Quốc hội thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi)

Sáng 24/6, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao 94,25%.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được thông qua với 459/464 đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 94,25% tổng số đại biểu Quốc hội.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được xây dựng nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Luật sẽ tạo hành lang pháp lý phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Tòa án, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Luật gồm 9 chương, 152 điều.

Đáng lưu ý trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật giữ nguyên quy định về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện như quy định tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Về việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án, Luật quy định Tòa án có nhiệm vụ hướng dẫn; yêu cầu; hỗ trợ; tiếp nhận tài liệu, chứng cứ; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, Luật quy định có Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính; Sở hữu trí tuệ;và Phá sản. Về vấn đề tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, Luật quy định cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Việc ghi âm, ghi hình nêu trên phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định./.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-sua-doi-226660.htm