Quản số giờ làm thêm của sinh viên: Còn nhiều băn khoăn

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) vừa được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến có đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngay từ năm thứ nhất ĐH, Đặng Quyết Tiến, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, đã lăn lộn làm thêm. Tiến làm gia sư, chạy bàn tại quán cà phê. Vừa làm thêm tối ngày, vừa phải hoàn thành chương trình học trên lớp, đôi lúc Tiến cảm thấy kiệt sức.

Kết thúc năm thứ nhất, một số môn học điểm thi không khả quan, Tiến đã tự nhủ sẽ phải dành thời gian học nhiều hơn nhưng mọi chi phí sinh hoạt đều tăng sau khi hết dịch COVID-19 nên em chưa thể cân bằng được thời gian học và thời gian đi làm. “Làm gia sư là công việc có thu nhập cao nhất đối với sinh viên hiện nay”, Tiến nói.

Phạm Văn Chiến, sinh viên năm thứ 2 ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng tranh thủ đi làm gia sư 2 buổi/tuần để có thu nhập 300.000 đồng. Chiến cho biết, thời gian dạy học có thể tăng thêm nếu gia đình thuê có nhu cầu khi con họ sắp thi hoặc kiểm tra.

Chạy Grab hoặc làm shipper (người chuyển hàng) là một trong những công việc được sinh viên ưu tiên lựa chọn làm thêm Ảnh: Như Ý

Chạy Grab hoặc làm shipper (người chuyển hàng) là một trong những công việc được sinh viên ưu tiên lựa chọn làm thêm Ảnh: Như Ý

PGS.TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng Khoa Khách sạn - Du lịch, Trường ĐH Thương mại, cho hay số sinh viên đi làm thêm của Khoa chiếm khoảng 50%. Khoa có mối quan hệ mật thiết với các công ty du lịch, lữ hành nên cơ hội làm thêm của sinh viên rất lớn. Theo ông Thái, các công ty thường yêu cầu sinh viên làm thêm khoảng 4 giờ/ngày.

Thực tế, nhiều sinh viên đi làm thêm cả tuần, về đến nhà mệt mỏi, không có thời gian để nghiên cứu bài vở, đến lớp thường có tâm lý học tủ, thi cho qua môn. Bên cạnh đó, sinh viên làm thêm ít có lựa chọn về thời gian. Mặt khác, nhiều đơn vị có xu thế tuyển sinh viên làm bán thời gian với mức lương thấp so với người đã tốt nghiệp và chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc, không cần biết việc học của sinh viên ra sao.

Trách nhiệm của ai?

ThS.Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Thủy lợi, nhận định, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học là hợp lý. Khi luật đi vào cuộc sống sẽ có quy chế xử phạt đối với doanh nghiệp, sinh viên vi phạm. Như vậy, người tuyển dụng hay sinh viên đi xin việc sẽ có trách nhiệm với quyết định của mình.

Theo PGS. Nguyễn Viết Thái, nhiều nước trên thế giới có quy định số giờ làm thêm của sinh viên. Đây là quy định nhân văn giúp sinh viên cân bằng giữa việc học và làm thêm để lấy kinh nghiệm thực tế hoặc có thêm kinh phí sinh hoạt. Tuy vậy, ông Thái băn khoăn làm thế nào để quy định này của Việt Nam đi vào thực tế.

Trong dự thảo, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian. Nhưng hiện nay các cơ sở giáo dục không có công cụ pháp lí để làm việc này. Ở các nước, trách nhiệm thực hiện là đơn vị sử dụng lao động, nếu vi phạm sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, trách nhiệm của trường ĐH trong việc quản lí sinh viên làm thêm lại ở khía cạnh là cần có cơ chế tăng cường hỗ trợ tài chính cho sinh viên khó khăn. Nhà trường phải chủ động tạo ra cơ hội việc làm phù hợp với sinh viên, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng và tương lai nghề nghiệp.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quan-so-gio-lam-them-cua-sinh-vien-con-nhieu-ban-khoan-post1625628.tpo