Quy hoạch giao thông gắn với liên kết vùng

Để sớm đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, Thái Nguyên xác định 'giao thông đi trước'. Từ định hướng đó, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch hạ tầng giao thông theo hướng tăng khả năng kết nối vùng, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư...

Dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) đang được thi công.

Dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) đang được thi công.

Phát triển “mạch máu” giao thông

Với phương châm “giao thông đi trước mở đường”, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thái Nguyên đặc biệt chú trọng tính liên kết, kết nối vùng trong quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông nhằm khai thác lợi thế thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...

Bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Giao thông Vận tải (nay là Sở Xây dựng Thái Nguyên) đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh trình các kỳ họp HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết về phát triển hạ tầng giao thông.

Giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông Vận tải (nay là Sở Xây dựng) đã đề xuất, tham mưu với cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thực hiện 11 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư 6.779 tỷ đồng.

Tiêu biểu phải kể đến 4 dự án dự: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc có chiều dài 42,55km, với tổng mức đầu tư trên 4.200 tỷ đồng; đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang); tuyến đường nối đường tỉnh (ĐT) 261 với ĐT.266 (huyện Phú Bình và TP. Phổ Yên) và tuyến đường kết nối QL.37 với ĐT.269B (Phú Bình).

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm nay, Thái Nguyên quyết tâm làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Như khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng: “để 1 đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông có thể tạo ra 3 đến 6 đồng tăng trưởng kinh tế”, năm 2025, tỉnh dự kiến dành tiếp khoảng 1.300 tỷ đồng đầu tư công từ ngân sách nhà nước cho hạ tầng giao thông.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên thường xuyên làm việc với các nhà thầu để đôn đốc tiến độ thi công. Ảnh: Mạnh Hùng

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên thường xuyên làm việc với các nhà thầu để đôn đốc tiến độ thi công. Ảnh: Mạnh Hùng

Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống

Các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đều đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ông Bùi Tiến Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban tập trung đôn đốc các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, thi công “3 ca”, 4 kíp”, phấn đấu hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Các dự án này khi hoàn thành sẽ là cơ sở để tỉnh thu hút các doanh nghiệp lớn.

Để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng kết nối, làm mới động lực tăng trưởng, ngay từ đầu năm, Sở Xây dựng Thái Nguyên đã làm việc với ngành chuyên môn của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Lạng Sơn để thống nhất tham mưu đầu tư mới các tuyến đường thúc đẩy giao thương.

Theo đó, Thái Nguyên và Lạng Sơn đã thống nhất đề xuất đầu tư xây dựng đường Lạng Sơn - Thái Nguyên mới dài khoảng 70km theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế tối thiểu 80km/giờ. Vị trí khớp nối tuyến đường giữa 2 tỉnh thuộc địa giới hành chính xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) và xã Phương Giao, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên).

Trước đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bổ sung tuyến cao tốc Lạng Sơn - Thái Nguyên trong quá trình rà soát, điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch và nghiên cứu để triển khai trong giai đoạn 2026-2030.

Dự án đầu tư với mục tiêu tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên; góp phần tăng cường liên kết vùng, đem lại nhiều lợi ích cho các tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Bắc, Đông Bắc Bộ; hình thành trục giao thông chính kết nối liên vùng Tây Bắc và Đông Bắc, từng bước hoàn thiện trục giao thông quan trọng liên kết vùng theo hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối từ cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn với các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La...

Cùng với mở hướng đầu tư cao tốc Lạng Sơn - Thái Nguyên, Sở Xây dựng Thái Nguyên và Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang đã thống nhất tham mưu đầu tư xây dựng Tuyến đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Tuyến sẽ tiếp nối Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ (Km11+500, tuyến ĐT.261) và kết thúc tại khu vực đèo Khế giáp ranh hai tỉnh.

Việc đầu tư dự án không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên, Tuyên Quang mà còn góp phần tăng cường liên kết vùng, giảm thời gian di chuyển cả hai chiều theo hướng Tuyên Quang về Thái Nguyên đi Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh...

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, việc đầu tư hạ tầng giao thông của Thái Nguyên những năm qua đã tập trung theo hướng đồng bộ, tăng tính liên kết vùng theo các trục, như trục dọc phía Bắc chạy theo hướng Bắc Nam: Tuyến QL.3 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; QL.37 Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang. Trục ngang là đường Hồ Chí Minh đã và đang được đầu tư. Trục dọc phía Tây kết nối liên vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang - Hà Nội đang được đầu tư và mở rộng đầu tư…

Thúy Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202504/quy-hoach-giao-thong-gan-voi-lien-ket-vung-76e08a2/