệu vũ chiêng chao, mềm mại, như sợi dây kết nối thiêng liêng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Với người Chu Ru, khi sơgơr, sar, rơkel tấu lên, là lúc những thông điệp của những người con buôn làng đã được thần linh chấp thuận. Mối giao cảm giữa con người và các đấng vô hình được thiết lập qua từng khúc thức âm nhạc, điệu vũ, được cộng đồng quy định nghiêm ngặt về phương thức diễn tấu và diễn xướng.

Nếu Arya là vũ điệu phần lớn dành cho các cuộc vui, thì T’rumpô được coi là vũ điệu thiêng, chặt chẽ trong khúc thức, nhã nhặn trong nhịp điệu mời thần.

Ngưng tấu rơkel, già Ya Hin cho biết: “Cùng với các vũ điệu trên, người Chu Ru còn có vũ điệu Đămtơra kết nối gái-trai. Bởi thế, nên người Chu Ru cứ lớn lên là biết múa điệu này. Vũ điệu có tiết tấu nhạc đệm rộn ràng, cởi mở. Đây cũng là dịp để trai, gái kết giao; con gái tìm nơi bắt chồng”.

Tamya được sinh ra trên chính nền âm nhạc cổ cùng tên với điệu vũ. Bởi vậy, trình diễn “ngôn ngữ hình thể” không thể thiếu nhịp chiêng và ngược lại, điệu chiêng ngân dài mà vắng dân vũ cũng sẽ “lạc phách”, thiếu sự khơi gợi. Chiêng, trống, kèn và Tamya phải quyện hòa, khi mải miết rong chơi trên đỉnh núi lớn, khi dặt dìu trong những vòng xoang, cùng vui ngày hội.

Qua miền Chu Ru để được chếnh choáng trong hương rượu ủ men rừng, đắm chìm trong giai điệu dân ca man mác và hòa vào điệu Tamya rạo rực, đắm say bên bếp lửa nồng nàn.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/qua-mien-chu-ru-218853.html