Quản trị tài chính công theo mô hình chính quyền hai cấp: Bài 4: Công bằng tài khóa, yêu cầu cấp thiết trong tái cấu trúc tài chính công

Trong mô hình chính quyền hai cấp, việc đảm bảo công bằng tài khóa là yêu cầu cấp bách để những địa phương có khả năng tự cân đối ngân sách thấp không quá phụ thuộc vào nguồn bổ sung từ cấp trên.

Việc đảm bảo công bằng tài khóa là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong tái cấu trúc tài chính công

Việc đảm bảo công bằng tài khóa là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong tái cấu trúc tài chính công

Công bằng tài khóa là việc đảm bảo phân bổ nguồn lực tài chính công theo nguyên tắc “ngang bằng về cơ hội” giữa các cấp chính quyền và giữa các địa bàn, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và giảm bất bình đẳng.

Hiện nay, vẫn phổ biến tình trạng một số địa phương có khả năng tự cân đối ngân sách thấp, dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào nguồn bổ sung từ cấp trên. Thêm vào đó, cơ chế phân bổ ngân sách còn mang tính cơ học, thiếu gắn kết giữa nhu cầu chi và năng lực tài chính thực tế.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia khuyến nghị rằng yêu cầu đảm bảo công bằng tài khóa trong mô hình chính quyền hai cấp, vì vậy, càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Thực trạng bất bình đẳng tài khóa theo vùng miền và cấp ngân sách

Theo Báo cáo Ngân sách nước (NSNN) năm 2024, chỉ có 16/63 tỉnh, thành phố có khả năng tự cân đối thu chi, còn lại đều nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Sự chênh lệch về thu ngân sách bình quân đầu người giữa Hà Nội (21 triệu đồng/người/năm) và Cao Bằng (chưa đến 2 triệu đồng/người/năm) cho thấy khoảng cách tài chính đang ngày càng lớn.

Cấp xã, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa – thường thiếu công cụ đánh giá nhu cầu chi thực tế, dẫn đến phân bổ theo bình quân đầu người hoặc số đơn vị hành chính, không phản ánh đúng đặc thù vùng miền.

Tăng cường minh bạch, giám sát ngân sách: Trụ cột của tài chính công hiện đại

Về hiện trạng giám sát ngân sách, số liệu thống kê từ Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng mức độ minh bạch và năng lực giám sát ngân sách ở cấp địa phương vẫn còn là điểm yếu, thể hiện qua tỷ lệ công khai ngân sách xã/phường còn thấp.

Cụ thể, theo khảo sát của Tổ chức Công khai ngân sách (OBS) năm 2023, chỉ 42% xã phường công khai đúng quy định kế hoạch thu – chi hằng năm. Cơ chế giám sát của HĐND các cấp còn hình thức, chưa theo dõi chi ngân sách theo kết quả đầu ra. Công nghệ quản lý ngân sách chưa hiện đại hóa đồng bộ, thiếu kết nối giữa đơn vị lập dự toán – đơn vị phân bổ – đơn vị sử dụng ngân sách.

Việc thiếu minh bạch – giám sát dẫn tới hệ lụy rõ ràng là tăng nguy cơ thất thoát, lãng phí, chi sai mục đích. Cản trở khả năng điều chỉnh chính sách linh hoạt trong khủng hoảng (thiên tai, dịch bệnh, lạm phát...). Làm suy giảm niềm tin của người dân vào hiệu quả quản lý tài chính công.

Theo PGS., TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - Trường Đại học Thành Đông, trong điều kiện này, việc đảm bảo công bằng tài khóa và minh bạch ngân sách là hai trụ cột sống còn trong quá trình tái cấu trúc tài chính công theo mô hình chính quyền hai cấp. Thiếu một trong hai yếu tố này sẽ dẫn đến mất cân đối vùng miền, sai lệch mục tiêu chính sách và suy giảm hiệu quả chi tiêu công.

Kết hợp phân cấp và kiểm soát: Nền tảng đảm bảo hiệu quả tài chính và công bằng tài khóa

Cũng theo vị chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở), yêu cầu đặt ra không chỉ là trao quyền nhiều hơn cho cấp dưới, mà còn phải thiết lập cơ chế kiểm soát hiệu quả và minh bạch hơn.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa phân cấp tài chính và kiểm soát tài khóa chính là nền tảng để đảm bảo tính kỷ luật, hiệu quả và liêm chính trong quản lý tài chính công cũng như công bằng tài khóa.

Phân cấp tài chính: Động lực tăng cường tự chủ

PGS., TS. Ngô Trí Long lưu ý rằng việc phân cấp tài chính không đơn thuần là chuyển giao nhiệm vụ chi, mà cần gắn quyền lực với trách nhiệm. Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi năm 2015) đã mở rộng phạm vi tự chủ cho các cấp chính quyền, đặc biệt là trong việc lập, phân bổ và quyết toán ngân sách. Tuy nhiên, trong thực tiễn, quyền hạn này vẫn còn bị "níu kéo" bởi cơ chế xin – cho từ cấp trên, và thiếu công cụ giám sát đủ mạnh từ bên ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2024, có tới 42% ngân sách cấp huyện và xã vẫn chưa có báo cáo quyết toán đúng hạn do thiếu nền tảng kỹ thuật số và thiếu giám sát độc lập. Điều này cho thấy phân cấp mà không có sự kiểm soát hiệu quả sẽ tiềm ẩn nguy cơ thất thoát và lãng phí ngân sách.

