Rà soát, bảo đảm hiệu quả cao nhất khi thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đánh giá Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội một cách rất chất lượng, tạo thể chể để Hà Nội phát triển đột phá, tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rà soát, bảo đảm hiệu quả cao nhất khi thực hiện Luật.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn):

Thúc đẩy liên kết của Hà Nội trong các vùng

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) giải thích Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lân cận do Chính phủ quyết định. Đồng thời, Dự thảo Luật dành Chương V quy định mối quan hệ của Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn)

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn)

Vùng đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia gồm Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ gồm Hà Nội và 6 tỉnh, thành phố. Vùng động lực phía Bắc theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 bao gồm Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua 5 tỉnh, thành phố.

Như vậy, mỗi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội, thế mạnh cũng như đặc thù khác nhau. Theo đó, nội dung và cơ chế liên kết của Thủ đô trong mỗi vùng cũng phải khác nhau, tuy nhiên, các quy định của dự thảo lại chưa thể hiện sự khác nhau này. Vì vậy, tôi cho rằng cần đánh giá kỹ hơn, từ đó bổ sung quy định cụ thể hơn nhằm quy định cơ chế và nội dung phù hợp, hiệu quả nhất để thúc đẩy liên kết của Hà Nội trong các vùng.

Bên cạnh đó, tôi đánh giá cao quy định tại dự thảo Luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đây là quy định đầu tiên ở cấp độ luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ.

Quang cảnh TP Hà Nội. Ảnh minh họa

Quang cảnh TP Hà Nội. Ảnh minh họa

Theo Dự thảo Luật, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực với 4 điều kiện. Tôi đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát. Đồng thời, đề nghị xem xét chưa cho thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia hay lĩnh vực biến đổi/chỉnh sửa gen người... Trường hợp vẫn cho phép các lĩnh vực này được thử nghiệm thì cần bổ sung quy định lấy ý kiến của bộ quản lý chuyên ngành trước khi cấp phép.

Ngoài ra, Dự thảo Luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về việc đình chỉ, tạm đình chỉ cũng như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào; hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao. Vì vậy, cần xem xét bổ sung các nội dung này trong Dự thảo Luật.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang):

Hà Nội sẽ có bước phát triển đột phá

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội một cách rất chất lượng. Với các cơ chế, chính sách này, tôi nghĩ Thủ đô sẽ có một bước phát triển rất đột phá. Không chỉ có ý nghĩa riêng cho Thủ đô mà những cơ chế, chính sách này khi chúng ta nghiên cứu kỹ sẽ thấy được những kinh nghiệm cho các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển của mình.

Về bảo vệ môi trường, cần bổ sung quy định giao cho UBND TP Hà Nội quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND TP, tạo thuận lợi hơn cho địa phương. Bởi thực tế thì có quy định thẩm quyền của Hà Nội được quyết định chủ trương đầu tư dự án lên đến khoảng 300ha đến 500ha.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang)

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang)

Tuy nhiên, nếu như không quy định điều kiện này thì theo Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định hướng dẫn hiện nay, với dự án có chủ đích sử dụng đất từ 10ha đất lúa trở lên, thẩm quyền đánh giá báo cáo tác động môi trường lại thuộc về Bộ Tài nguyên & Môi trường. Điều này sẽ khiến thủ tục rườm rà, trong khi Dự thảo Luật quy định phân cấp rất mạnh mẽ từ thẩm quyền, chủ trương đầu tư từ Thủ tướng đã xuống đến TP Hà Nội. Do đó, trong lĩnh vực môi trường, nên phân cấp thẩm quyền cho TP Hà Nội nhiều hơn.

Khi xử lý chuyển tiếp có một điểm, đối với diện tích đất đã được đầu tư hạ tầng nhưng chưa cho thuê đất thì UBND TP Hà Nội thực hiện việc thu hồi đất và cho thuê đất trực tiếp với các nhà đầu tư. Quy định như vậy sẽ dẫn đến hiểu nhầm rằng thành phố sẽ lại thu hồi đất của chính Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Do đó, nên sửa thành “đối với diện tích đã đầu tư hạ tầng tại các Khu Công nghệ cao Hòa Lạc mà chưa cho thuê đất thì UBND TP Hà Nội thực hiện việc cho thuê đất đối với nhà đầu tư theo Luật Đất đai, quyền và lợi ích của các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng được bảo đảm theo giấy nhận đầu tư đã được cấp thẩm quyền cấp trước thời điểm luật này có hiệu lực”. Quy định như vậy để tránh việc các nhà đầu tư hạ tầng ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thể bị ảnh hưởng về mặt quyền lợi.

Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định):

Quy định Hà Nội là đô thị đặc biệt phù hợp với thực tiễn

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều nội dung thể hiện tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội trên một số lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chỉ đạo, kết luận của Trung ương và của Bộ Chính trị, ví dụ như khoản 3, Điều 9, quy định HĐND TP được chủ động hơn trong việc thành lập các ban của HĐND TP, giao HĐND TP một số thẩm quyền, như quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP.

Đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định)

Đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định)

HĐND TP được xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý hoặc phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND TP quyết định một số nội dung và báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất về phân quyền, ủy quyền cho UBND TP, Chủ tịch UBND TP và các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND TP.

Việc phân cấp, phân quyền này là cơ sở pháp lý và để chính quyền thành phố Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao như yêu cầu của Bộ Chính trị. Các nội dung về phân cấp, phân quyền, tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo Luật.

Về quy định huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô, tôi tán thành việc cho phép thành phố thực hiện thí điểm, tạo lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học - công nghệ của thành phố, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, đổi mới, sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ.

Tôi nhất trí với nội dung về vấn đề phát triển vùng, trên tinh thần Hà Nội vì cả nước, dự thảo Luật đã thiết kế một chương riêng để phát triển vùng theo hướng thể hiện rõ vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, là động lực thúc đẩy liên kết phát triển vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Về phân quyền cho TP thực hiện hợp đồng xây dựng, chuyển giao, tôi tán thành với quy định cho phép TP Hà Nội thực hiện hợp đồng xây dựng, chuyển giao trong một số lĩnh vực và thanh toán cho nhà đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để có thể huy động nguồn lực đầu tư xã hội.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ra-soat-bao-dam-hieu-qua-cao-nhat-khi-thuc-hien-luat-thu-do-sua-doi.html