Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô linh hoạt, chặt chẽ
Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19-7-2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau đây gọi tắt là NĐ 47) chính thức có hiệu lực từ 1-9-2022. Những quy định của NĐ 47 có nhiều thay đổi mà các cơ quan chức năng và người dân cần quan tâm để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải một cách chặt chẽ hơn.
Triển khai Nghị định 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ:
Xe vận tải hành khách chờ đón khách tại Bến xe phía Bắc, TP Thanh Hóa (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: V.H
Quy định mới đáng chú ý
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của NĐ 47 là yêu cầu không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Thực tế những năm gần đây, để nâng cấp dịch vụ đón trả khách liên tỉnh, nhiều nhà xe đã cải tạo dòng xe 16 chỗ thành loại xe dưới 10 chỗ, thường gọi là xe Limousine để chở khách. Quy định mới tại Khoản 3, Điều 2, NĐ 47 đã nêu rõ: “Xe ôtô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ôtô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định tại nghị định này”. Như vậy, những xe Limousine được cải tạo và cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1-9-2022 thì vẫn được tiếp tục sử dụng để chở khách cho đến khi hết niên hạn sử dụng. Còn những xe Limousine được cải tạo từ ngày 1-9-2022 sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.
Phải cung cấp thông tin khi ký gửi hàng trên xe khách cũng là một trong những điểm mới đáng chú ý tại NĐ 47. Theo đó, để bảo đảm công tác quản lý và kiểm soát hàng hóa ký gửi trên xe khách, khoản 1 Điều 1, NĐ 47 đã bổ sung quy định: “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận".
Bên cạnh đó, NĐ 47 cũng đề cập việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung, như: Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); an ninh trật tự; thuế; phòng, chống buôn lậu.
Khi cơ quan cấp giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh thì đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 7 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực phải nộp lại giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, phải dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh ngay sau khi quyết định có hiệu lực.
Từ ngày 1-7-2023, xe kinh doanh vận tải buộc phải lắp camera giám sát hành trình mới được cấp phù hiệu, biển hiệu. Cụ thể, NĐ 47 bổ sung khoản 8 Điều 34 như sau: “Từ ngày 1-7-2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định”. Theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, những xe kinh doanh vận tải buộc phải lắp camera hành trình bao gồm ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên (theo khoản 2 Điều 13); ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo (theo khoản 2 Điều 14).
Tăng cường quản lý và xử lý vi phạm
Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3.518 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (gồm doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh) với 14.350 phương tiện. Trong đó có 686 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (gồm tuyến cố định, hợp đồng, xe buýt, xe taxi) với 4.981 phương tiện; 2.832 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (gồm hàng hóa thông thường, đầu kéo, container) với 9.369 phương tiện.
Để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, Sở GTVT thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đến các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, các hiệp hội có liên quan; kiểm tra duy trì các điều kiện kinh doanh của các đơn vị vận tải theo quy định. Thông qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, camera của các phương tiện vận tải truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hàng tháng đã phân tích, tổng hợp để kịp thời có văn bản nhắc nhở và có biện pháp xử lý đối với các phương tiện vi phạm TTATGT. Từ đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị vận tải trong việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực vận tải; tăng cường công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vận tải; chất lượng dịch vụ vận tải dần được nâng cao. Công tác tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc thực thi pháp luật về ATGT cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe khi tham gia hoạt động trên tuyến được tăng cường.
Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xây dựng kế hoạch để kiểm tra xe hợp đồng, xe vận tải hành khách tuyến cố định thực hiện không đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận, đón trả khách không đúng nơi quy định; xe dù lôi kéo, đón trả khách tại các điểm dừng, đỗ của xe buýt...; phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh; phối hợp bảo đảm TTATGT, phân luồng giao thông trong các dịp nghỉ lễ, tết...Bên cạnh đó, việc tăng nặng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng cùng với sự ra quân đồng loạt, xử phạt nghiêm minh của các lực lượng chức năng đã tác động mạnh tới các doanh nghiệp vận tải, tới người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nên đã giảm đáng kể các hành vi vi phạm như: chở hàng quá khổ, quá tải trọng, chở quá số người theo quy định, vi phạm quy định nồng độ cồn, vi phạm tốc độ... Hàng tháng, Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT thường xuyên trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham mưu cho lãnh đạo sở xử lý vi phạm đối với các đơn vị vận tải, chủ phương tiện có xe ô tô vi phạm tốc độ. Từ đầu năm 2022 đến nay, sở đã ban hành 7 quyết định, thu hồi 815 phù hiệu.