Thiết lập cơ chế kiểm soát: 3 trụ cột giám sát tài chính công chặt chẽ

Để phân cấp tài chính thực sự hiệu quả và chặt chẽ, vị chuyên gia đề xuất cần xây dựng hệ thống kiểm soát phù hợp, dựa trên 3 trụ cột bao gồm:

Thứ nhất, tăng cường kiểm toán độc lập và giám sát xã hội. Kiểm toán Nhà nước cần mở rộng phạm vi kiểm toán ngân sách cấp cơ sở, không chỉ kiểm tra tuân thủ mà còn đánh giá hiệu quả, hiệu lực chi tiêu công.

Việc kết hợp phân cấp và kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo nền tảng đảm bảo hiệu quả tài chính và công bằng tài khóa.

Việc kết hợp phân cấp và kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo nền tảng đảm bảo hiệu quả tài chính và công bằng tài khóa.

Số liệu thống kê từ Báo cáo kiểm toán tổng hợp năm 2024 cho thấy trong năm này, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán tại 40 địa phương, phát hiện gần 14.200 tỷ đồng sai phạm, trong đó, có hơn 30% sai phạm liên quan đến cấp huyện và xã.

Do đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và xã hội dân sự cần được trao thêm công cụ để giám sát ngân sách, như quyền yêu cầu công khai các khoản chi lớn, giám sát mua sắm công, tổ chức đối thoại ngân sách với người dân...

Thứ hai, chuẩn hóa và công khai báo cáo tài chính địa phương. Hiện nay, việc lập và trình bày báo cáo tài chính cấp cơ sở còn thiếu chuẩn mực và không dễ truy cập. Do đó, cần áp dụng chuẩn mực kế toán công thống nhất (theo lộ trình kế hoạch được ban hành tại Quyết định số 1676/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, ngày 1/9/2019), yêu cầu mọi đơn vị dự toán từ cấp xã trở lên phải công khai báo cáo tài chính trên Cổng thông tin điện tử của địa phương, với định dạng số có thể phân tích (machine-readable)

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và dữ liệu lớn trong kiểm soát tài chính công. Việc đưa toàn bộ quy trình tài chính – ngân sách từ lập dự toán, phân bổ, giải ngân đến quyết toán lên hệ thống số hóa liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã là chìa khóa để giám sát theo thời gian thực.

Theo số liệu thống kê quý I/2025 của Cục Tin học và Thống kê tài chính – Bộ Tài chính, hiện nay, hơn 45/63 tỉnh, thành phố đã triển khai phần mềm quản lý ngân sách tích hợp dữ liệu từ cấp xã, nhưng mới chỉ 14 địa phương có thể truy xuất dữ liệu tài chính công khai theo thời gian thực.

Việc đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể giúp cảnh báo sớm các dấu hiệu bất thường như: chi vượt định mức, trùng chi, lập dự toán sai cơ sở... Đây chính là bước tiến lớn trong kiểm soát tài khóa hiện đại.

Kinh nghiệm từ các quốc gia OECD cho thấy, phân cấp tài khóa hiệu quả luôn đi kèm với ba nguyên tắc: (1) công khai minh bạch toàn diện, (2) giám sát độc lập mạnh mẽ, (3) quản lý bằng nền tảng số hiện đại.

Ví dụ điển hình tại Hàn Quốc (theo báo cáo khảo sát OECD Fiscal Decentralization Survey 2023) chỉ ra rằng mọi giao dịch ngân sách của cấp địa phương đều phải cập nhật lên hệ thống dBrain – một nền tảng tài chính số quốc gia cho phép kiểm tra tức thời từ trung ương tới cơ sở. Nhờ đó, hiệu suất sử dụng ngân sách cấp xã tại Hàn Quốc đạt mức trên 95%/năm với tỷ lệ sai phạm dưới 0,5%.

Trong mô hình chính quyền hai cấp, việc mở rộng phân cấp tài chính là tất yếu để nâng cao hiệu quả điều hành ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, nếu không thiết lập hệ thống kiểm soát đủ mạnh – từ kiểm toán độc lập đến nền tảng số hóa và giám sát xã hội – thì phân cấp sẽ dễ dẫn đến tùy tiện, thất thoát và kém minh bạch. Chỉ khi phân cấp đi đôi với kiểm soát, tài chính công mới thực sự hiệu lực và công bằng - PGS., TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.

Hiếu Phương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/quan-tri-tai-chinh-cong-theo-mo-hinh-chinh-quyen-hai-cap-bai-4-cong-bang-tai-khoa-yeu-cau-cap-thiet-trong-tai-cau-truc-tai-chinh-cong.html?source=cat-178