Quản lý theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao

Về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh theo hướng quản lý theo mức độ rủi ro thấp, trung bình và cao.

Sáng 6/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Bộ quản lý ngành sẽ xác định sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro cao

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật có 4 Điều gồm: Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong điều này sửa đổi, bổ sung 32 điều của 6 chương). Điều 2, bãi bỏ một số điều, khoản của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Điều 3, hiệu lực thi hành. Điều 4, điều khoản chuyển tiếp.

Theo Phó Thủ tướng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 1, Điều 5 về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng quy định cụ thể nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa. Trong đó bao gồm tất cả các loại sản phẩm, hàng hóa như nông sản, thực phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm). Khả năng gây mất an toàn có thể xảy ra đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được xác định dựa trên một hoặc những yếu tố sau: bản chất hóa học, vật lý, sinh học; kết cấu, nguyên lý hoạt động; quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 1/12/2023 về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023, Chính phủ yêu cầu “rà soát nội dung về tiêu chí xác định sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro cao và sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro trung bình, thấp”.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, dự thảo Luật bổ sung quy định về các yếu tố để xác định khả năng gây mất an toàn có thể xảy ra đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 như báo cáo nêu trên là phù hợp.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Căn cứ các yếu tố này, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ xác định sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro cao (ví dụ như vật liệu nổ, thuốc thú y, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng...), sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro trung bình, thấp (ví dụ như mũ bảo hiểm, thiết bị điện - điện tử gia dụng, vật liệu xây dựng...), phù hợp với đặc tính của từng sản phẩm, hàng hóa, yêu cầu, khả năng quản lý nhà nước trong từng thời kỳ của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng dự án Luật.

Đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật như: nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp bối cảnh mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa mậu biên, kinh doanh qua thương mại điện tử.

Đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu và đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, đề nghị rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tiếp tục rà soát toàn diện các quy định, hướng dẫn, khuyến nghị trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để nội luật hóa, bảo đảm thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện.

Về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh theo hướng quản lý theo mức độ rủi ro thấp, trung bình và cao. Việc đánh giá mức độ rủi ro thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO); dựa trên cảnh báo của tổ chức quốc tế có liên quan; khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.

Cơ bản thống nhất với các chính sách của nhà nước về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tuy nhiên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung một số chính sách như hài hòa tiêu chuẩn, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chuỗi cung ứng; xã hội hóa việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quan-ly-theo-muc-do-rui-ro-thap-trung-binh-cao-10371433.html