Để triển khai các quy định mới tại NĐ 47 và các văn bản mới có liên quan, Sở GTVT đã ban hành các văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa, Hiệp hội Vận tải ô tô taxi Thanh Hóa, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tổ chức tuyên truyền đến các đơn vị vận tải trên địa bàn nắm bắt và tổ chức thực hiện. Sở GTVT yêu cầu các phòng, đơn vị chức năng nghiên cứu kỹ các nội dung NĐ 47 để triển khai thực hiện theo quy định.
Ông Vũ Minh Thuận, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT cho biết: Về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung của NĐ 47 đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TTATGT; an ninh trật tự, thuế, phòng, chống buôn lậu. Việc thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu được quy định cụ thể, rõ ràng (trong 7 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực thì đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu, dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải). NĐ 47 cũng quy định rõ việc không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Tuy nhiên, để việc triển khai các quy định mới đến toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh thì còn gặp khó khăn do địa bàn tỉnh rộng, các đơn vị vận tải hoạt động phủ đều khắp các huyện, thị xã, thành phố; nhiều hộ kinh doanh vận tải ở vùng sâu, vùng xa nên cập nhật thông tin còn hạn chế. Mặt khác, trình độ của một bộ phận đơn vị kinh doanh vận tải là hộ kinh doanh, lái xe còn hạn chế, nên việc tiếp cận, nhận thức đầy đủ các quy định của Chính phủ, Bộ GTVT về quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải cần có thời gian.
Ông Vũ Minh Thuận cho biết thêm: Trong thời gian tới, phòng Quản lý vận tải tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo sở tăng cường tuyên truyền các quy định về kinh doanh vận tải đến các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác trao đổi, đối thoại với đơn vị vận tải để nắm bắt những khó khăn, giải đáp các vướng mắc để các đơn vị vận tải nắm bắt, hiểu rõ và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền những khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện về các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư xe kinh doanh vận tải, loại bỏ các xe cải tạo thành xe taxi
Theo như Nghị định 47/2022/CP có nhiều điểm mới trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có quy định cấm hoán cải xe trên 10 chỗ thành xe dưới 10 chỗ chở khách và không sử dụng ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách.Về quy định này, Chính phủ đưa ra là rất hợp lý để tránh trường hợp các nhà xe sử dụng xe 16 chỗ hoán cải thành xe dưới 10 chỗ chạy trên đường, bởi các xe khi đưa đi đăng kiểm là xe dưới 10 chỗ thì được xem như là xe nhỏ đi được vào những đường cấm xe khách, nhưng về diện tích của xe thì quá lớn để đi vào trung tâm thành phố nên rất dễ gây ra ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến các phương tiện khác và người dân xung quanh. Ngoài ra, những phương tiện hoán cải này đi trên đường thường phóng nhanh, vượt ẩu, gây ra các vụ tai nạn thương tâm, mất an toàn cho người đi đường và các phương tiện tham gia giao thông khác.
Tuy nhiên, nghị định sửa đổi cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến một số doanh nghiệp đã hoán cải xe, vì chi phí hoán cải xe lớn, nếu sau này đi đăng kiểm lại thì cần phải sửa lại cho đúng nguyên bản của xe, gây nên gánh nặng cho doanh nghiệp.
Còn đối với sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP về xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất; không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 9 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, rất phù hợp với các đơn vị kinh doanh taxi, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư xe kinh doanh vận tải, loại bỏ các xe cải tạo thành xe taxi; tránh việc nhiều đơn vị đưa các xe đã quá niên hạn, xe cũ không còn đủ khả năng kinh doanh taxi để kinh doanh vận tải hành khách, ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước Việt Nam - vì khách du lịch nước ngoài thường xuyên di chuyển bằng taxi nên khi lên xe đã quá cũ thì “mất điểm” trong mắt của người đi du lịch.
Hồ Hữu Thiết
Giám đốc Công ty TNHH
Mai Linh Thanh Hóa Lắp camera giám sát hành trình là rất cần thiết
Theo NĐ 47, từ ngày 1-7-2022, những xe kinh doanh vận tải bao gồm: Ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên (theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP); ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo (theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP) nếu muốn được cấp phù hiệu và biển hiệu để lưu thông phải lắp camera hành trình theo đúng điều kiện quy định, tôi cho rằng quy định này là rất cần thiết.Vì trên thực tế, có một số nhà xe hoặc tài xế khi lái xe cố tình chở quá số người quy định, đặc biệt là những ngày lễ, tết; chạy xe không đúng tuyến cố định; bất chấp đường hẹp và lưu lượng xe đông vẫn cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, có thể gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề về người và của cho người tham gia giao thông.
NĐ 47 quy định lắp camera giám sát hành trình với các loại xe nêu trên một mặt sẽ giúp các tài xế lưu thông trên các đường hoặc khu vực mà tài xế không nắm rõ đường thì có thể sử dụng đến những thiết bị định vị để hỗ trợ di chuyển một cách dễ dàng. Ngoài ra, sử dụng camera hành trình giúp tài xế điều khiển chiếc xe một cách linh hoạt hơn, như việc quan sát khi đi lùi hay lùi xe để tấp lề đường; tài xế có thể nắm được toàn bộ hành trình di chuyển của mình. Có thể giám sát toàn bộ hành trình của xe ô tô nếu như tài xế gắn thiết bị camera hành trình bằng thiết bị trực tuyến từ xa, hoặc qua ứng dụng điện thoại thông minh. Hỗ trợ quan sát trong điều kiện thiếu ánh sáng. Quan trọng hơn là khi xảy ra tai nạn giao thông, thì có thể trích xuất và cung cấp hình ảnh để phục vụ công tác điều tra thêm tốt hơn, bảo vệ bạn trước các “tai bay vạ gió”. Thậm chí giúp người lái tránh bị “mất tiền oan” do cảnh sát giao thông “phạt nhầm”... Mặt khác, việc lắp camera hành trình cũng giúp cho cơ quan chức năng kết nối, chia sẻ dữ liệu về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để phối hợp quản lý tốt hơn. Từ đó, các tài xế có “tay lái lụa” cũng phải dè chừng khi lưu thông trên đường vì sự an toàn của người tham gia giao thông.
Đào Văn Hùng
(TP Thanh Hóa)
Cần phải cam kết bảo đảm thông tin cá nhân cho khách hàng
Mấy năm nay, tôi có 2 con học ở Hà Nội. Hằng tuần, tôi đều mua đồ ăn, sau đó đóng thùng mang ra nhà xe gửi ra cho các cháu. Mỗi lần gửi như vậy, tôi chỉ cần viết số điện thoại của tôi và của con là được. Nhưng lần này đi gửi đồ, nhà xe yêu cầu phải khai đầy đủ thông tin. Khi tôi thắc mắc, nhân viên nhà xe giải thích, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành NĐ 47 bổ sung Điểm đ vào Khoản 3, Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin tên hàng hóa, cân nặng hàng hóa (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số CCCD/CMND, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Nghe nhân viên nhà xe giải thích, tôi thấy rất lo lắng vì hiện nay cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các đối tượng xấu có thể lợi dụng thông tin cá nhân của người khác để sử dụng vào các mục đích trái quy định của pháp luật và gây ảnh hưởng đến người bị lộ thông tin. Vì vậy, mỗi khi có việc gì cần cung cấp thông tin cá nhân, tôi rất thận trọng. Tôi thiết nghĩ, khi Nhà nước ban hành các quy định thì đã nghiên cứu rất rõ để làm sao các quy định khi đưa vào thực tiễn cuộc sống không bị vướng, nhưng khi thực hiện quy định này, người dân cũng mong cơ quan chức năng hoặc nhà xe có giải pháp cam kết bảo đảm thông tin cá nhân cho khách hàng. Có như vậy khách hàng mới yên tâm cung cấp thông tin để ký gửi hàng hóa.
Dương Thị Nhàn
(xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn)